Đảm bảo cung cầu
Dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp trong nước từ 2020 khiến nhu cầu nông sản trên thị trường trong 2 năm qua có nhiều thay đổi, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố gặp nhiều trở ngại.
Tại Hải Phòng, dù dịch không bùng phát mạnh nhưng việc tiêu thụ nông sản trong đại dịch cũng gặp nhiều khó khăn và ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản giúp nông dân và doanh nghiệp.
Để đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông suốt, có hiệu quả, không để gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng đã mời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham dự các Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản với các tỉnh, thành phố: Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021, hội nghị kết nối tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, Bắc Giang, Hải Dương…
Đồng thời ban hành các văn bản đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thành phố hỗ trợ tiêu thụ sản phảm nông sản của các tỉnh, thành trong nước và xây dựng và phát hành các bản tin về các hội nghị kết nối tiêu thụ hàng nông sản để tuyên truyền rộng rãi.
Còn Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, với lợi thế có hệ thống cán bộ khuyến nông hoạt động từ cấp xã đến cấp huyện, quận có sản xuất nông nghiệp, đã tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp kịp thời để tiêu thụ nông sản giúp người nông dân, đã tạo nên làn sóng lan tỏa và có sức ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng.
Qua đó, đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy, các hoạt động thiết thực đã làm cầu nối tiêu thụ hàng trăm tấn rau củ quả các loại như: khoai tây, hành tỏi, dưa chuột, dưa lưới, dưa vàng, dưa lê, dưa bở, dưa hấu, ôi, na, bưởi, cam, rau ăn lá... và các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, tôm, cá, giúp tiêu thụ nông sản cho các tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh...
Thống kê từ 1/1-11/2021, trung bình mỗi ngày, lượng hàng nông sản lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn Hải Phòng khoảng 550 - 700 tấn rau củ quả, trong đó rau trên 400 tấn, hoa quả các loại gần 200 tấn và khoảng 95 tấn thịt gia súc, 500 tấn thủy sản...
Đơn cử như chợ đầu mối nông sản Phương Nghĩa, lượng hàng nông sản nhập về chợ trung bình 180 tấn/ngày, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, thời điểm cao điểm khoảng 200 tấn/ngày.
Ngoài ra, lượng hàng nông sản được vận chuyển về Hải Phòng có nguồn gốc từ các tỉnh thành trên được tiêu thụ trong các hệ thống phân phối lớn như Mega, Go!, Co.opmart, Vinmart, Vinmart+ khoảng 50 tấn/ ngày…
"Cơ bản trong đại dịch Covid-19, Sở NN-PNT và Sở Công thương Hải Phòng rất quan tâm đến các doanh nghiệp như chúng tôi, họ kết nối giúp chúng tôi trong việc tìm kiếm nguồn hàng, tiêu thụ sản phẩm và lắng nghe chúng tôi có khó khăn gì cần tháo gỡ để giúp khắc phục, giúp hàng hóa lưu thông. Ví dụ như xe cộ ra vào Hải Phòng qua các chốt kiểm dịch Covid-19, chúng tôi cũng được tạo điệu kiện rất tốt", ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Công ty TNHH MTV Co.opmart Hải Phòng cho biết.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 171.000 tấn lúa, rau màu có hơn 1.220 tấn, lượng thịt hơi các loại khoảng 8.600 tấn, trứng gia cầm khoảng 30 triệu quả, thủy sản nuôi có 5.500 tấn và 9.200 tấn thủy sản khai thác.
Trên địa bàn có 270 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trong đó có 144 cơ sở sơ chế chế biến nông thủy sản, 102 cơ sở kinh doanh nông thủy sản, trên 24 cơ sở khác.
Kết nối đa dạng nhiều kênh tiêu thụ
Một trong những giải pháp để lại hiệu quả rõ nét tại Hải Phòng là ngành nông nghiệp đã phối hợp với Bưu điện TP. Hải Phòng và Chi nhánh Tổng Công ty Viettel tại Hải Phòng tổ chức thành công 3 hội nghị với 38 cơ sở tham dự để kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử và mang lại thành công ngoài mong đợi.
Ngoài ra, một số đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT cũng được giao phối hợp với các đơn vị khác như phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản để giới thiệu trên các sàn thương mại đạt hiệu quả cao.
Các sản phẩm được liên kết tiêu thụ cơ bản là những nông sản hoặc sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng như: mắm Cát Hải, Quang Hải, Vạn Vân, gạo Trường Phú Quý, mắm tép Yến Trang, các sản phẩm OCOP như: Gạo Ruộng Rươi, mật ong Rừng ngập mặn Tùng Hằng…
Các sản phẩm đưa lên sàn được người tiêu dùng trong nước săn lùng bởi có chất lượng tốt, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, tem nhãn in đầy đủ thông tin sản phẩm, qua đó đã giúp cho việc tiêu thụ nông sản diễn ra thuận lợi suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Hoãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng cho biết, hiện tại nguồn nông sản ở Hải Phòng chỉ tự cung cấp tại chỗ 35% lượng rau củ quả (khoảng 200 tấn), còn lại là nông sản phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác về để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Do đó, nếu không làm tốt việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cũng như có biện pháp để lưu thông hàng hóa trong dịch bệnh thì sẽ ảnh hưởng để việc cung - cầu.
“Thời gian qua, Chi cục cũng như ngành nông nghiệp Hải Phòng đã tích cực kết nối và tìm mọi cách để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của Hải Phòng và có hiệu quả rất tốt. Sau các hội nghị, các hoạt động kết nối, liên kết cũng cho hiệu quả rõ rệt, giúp người dân và doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, hạn chế ứ đọng do dịch Covid-19”, ông Hoãn cho hay.
100 sản phẩm nông sản Hải Phòng lên sàn thương mại điện tử
Từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã tổ chức 3 hội nghị để kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản của Hải Phòng trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, có 2 Hội nghị kết nối doanh nghiệp để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn” của Bưu điện thành phố với 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham dự.
Một Hội nghị kết nối doanh nghiệp để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử của Bưu điện thành phố và Chi nhánh tổng Công ty Viettel tại Hải Phòng (Postmart.vn và Voso.vn) với 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham dự.
Sau một thời gian ngắn triển khai, hiệu quả việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã được khảo sát và cho kết quả bất ngờ khi toàn TP. Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ các chủ thể liên kết với Công ty TNHH F24, Bưu điện Hải Phòng và Viettel post đưa trên 100 sản phẩm nông sản địa phương và 15 sản phẩm OCOP của 7 nhà cung cấp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, VoSo.vn,...
Đ. Mười