| Hotline: 0983.970.780

Không còn nạn đói là chương trình nhân văn

Thứ Ba 19/10/2021 , 12:14 (GMT+7)

Chương trình “Không còn nạn đói” giúp nâng cao chất lượng và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại nhiều địa phương, song vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình 'Không còn nạn đói' Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Ảnh: Đào Thanh.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình "Không còn nạn đói" Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Ảnh: Đào Thanh.

Hoàn thành nhiều mục tiêu

Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia Không còn nạn đói. Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025 thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên Hợp Quốc.

Qua hơn 3 năm triển khai chương trình, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng như: Người dân có đủ lương thực, thực phẩm, hệ thống lương thực, thực phẩm phát triển bền vững, tăng năng suất lương thực của người nông dân và giảm thiểu lãng phí lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi dưới 2 tuổi toàn quốc dưới 20% vẫn là vấn đề nan giải.

Bộ NN-PTNT, cơ quan Thường trực của Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đã triển khai 19 mô hình “Không còn nạn đói” ở các địa bàn khó khăn. Ngoài 19 mô hình mà Bộ NN-PTNT triển khai thì rất nhiều các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu cũng tham gia triển khai thực hiện. Hiện nay, cả nước có khoảng 28 tỉnh sẽ triển khai chương trình, đây là những tỉnh có tỷ lệ nghèo rất cao. Giai đoạn 1 được triển khai được xác định là giai đoạn thí điểm và chuẩn bị. Là giai đoạn xây dựng các mô hình để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp.

'Không còn nạn đói' là chương trình nhân văn nhằm cải thiện thể trạng, tầm vóc của con người Việt Nam. Ảnh: Đào Thanh.

"Không còn nạn đói" là chương trình nhân văn nhằm cải thiện thể trạng, tầm vóc của con người Việt Nam. Ảnh: Đào Thanh.

19 mô hình này sẽ giúp hoàn thiện cơ chế chính sách và hoàn thiện các tài liệu để ban hành và hiện nay các tài liệu đã xong và phát hành. Từ 19 mô hình “Không còn nạn đói” triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, Ban chỉ đạo sẽ hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách thực hiện chương trình ở diện rộng trong giai đoạn 2021-2025, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và hướng dẫn nông dân sử dụng, chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp dinh dưỡng cho người dân.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN-PTNT cho biết, chương trình “Không còn nạn đói” rất nhân văn, đáp ứng kịp thời xu thế phát triển của xã hội, đặc biệt là nguồn lực con người. Chúng ta là một nước rất thành công trong việc giảm nghèo, tuy nhiên quan tâm đến vấn đề thể trạng, phát triển thể trạng của những thế hệ từ lúc còn nhỏ cho đến trưởng thành với những mục tiêu rất quan trọng. Do vậy chương trình Không còn nạn đói là phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và bắt kịp xu thế thế giới.

Cần giải bài toán dinh dưỡng

Các tổ chức quốc tế vẫn quan ngại về chỉ số phát triển thể trạng, chiều cao theo tuổi của người Việt Nam không tương xứng với tốc độ cải thiện về đời sống xã hội. Hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn trên 22%, tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 27% và Tây nguyên là 29%. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của thể lực, tầm vóc, trí tuệ của trẻ em và năng suất lao động của người lớn.

Chương trình “Không còn nạn đói” đã có những dấu ấn đáng kể, song khó khăn lớn nhất vẫn là mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi dưới 2 tuổi toàn quốc dưới 20%. Đây cũng là việc đặt ra cho các ngành, các địa phương chung tay cùng người dân giải quyết.

Khó khăn lớn trong việc thực hiện chương trình đó là mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi dưới 2 tuổi toàn quốc dưới 20%. Ảnh: Đào Thanh.

Khó khăn lớn trong việc thực hiện chương trình đó là mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi dưới 2 tuổi toàn quốc dưới 20%. Ảnh: Đào Thanh.

Mấu chốt quan trọng nhất của việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng thì đối tượng chính được hướng đến lớn là trẻ em, các bà mẹ, những thanh thiên nữ giới trong độ tuổi lập gia đình và sẵn sàng thiên chức làm mẹ. Cùng với những đối tượng tham gia sản xuất, thực hành chuỗi lương thực thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng.

Theo báo cáo tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2019, chỉ 30% trẻ em ở vùng nông thôn miền núi và 23% trẻ em ở Tây nguyên có chế độ ăn đúng và đủ. Đây là con số đáng quan ngại, đồng thời báo hiệu thể trạng thấp còi của thế hệ thanh niên tại các vùng này trong khoảng 10 đến 15 năm nữa.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, qua con số trên cho thấy, các cháu ở độ tuổi vàng thì chưa được bổ sung đúng cách. Hiện nay con số trung bình của cả nước, tỷ lệ trẻ em được nuôi đúng cách, đúng chế độ dinh dưỡng chiếm từ 60 đến 70%. Việc nuôi dưỡng không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi.

Ở Miền núi phía Bắc, Bắc miền Trung và Tây nguyên nhiều tỉnh tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn chiếm tỷ lệ trên 30%. Ảnh: Đào Thanh.

Ở Miền núi phía Bắc, Bắc miền Trung và Tây nguyên nhiều tỉnh tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn chiếm tỷ lệ trên 30%. Ảnh: Đào Thanh.

Ơ Miền núi phía Bắc, Bắc miền Trung và Tây nguyên nhiều tỉnh tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn chiếm tỷ lệ trên 30%. Ở những vùng này, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin D ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng như phụ nữ tuổi sinh đẻ hay phụ nữ mang thai vẫn còn cao.

Việc triển khai hiệu quả chương trình “Không còn nạn đói” trong thời gian qua và giai đoạn 2021-2025 sẽ mở ra hi vọng giải quyết căn bản những vấn đề mang tầm chiến lược trong mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi dưới 2 tuổi toàn quốc dưới 20%, đặc biệt tại 56 huyện khó khăn của cả nước.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng của trẻ nhỏ, đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi dưới 2 tuổi toàn quốc dưới 20% thì phụ nữ mang thai ngoài bổ sung dinh dưỡng nhiều hơn bình thường cần bổ sung đa vi chất để phòng chống thiếu máu, sắt, axit folic thường xảy ra trong thời kỳ mang thai; bổ sung sữa và các chế phẩm của sữa, bổ sung canxi để phòng chống thiếu canxi khi mang thai.

Phụ nữ cho con bú cần có chế độ ăn tốt thì mới đảm bảo chất lượng và thành phần các vi chất trong sữa mới được tốt. Trẻ mới sinh ra, bà mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho ăn bổ sung đa dạng cân đối thực phẩm, phải ăn đảm bảo ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm: ngũ cốc, chất đạm, trứng sữa, đậu phụ, đậu đỗ, rau xanh và các loại rau củ khác, nhóm chất béo dầu ăn, mỡ… Nhiều bà mẹ thường quên, hoặc cho rất ít nhóm chất béo khiến trẻ khó tăng cân, thiếu vitamin A...

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.