| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao nhận thức về dinh dưỡng từ Chương trình 'Không còn nạn đói'

Thứ Sáu 08/10/2021 , 11:44 (GMT+7)

Người dân đã nhận thức được vai trò của việc chế biến bữa ăn đầy đủ chất nhằm hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ thông qua Chương trình 'Không còn nạn đói'.

Các bà mẹ ở xã Sông Kôn được hướng dẫn về dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn đủ chất cho gia đình. Ảnh: L.K.

Các bà mẹ ở xã Sông Kôn được hướng dẫn về dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn đủ chất cho gia đình. Ảnh: L.K.

Tại xã miền núi Sông Kôn (huyện Đông Giang, Quảng Nam) thì vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em và người dân đặc biệt là ở 2 thôn K8 và Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn) chưa được chú trọng nhiều. Hầu như các bữa ăn hàng ngày chủ yếu đảm bảo về lượng nhưng chưa đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng. Địa phương cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt dinh dưỡng nhưng chưa được thường xuyên.

Nguyên nhân là do nguồn kinh phí còn hạn chế, không có dụng cụ chế biến thực phẩm để hướng dẫn, tài liệu truyền thông về dinh dưỡng chưa phong phú. Do đó, kiến thức về dinh dưỡng của người dân còn hạn chế. Thêm nữa, điều kiện kinh tế ở đây còn thấp và thói quen ăn uống theo quán tính, ít để ý đến thành phần dinh dưỡng của các loại thức ăn nhằm có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất.

Tất cả điều này dẫn đến nhiều trẻ em và người lớn bị thiếu chất, dễ mắc bệnh. Theo thống kê, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi ở trẻ của 2 thôn K8 và Bhờ Hôồng lần lượt là 13,76% và 29,78%. Dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày chủ yếu là gạo, rau rừng, thỉnh thoảng vài bữa có thịt, cá nhưng không nhiều.

Người dân tham gia dự án chăn nuôi gia cẩm để bổ sung chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: L.K.

Người dân tham gia dự án chăn nuôi gia cẩm để bổ sung chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: L.K.

Có khoảng 75% số trẻ có chế độ ăn chưa đáp ứng về độ đa dạng thực phẩm. Hàm lượng đạm trong bữa ăn hàng ngày thấp. Cụ thể, thịt, cá, hải sản chỉ chiếm 30%. Do đó, tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất vẫn thường xuyên xảy ra.

Trước thực trạng này, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm đã đề xuất xây dựng mô hình gắn với Chương trình “Không còn nạn đói” tại tỉnh Quảng Nam ở 2 thôn nói trên. Qua đó hỗ trợ người dân nuôi vịt thịt và vịt đẻ trứng nhằm khai thác lợi thế của địa phương như tiềm năng đất đai, lao động nữ nhàn rỗi sau vụ mùa, nhiều phụ phẩm từ nông nghiệp…Từ đó sẽ cải thiện dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày của bà con.  

Để thực hiện tốt được mục tiêu này, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, chăn nuôi hiệu quả để đàn vịt phát triển tốt để lấy trứng, thịt thì dự án còn tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kiến thức dinh dưỡng, chế biến. Đồng thời yêu cầu người dân phải tham gia đối ứng bằng cách trồng các loại rau, quả góp phần cung cấp thêm chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, giải quyết được vấn đề suy dinh dưỡng, thiếu vi chất ở trẻ em của xã.

Đội ngũ kỹ thuật của trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm trực tiếp đến hướng dẫn bà con thực hiện chương trình 'Không còn nạn đói'. Ảnh: L.K.

Đội ngũ kỹ thuật của trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm trực tiếp đến hướng dẫn bà con thực hiện chương trình “Không còn nạn đói”. Ảnh: L.K.

Chị Bling Thủy (trú thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn) cho biết: “Qua thời gian tham gia dự án, chúng tôi được hướng dẫn cụ thể về nhu cầu dinh dưỡng của từng đối tượng trong gia đình để từ đó có kế hoạch sản xuất, mua bán, trao đổi làm sao cho đủ lượng lương thực, thực phẩm cho tháng, năm; sử dụng hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, tránh thừa thãi, giảm hàm lượng dinh dưỡng của lương thực, thực phẩm dẫn đến lãng phí trong quá trình sử dụng”.

Theo đại diện Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, với những gì đã triển khai, dự án sẽ giúp đỡ cho toàn bộ các hộ dân tham gia trồng rau, củ, quả tại vườn và trên rẫy. Trung bình mỗi hộ gia đình có ít nhất 2 loại vật nuôi gia súc và gia cầm để bổ sung nguồn dinh dưỡng, vitamin cho bữa ăn hàng ngày.

“Chỉ tiêu về dinh dưỡng của dự án sẽ tăng nhóm thực phẩm tiêu thụ của bà mẹ trẻ em với 100% hộ gia đình có số nhóm thực phẩm tiêu thụ trung bình ở mức trên 50% về nhóm chất đạm; trên 50% số trẻ có chế độ ăn uống đáp ứng về độ đa dạng thực phẩm.

Bên cạnh đó, giảm tỷ lệ hộ gia đình mất an ninh lương thực, tỷ lệ thiếu lương thực mức độ trung bình giảm xuống 80%. Không còn hộ nào thiếu lương thực mức độ trầm trọng; cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm xuống dưới 2%”, đại diện Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm thông tin.

Bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, ngoài nâng cao nhận thức cho bà con trong vấn đề chế biến bữa ăn, đảm bảo đủ lượng, đủ chất thì dự án cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề tập huấn, hướng dẫn dinh dưỡng cho những bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ.

“Với mục đích này, liên tục trong 3 tháng, xã chúng tôi cùng với đơn vị thực hiện dự án tổ chức các buổi hướng dẫn nấu ăn đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai và có con nhỏ tại nhà cộng đồng mỗi thôn. Nhờ đó, không chỉ các hộ tham gia dự án mà những hộ khác trong thôn cũng nắm được kiến thức để chăm lo cho con nhỏ, mục tiêu giảm dần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ”, bà Ngơi cho biết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.