| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/11/2022 , 17:24 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:24 - 08/11/2022

Không để 'rừng luật' phát sinh 'luật rừng'

Để “rừng luật” không phát sinh “luật rừng” thì xã hội phải được vận hành bằng sự công khai và minh bạch của pháp luật.

Tham dự buổi lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật. Muốn đưa pháp luật vào cuộc sống thì ngay từ khi xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp với cuộc sống. Phải đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật”. 

Pháp luật là nền tảng cho mọi sự ổn định và phát triển của cộng đồng. Có một thời khắc lịch sử mà người Việt Nam bây giờ đều ghi nhớ là Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được ban hành ngày 9/11/1946. Từ đó đến thời điểm hiện tại, pháp luật không ngừng được hoàn thiện cả mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chúng ta đã có Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam. Thế nhưng, mục tiêu mọi người đều thượng tôn pháp luật, vẫn còn nhiều thách thức.

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu “đã đưa đến trước cửa công, ngoài thì là lý nhưng trong là tình” để nói đến biểu hiện thiếu nghiêm minh pháp luật. Xưa nay, chính hay bất chính, căn cứ vào đạo đức. Còn có lý hay vô lý, căn cứ vào luật pháp. Ở thời hội nhập, nếu mọi thứ vẫn được giải quyết bằng quan hệ quen biết hoặc luồn lách chạy chọt, thì khoảng cách giữa chúng ta với thế giới văn minh càng ngày càng xa. Giá trị pháp luật không chỉ có ý nghĩa với công dân Việt Nam mà còn phải tương thích với những cam kết quốc tế.

Dưới Hiến pháp, chúng ta không chỉ có luật mà còn có các loại văn bản có tính ràng buộc khác như nghị định và thông tư. Đôi khi có sự chồng chéo và vô hiệu hóa lẫn nhau. Lẽ ra, những quy phạm phải được hiểu theo một nghĩa duy nhất thì lại tùy thuộc vào sự ứng dụng linh hoạt của những người có thẩm quyền. Chính những người hành nghề pháp luật cũng băn khoăn không biết luật chuyên ngành có mâu thuẫn với luật cơ bản hay không. Vì vậy, cơ chế xin-cho vẫn tồn tại đầy ái ngại và âu lo.

Để “rừng luật” không phát sinh “luật rừng” thì xã hội phải được vận hành bằng sự công khai và minh bạch của pháp luật. Để triệt tiêu hủ tục “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, người Việt Nam không chỉ mong muốn “hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật” mà còn đòi hỏi “xây dựng thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”.

Phổ cập kiến thức pháp luật đến từng người dân chỉ là bước đầu tiên của con đường thượng tôn pháp luật. Quan trọng hơn, những người đang có quyền và đang có tiền cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản của công bằng và văn minh, không dung túng đặc lợi và cũng không chấp nhận ngoại lệ.

Bởi lẽ, người Việt Nam vẫn có tập quán “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nên tinh thần thượng tôn pháp luật rất cần sự noi gương. Khi cấp trên làm đúng pháp luật thì cấp dưới cũng sẽ làm đúng pháp luật, thầy gìn giữ pháp luật thì trò cũng sẽ gìn giữ pháp luật, cha sống đúng pháp luật thì con cũng sẽ sống đúng pháp luật.