| Hotline: 0983.970.780

Sức bật từ dự án Không còn nạn đói

Thứ Năm 07/10/2021 , 08:29 (GMT+7)

Nhiều hộ dân nghèo tại xã Đăk Song (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) rất phấn khởi khi được nhà nước hỗ trợ cây giống, vật nuôi để phát triển, ổn định cuộc sống.

Nhờ dự án không còn nạn đói, gia đình anh Đinh Chân đã phát triển đàn dê lên thành 6 con. Ảnh: T.A.

Nhờ dự án không còn nạn đói, gia đình anh Đinh Chân đã phát triển đàn dê lên thành 6 con. Ảnh: T.A.

Vào tháng 8/2020, tỉnh Gia Lai đã triển khai thí điểm dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói” ở Việt Nam tại làng Krắc, Kliết - H'ôn, xã Đăk Song (huyện Kông Chro). Đối tượng được thụ hưởng từ dự án này gồm những hộ nghèo, ưu tiên người đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Đây là dự án do Bộ NN-PTNT ban hành đề cương hướng dẫn xây dựng nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn của cả nước. Tại Gia Lai, dự án có tổng kinh phí 500 triệu đồng được trích từ nguồn vốn của chương trình 30a theo quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 3/3/2020 của UBND tỉnh Gia Lai.

Tại 2 làng Krắc và Kliết - H'ôn, dự án đã hỗ trợ 80 con dê cái lai Bách Thảo và 4 con dê đực cho 40 hộ nghèo. Trong đó, 4 con dê đực hỗ trợ cho hộ gia đình có năng lực nuôi để phối giống. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ 400 cây dừa xiêm xanh, 400 cây mít Chan Rai cho 36 hộ gia đình nghèo (trừ 4 hộ gia đình nuôi dê đực để làm giống).

Người dân rất phấn khởi khi được hỗ trợ cây giống vật nuôi, từng bước thoát cảnh đói nghèo. Ảnh: T.A.

Người dân rất phấn khởi khi được hỗ trợ cây giống vật nuôi, từng bước thoát cảnh đói nghèo. Ảnh: T.A.

Theo đánh giá của UBND xã Đăk Song, cây mít Chan Rai và dừa xiêm xanh sau khi được bà con đem trồng đến nay đã sinh trưởng và phát triển tốt. Về con giống, các hộ dân đã tích cực chăm sóc, đảm bảo thức ăn, cũng như phòng bệnh cho đàn dê theo sự hướng dẫn của chuyên môn.

Ghi nhận thực tế tại làng Kliết - H’ôn, nhiều hộ gia đình sau khi được hỗ trợ 2 con dê đến nay đã cho sinh sản rất hiệu quả. Còn đối với cây mít Chan Rai và dừa xiêm xanh cũng phát triển tốt, đang được người dân chăm sóc.

Anh Đinh Chân (SN 2002, trú làng Kliết - H’ôn, xã Đăk Song) cho biết, tháng 8/2020, gia đình được nhà nước hỗ trợ 2 con dê nhưng do tuổi cao sức yếu nên bố đã giao lại cho anh chăm sóc. Từ 2 con dê, sau 1 năm được anh Chân chăm sóc đã phát triển và sinh sản lên thành 6 con. Theo anh Chân, nuôi dê tương đối dễ, hàng ngày thả quanh làng tự tìm thức ăn, chiều về anh cho ăn thêm rau, cỏ.

Được biết, ngoài nuôi dê, anh Chân còn vay mượn tiền mua thêm 1 con bò giống. Hiện nay đàn bò của anh cũng đã phát triển lên thành 6 con.

“Nếu như trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn thì nay đã tương đối ổn định. Khi cần tôi lại bán con bò hoặc dê để lấy tiền muốn mua sắm vật dụng thiết yếu  trong gia đình. Cuộc sống không con phải lo cơm ăn, áo mặc như ngày trước nữa”, anh Chân chia sẻ.

Xã Đăk Song có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40% nên được ưu tiên hỗ trợ từ dự án 'không còn nạn đói'. Ảnh: T.A.

Xã Đăk Song có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40% nên được ưu tiên hỗ trợ từ dự án “không còn nạn đói”. Ảnh: T.A.

Ông Nguyễn Văn Điệp (SN 1976, trú làng Kliết - H’ôn, xã Đăk Song) là người được xã giao nhiệm vụ hỗ trợ hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng vật nuôi cho biết, về cơ bản, người dân được cung cấp cây giống vật nuôi đã mang lại hiệu quả khi cuộc sống dần được cải thiện. Giờ đây, người dân đã có cơm ăn, áo mặc, lo cho con cái ăn học đầy đủ, không còn tình trạng đói khổ như ngày xưa.

Theo ông Điệp, nhiều hộ dân trong vùng đã biết cách chăm sóc cây trồng, đặc biệt là vật nuôi tương đối hiệu quả, không còn kiểu chăn thả rông như ngày trước.

Ông Huỳnh Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Đăk Song cho biết, dự án “không còn nạn đói” tương đôi khác biệt khi người dân được cung cấp dê và cây ăn trái về nuôi trồng thay vì cấp bò như những lần trước.

Theo ông Cư, dự án đã phần nào mang lại hiệu quả, từng bước giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn khi một số hộ dân chưa quan tâm đến việc chăm sóc cây trồng vật nuôi, vẫn còn tư tưởng ỷ lại do không phải tiền mình bỏ ra.  

“Để khắc phục những vấn đề này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, tập huấn đến người dân trong công tác chăm sóc cây giống vật nuôi và phân công phụ trách các hộ gia đình được hưởng lợi để dự án thực hiện hiệu quả. Nếu cây giống vật nuôi mà bị bệnh thì người dân phải báo ngay lên UBND xã để cử cán bộ xuống hỗ trợ kịp thời”, ông Cư cho biết.

Đánh giá về hiện quả của dự án, ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kông Chro cho biết, được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện cho huyện Kông Chro để hỗ trợ cho người nghèo (chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số) tại xã Đăk Song được thụ hưởng từ dự án “không còn nạn đói”. Trong quá trình thực hiện, bà con rất phấn khởi. Đến nay, các hộ được cấp dê đã bắt đầu cho sinh sản, phát triển tốt.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm các dự án hỗ trợ khác để giúp người dân trong vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội phát triển, đảm bảo dinh dưỡng, không còn nạn đói”, ông Hưng chia sẻ.

Ông Ênuôl Y Nguyên, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết, dù chỉ bước đầu thí điểm nhưng theo đánh giá, dự án “không còn nạn đói” đạt hiệu quả, hỗ trợ đúng đối tượng người dân nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số vấn đề bất cập cần xử lý để người dân cảm thấy hài lòng khi được nhà nước hỗ trợ.

Để tiếp tục giai đoạn 2021-2025, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt sổ tay hướng dẫn tập huấn cho cán bộ, người dân ở các địa phương triển khai xây dựng dự án nông nghiệp đảm bảo đinh dưỡng thuộc chương trình “không còn nạn đói" ở Việt Nam. Hy vọng đến năm 2022, nguồn vốn của dự án sẽ được phân bổ để hỗ trợ người dân ở những vùng khó khăn, qua đó từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.