Trước thực trạng thương nhân Trung Quốc từng bước thâu tóm thị trường cũng như bất cập xung quanh việc SX, tiêu thụ thanh long ở huyện Châu Thành (Long An), NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Tấn (ảnh), Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.
Thưa ông, thời gian qua trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở thu mua thanh long của thương lái TQ nhưng núp bóng danh nghĩa người Việt đứng tên quản lý. Vậy ngành chức năng địa phương quản lý ra sao?
Chúng tôi đã biết việc người TQ đang lưu trú tại đây, nhưng qua kiểm tra về mặt thủ tục hành chính theo quy định thì họ đăng ký đầy đủ. Những người TQ sang đây chủ yếu theo con đường du lịch.
Tuy nhiên không rõ họ có thu mua thanh long hay không. Ngành chức năng đang rà soát lại toàn bộ xem cụ thể những người TQ sang đây với mục đích gì.
Những năm trước người trồng thanh long ở địa phương còn tương đối dễ thở, nhưng năm nay chúng tôi rất lo vì tình hình SXKD rất khó khăn.
Hình như đang có một sự liên kết ngầm từ các DN TQ với thương lái tại địa phương nên nông dân phải chịu sự ép giá ghê gớm. Thời điểm này chỉ bán được giá 4.000 - 5.000 đ/kg, cộng thêm chi phí xông đèn nữa thì xem như người trồng thanh long bị lỗ.
Việc nở rộ các cơ sở thu mua thanh long của thương nhân TQ có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Hiện trên địa bàn có 66 cơ sở đang hoạt động, nhiều cơ sở khác đang xây dựng mới. Lúc đầu thấy thuận lợi ở chỗ các cơ sở thu mua có sự cạnh tranh lẫn nhau. Nhưng hiện đáng lo ngại là họ đã liên kết ngầm với nhau để "làm giá", gây khó khăn cho nông dân.
Thực tế, đa số thương lái ở Bình Thuận và TQ đến đây thuê đất xây dựng cơ sở hoặc mở Cty thu mua, còn người địa phương chỉ trồng và bán chứ không trực tiếp làm.
Có điều là tất cả giao dịch mua bán lại do chính thương lái trong nước phụ trách. Thương lái TQ thì đứng sau chi tiền. Tuy nhiên đến nay chưa thấy có việc thương lái TQ “xù” tiền của bà con, nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra.
Ngoài việc thu mua trái thanh long xuất khẩu, có một số cơ sở TQ đang tiến hành thu mua cả hoa thanh long, ông có lo ngại không?
Cũng chưa biết họ mua hoa thanh long với mục đích gì nhưng rõ ràng đây là thứ phụ phẩm, phế phẩm mà bà con tận dụng bán được thì cũng tốt thay vì phải vứt bỏ, nếu không xử lý đúng kỹ thuật sẽ gây ô nhiễm. Thương lái mua giá 2.500 đồng/kg hoa tươi, nếu có khoảng 4 công thanh long bán cũng được tiền triệu.
Trước đây, một vài tỉnh ở ĐBSCL cũng đã xuất hiện thương lái TQ đến thu mua nông sản kiểu lạ đời này. Tuy nhiên, cũng cần phải theo dõi thêm xem mục đích họ thu mua để làm gì mới khuyến cáo nông dân và có biện pháp xử lý.
Sau nhiều năm SX, hình thành vùng chuyên canh thanh long nhưng trái thanh long Châu Thành lại phải chịu “núp bóng” thương hiệu thanh long Bình Thuận hoặc gắn nhãn mác, bao bì TQ để xuất khẩu. Địa phương có giải pháp gì để tháo gỡ?
Vấn đề xây dựng thương hiệu thanh long của địa phương cũng đáng buồn vì những thương lái Bình Thuận vào đây thu mua đóng gói thanh long xuất khẩu bằng bao bì của họ, thậm chí dùng cả bao bì TQ.
Tuy nhiên, do người dân chỉ bán sản phẩm thô cho thương lái mà chưa có điều kiện đầu tư hệ thống xử lý bài bản. Hơn nữa, trong thỏa thuận mua bán chỉ là giao hàng cho người ta đóng gói xuất khẩu nên thương lái có quyền đóng hàng hóa theo đơn hàng riêng...
Hiện tại địa phương cũng đã xây dựng được một số nhãn hiệu tập thể và được cấp giấy chứng nhận như thanh long Dương Xuân, Tầm Vu, Vạn Thành, Long Hội… Còn nhãn hiệu chung cho thanh long Châu Thành Long An thì Sở KH-CN đang tiến hành làm và cần phải có thời gian. Do vậy, trong tương lai địa phương sẽ phải chấn chỉnh lại việc này.
Diện tích thanh long tại Châu Thành vẫn đang tiếp tục mở rộng, ông có lo ngại sẽ phá vỡ quy hoạch SX?
Hiện chưa vượt quy hoạch, vì đến năm 2020 diện tích thanh long toàn tỉnh sẽ là 10.000 ha thanh long, trong đó Châu Thành 8.000 ha. Khi muốn chuyển đổi mở rộng diện tích trồng thanh long thì người nông dân cần phải tính toán kỹ. Hiện toàn huyện có 6.343 ha thanh long, trong đó khoảng 34 ha đã được cấp chứng nhận GlobalGAP và nhiều diện tích đang SX theo quy trình VietGAP.
Sản phẩm thanh long của địa phương chiếm khoảng 80% xuất sang TQ bằng đường tiểu ngạch, còn lại là tiêu thụ trong nước và các thị trường khó tính khác như châu Âu, Mỹ.
Thực tế lâu nay địa phương vẫn khuyến khích bà con phải tiếp cận và thực hiện quy trình VietGAP, nhưng họ cứ thấy được giá là thu hoạch bán chứ chưa nghĩ đến tính ổn định và bền vững.
Về trước mắt cũng như lâu dài, địa phương cần có biện pháp gì nhằm ngăn chặn thương lái TQ thao túng thị trường thanh long?
Trước mắt các ngành chức năng huyện và tỉnh sẽ phối hợp siết chặt lại tất cả các cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn, nhất là những cơ sở đang xây dựng mới. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký giấy phép kinh doanh của từng cơ sở để có biện pháp xử lý khi phát hiện việc “bắt tay” với thương lái TQ thao túng thị trường, ép giá nông dân…
Xin cảm ơn ông!