| Hotline: 0983.970.780

Chương trình ‘Không còn nạn đói’ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Thứ Tư 06/10/2021 , 10:16 (GMT+7)

Chương trình ‘Không còn nạn đói’ triển khai đã giúp cho nhiều hộ dân đồng bào Cơ tu ở Quảng Nam có thêm kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Theo Quyết định 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình hành động Quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam, tỉnh Quảng Nam có 1 địa phương được lựa chọn để thực hiện mô hình là xã Sông Kôn (huyện Đông Giang).

Người dân xã Sông Kôn được hỗ trợ vịt giống hướng trứng và hướng thịt từ Chương trình 'Không còn nạn đói'. Ảnh: L.K.

Người dân xã Sông Kôn được hỗ trợ vịt giống hướng trứng và hướng thịt từ Chương trình “Không còn nạn đói”. Ảnh: L.K.

Sông Kôn là xã vùng trung của huyện miền núi với địa hình phức tạp, toàn xã có 4 thôn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đến 95%. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ cho gia đình. Có đến 85% hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù vậy, địa phương này lại có rất ít đất đai để trồng trọt. Cây keo vẫn là loại cây chủ lực nên nguồn thu nhập tương đối thấp, khoảng 8 triệu đồng/người/năm. Do đó, tình trạng thiếu ăn và ăn uống thiếu chất vẫn xảy ra ở xã. Đánh giá về mức độ mất an ninh lương thực ở mức độ vừa.

Đặc biệt, tại thôn K8 và Bhờ Hôồng là 2 thôn còn nhiều khó khăn của xã Sông Kôn. Người dân tại đây chủ yếu vẫn sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ; chưa có sự đầu tư vốn để mở rộng mô hình sản xuất, xây dựng chuồng trại. Bên cạnh đó, cũng chưa có 1 mô hình liên kết sản xuất nào để có thể phát triển sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Chính vì vậy, chương trình "Không còn nạn đói" được triển khai tại 2 thôn K8 và Bhờ Hôồng sẽ góp phần giải quyết những hạn chế còn tồn tại. Từ chương trình này, người dân sẽ nâng cao được nhận thức nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chương trình được thực hiện từ tháng 6/2020 và kết thúc vào tháng 12/2020 do Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) là đơn vị quản lý; Đơn vị thực hiện là trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng với tổng kinh phí thực hiện 490 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng còn lại là kinh phí đối ứng của người dân.

Trong quá trình tham gia dự án, các hộ dân được đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn làm chuồng trại để chăn nuôi thay vì thả rông như trước đây. Ảnh: L.K.

Trong quá trình tham gia dự án, các hộ dân được đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn làm chuồng trại để chăn nuôi thay vì thả rông như trước đây. Ảnh: L.K.

Theo đó, có 30 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số gồm 11 hộ nghèo và 19 hộ mới thoát nghèo tham gia mô hình dự án, ưu tiên các hộ có trẻ em dưới 2 tuổi, hộ có phụ nữ mang thai. Từ nguồn vốn hỗ trợ, những hộ nghèo sẽ được cấp 45 con giống vịt xiêm nuôi hướng thịt; 45 con giống vịt Khaki Campel nuôi hướng trứng; 250kg thức ăn hỗ hợp cho vịt và các loại thuốc thú y.

Đối với hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ 35 con giống vịt xiêm nuôi hướng thịt; 35 con giống vịt Khaki Campel nuôi hướng trứng; 175kg thức ăn hỗ hợp cho vịt và các loại thuốc thú y.

Bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, ngoài việc hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi cho người dân thì điều quan trọng là các hộ tham gia còn được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và phòng ngừa dịch bệnh. Đây là điều mà trước đây đồng bào ở địa phương chưa hiểu được vai trò của những cách làm này trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.

Gia đình chị Alăng Nghinh (trú thôn K8, xã Sông Kôn) nằm trong diện hộ nghèo của xã. Tham gia dự án, chị Nghinh được hỗ trợ 90 con vịt giống hướng trứng và hướng thịt. Sau 6 tháng, đàn vịt của chị được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng tốt. Thời gian qua, cả gia đình chị Ngơi không những có được 1 nguồn thực phẩm đáng kể từ đàn vịt này mà cũng giúp chị có được nguồn thu nhập tương đối.

Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật, đàn vịt của người dân sinh trưởng tốt, không chỉ cung cấp thịt, trứng mà còn có sản phẩm để bán. Ảnh: L.K.

Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật, đàn vịt của người dân sinh trưởng tốt, không chỉ cung cấp thịt, trứng mà còn có sản phẩm để bán. Ảnh: L.K.

“Với đàn vịt này, thời gian qua gia đình tôi không chỉ có được một nguồn thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày mà còn có thêm thu nhập. Tính ra, nhà tôi đã bán được hơn 20 con vịt xiêm với giá từ 400 – 500 ngàn/con. Quan trọng hơn, nhờ dự án, chúng tôi biết được kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia cầm, không còn chăn nuôi theo kiểu thả rong được con nào hay con đó như trước nên hiệu quả cao hơn rất nhiều”, chị Nghinh chia sẻ.

Lãnh đạo xã Sông Kôn cho rằng, chính nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật từ các lớp tập huấn mà nhận thức về chăn nuôi của bà con trong xã tăng lên rõ rệt. Dịch bệnh trên gia cầm giảm đi đáng kể. Các hộ tham gia cũng đã đàn xóa bỏ được tập quán chăn nuôi thả rông trước đây. Đàn vịt được hỗ trợ của bà con đa số phát triển tốt và cho hiệu quả từ việc lấy thịt, trứng sử dụng trong bữa ăn cũng như bán ra kiếm thêm thu nhập.

“Bên cạnh những hiệu quả thì chương trình triển khai ở địa phương còn gặp một số vấn đề khó khăn như thời gian thực hiện vào cuối năm, điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi. Dịch bệnh Covid-19 là trở ngại trong việc đi lại với bà con để hướng dẫn kỹ thuật; đường sá giao thông cũng chưa đảm bảo, đặc biệt là khi trời mưa, gió. Vậy nên, chúng tôi cũng đề xuất dự án nên được phê duyệt và triển khai vào đầu năm nhằm tránh những rủi ro”, bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.