| Hotline: 0983.970.780

Không để tín dụng đen núp bóng công ty tài chính

Thứ Ba 18/10/2022 , 19:40 (GMT+7)

Trước nhu cầu vay vốn tiêu dùng tăng cao, nhất là sau dịch Covid-19, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo.

Diễn biến phức tạp

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tình hình có nhiều chuyển biến.

Tính đến tháng 4/2022, cả nước có 25.354 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, với 37.103 cá nhân, giảm 2.645 cơ sở và 4.864 người so với hồi 2019. Cũng trong giai đoạn này, cơ quan điều tra đã rà soát, phát hiện 7.903 cơ sở cầm đồ, 691 cơ sở kinh doanh tài chính và 3.941 cá nhân cho vay lãi suất cao; 37 cơ sở, 46 cá nhân huy động lãi suất cao; 762 cá nhân tham gia hụi, họ; 13 cơ sở, 140 băng nhóm, 730 đối tượng dịch vụ đòi nợ; 1.874 cá nhân có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen.

Hàng trăm, hàng nghìn cơ sở dịch vụ, đối tượng đã bị nhà chức trách khởi tố, xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, hoạt động tội phạm liên quan đến tín dụng đen còn diễn biến phức tạp, theo ý kiến của đại diện Cục Cảnh sát hình sự tại Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế". 

Nguyên nhân bởi tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không lãi, nợ lương, mất việc, giảm thu nhập tăng cao do tác động của dịch Covid-19. Điều này khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh của người dân ngày một tăng.

Hội thảo 'Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế' diễn ra sáng 18/10.

Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế" diễn ra sáng 18/10.

So với trước đây, hoạt động của tội phạm tín dụng đen trở nên tinh vi dưới bóng các doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội. Đa số mời chào người có nhu cầu với thủ đoạn quảng cáo không cần thees chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng... nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật.

Một số hợp đồng có số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn, nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức cho phép. Thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng, hoặc ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay.

Thời gian gần đây, một số ứng dụng cho vay không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản cũng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc ẩn thông tin. Khi khách hàng để lại thông tin, đối tượng sẽ liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng cho vay. Những ứng dụng này có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho mục đích trái pháp luật.

Cục Cảnh sát hình sự nhận định, do tập khách hàng của những ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp cần vay vài triệu đồng trong thời gian ngắn nhưng không muốn thực hiện các thủ tục tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, nên thường bỏ qua các quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt. Điều này dẫn đến lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần so với quy định.

Hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến tinh vi, khó lường.

Hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến tinh vi, khó lường.

Siết chặt quản lý

Tại Hội thảo sáng 18/10, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,32 triệu tỷ đồng, chiếm 22,22% dư nợ toàn nền kinh tế, và tăng 11,56% so với cuối năm 2021.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 140.257,6 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19%.

"Những số liệu trên cho thấy, tài chính tiêu dùng góp phần giúp người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế tiếp cận được dòng vốn của các công ty tải chính, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội", ông Tú nói.

Dù có nhiều kế hoạch hành động mạnh mẽ từ cơ quan quản lý, hoạt động của 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vẫn bị hiểu nhầm với các công ty tài chính mạo danh hoặc tín dụng đen. 

Để tín dụng đen không còn len lỏi được chân rết vào đời sống xã hội, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Bất kỳ tổ chức nào không được cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, hoặc trong giấy tờ giao dịch, hoặc quảng cáo khiến khách hàng có thể nhầm lẫn đều vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ý kiến đóng góp trong hội thảo ngày 18/10 sẽ được tổng hợp làm cơ sở đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành để đưa ra giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng chính thức, hướng tới đẩy lùi tín dụng đen.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.