| Hotline: 0983.970.780

Không liên kết làm cánh đồng lớn thì nông dân chỉ có thiệt

Thứ Sáu 02/06/2023 , 11:22 (GMT+7)

Tôi thắc mắc hỏi, tại sao chị nhất quyết khởi nghiệp bằng nghề nông? Chị Hoa đáp, thấy ông xã tất bật suốt ngày ngoài đồng ruộng mà vụ nào ăn hết vụ đó.  

Ném máy cấy xuống ao, ngăn vợ làm ruộng

Năm đó, anh Lâm (chồng) tuyên bố sẽ từ mặt vợ nếu chị Hoa cứ khăng khăng làm nông nghiệp. Có lần, vì không khuyên can được vợ, anh Lâm thuê người ném hai chiếc máy cấy trị giá cả trăm triệu đồng xuống ao để ngăn việc chị thực hiện ý định thành lập hợp tác xã, liên kết sản xuất lúa gạo tại địa phương...

Tiếc số tiền đã đầu tư ban đầu, giữa trưa nắng chị Hoa phải nhờ cậy hàng xóm láng giềng lặn lội xuống ao kéo máy lên để chùi rửa và sấy khô. Cũng vì bất đồng quan điểm, hai vợ chồng khục khặc một thời gian, có thời điểm tưởng chừng như không thể cứu vãn mối quan hệ.

Sản phẩm gạo Hoa Minh của HTX Xuân Minh đạt tiêu chuẩn VietGap năm 2022. Ảnh: Quốc Toản.

Sản phẩm gạo Hoa Minh của HTX Xuân Minh đạt tiêu chuẩn VietGap năm 2022. Ảnh: Quốc Toản.

Chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ nhỏ nhắn ấy được bắt đầu như thế! 

Tôi thắc mắc hỏi, tại sao chị nhất quyết khởi nghiệp bằng nghề nông? Chị đáp, thấy ông xã tất bật suốt ngày ngoài đồng ruộng mà vụ nào ăn hết vụ đó, chưa kể đến việc nuôi con cái học hành. Trong khi người dân trong xã quanh năm đầu tắt mặt tối trên những xứ đồng màu mỡ mà cuộc sống không khá lên được. Có năm lúa được mùa thì bị thương lái ép giá. Bởi vậy nếu không liên kết với nhau để làm cánh đồng mẫu lớn thì nông dân chỉ có thiệt.

Năm 2013, Hôi Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát động chương trình phát huy vài trò của phụ nữ trong sản xuất kinh tế tại địa phương, chị Hoa xung phong nhận lời. Trước đó, chị Hoa từng là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Người phụ nữ khi ấy mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh (viết tắt HTX Xuân Minh) với quyết tâm làm giàu từ đồng đất quê hương. 

Ban đầu, chị đi vận động bà con vào hợp tác xã liên kết sản xuất nhưng chả mấy ai đồng ý vì họ không tin người phụ nữ nhỏ nhắn ấy có thể thành công.

Chị Đỗ Thị Hoa chụp ảnh kỷ niệm cùng Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed tại cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Minh. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Đỗ Thị Hoa chụp ảnh kỷ niệm cùng Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed tại cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Minh. Ảnh: Quốc Toản.

Vận động mãi mới được 16 thành viên (chủ yếu là phụ nữ) tham gia mô hình liên kết sản xuất. Các thành viên trong hợp tác xã đã tự nguyện tham gia, liên kết những thửa ruộng nhỏ lẻ lại với nhau, cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất lúa theo hướng cơ giới hóa.

Quả đúng như vậy, làm nông nghiệp nếu không có đầu ra ổn định và phụ thuộc vào tự nhiên, thì có làm cánh đồng mẫu lớn cũng không thể trụ vững. Có năm, hàng trăm ha lúa đến vụ thu hoạch thì gặp trời mưa gây thiệt hại lớn, trong khi đầu ra tiêu thụ gặp khó. Để giải quyết tình huống cấp bách này, chị Hoa cùng bà con hợp tác chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm thị trường.

"Khi máy gặt đã chuẩn bị xong xuôi thì trời đổ mưa 3 ngày liên tục, khiến lúa ngập sâu trong nước. Cây đứng, cây đổ, ngã xuống nằm rạt dưới nước, lúa mọc mầm hết thảy. Lúc đó nếu nhập lúa thì khó tiêu thụ, không nhập thì bà con tự ái và sẽ không gắn bó với mình nữa. Tuy nhiên, khi tìm được đầu ra cho nông sản thì thương lái xin khất nợ vì họ cũng gặp khó khăn. Cũng may vụ đó người dân thấu hiểu tình cảnh khó khăn của hợp tác xã nên cho chúng tôi khất nợ tới vụ sau để giảm áp lực tài chính” chị Hoa kể. 

Cùng thời điểm này, Tập đoàn ThaiBinh Seed cử cán bộ tới huyện Thọ Xuân để liên kết mở rộng vùng sản xuất lúa giống cho công ty. Đây vừa là cơ hội vừa là áp lực đối với người phụ nữ mới bắt đầu chập chững khởi nghiệp từ nghề nông.

“Anh Lê Huy Hoàng khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo sản xuất gọi tôi sang động viên, đây là cơ hội để giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Việc này, anh giao cho em phối hợp với Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai sản xuất lúa giống trên diện tích 50ha. Em cứ làm, khó khăn thì huyện sẽ hỗ trợ. Anh tin em sẽ làm được. Lúc đó tôi nghĩ, đây là cơ hội để bà con nông dân yên tâm sản xuất nên quyết định nhận lời làm lúa giống cho công ty”, chị Hoa nhớ lại.

Vụ đầu tiên triển khai mô hình liên kết hợp tác sản xuất giữa HTX Xuân Minh với Tập đoàn ThaiBinh Seed trên diện tích 50ha tại xã Xuân Minh đem lại thắng lợi lớn. Lúa giống được khử lẫn triệt để và được Tập đoàn ThaiBinh seed thu mua 9 triệu đồng/tấn, trong khi thời điểm đó, giá thương lái thu mua chỉ khoảng 6 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, vụ chiêm xuân 2018, toàn hợp tác xã thu hoạch được 1.000 tấn lúa. Người dân phấn khởi vì được mùa được giá giúp cho mối liên kết trong sản xuất ngày càng bền chặt hơn.

Sau nhiều năm gắn bó với ThaiBinh Seed chị Hoa rút ra kinh nghiệm: Nếu không liên kết trong sản xuất thì chuyện được mùa rớt giá là bình thường. Trong khi nếu liên kết sản xuất với hợp tác xã thì bà con được cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp với giá của đại lý cấp 1, trong khi đầu ra của sản phẩm thì được bao tiêu toàn bộ.

Người nông dân chỉ mất công sức khử lẫn trên cánh đồng để đảm bảo chất lượng giống và lúa gạo. Nhận thấy đây là hướng đi đúng, đem lại lợi nhuận cao, nên bà con có đơn xin tham gia hợp tác xã ngày càng đông".

Không để nông dân thiệt thòi trên mảnh ruộng của họ

Hiện nay, HTX Xuân Minh có 700 thành viên tham gia liên kết sản xuất trên diện tích 230ha. Hợp tác xã đã đầu tư 6 máy cấy, 4 máy gặt, 4 máy làm đất để hỗ trợ bà con thu hoạch và gieo cấy. Doanh thu của Hợp tác xã hằng năm đạt từ 15-18 tỷ đồng, lợi nhuận hằng năm đạt khoảng 10% trên tổng doanh thu. Toàn bộ quy trình từ khi gieo cấy đến thu hoạch đều được thực hiện bằng phương pháp cơ giới hóa đồng bộ. 

Việc liên kết sản xuất với HTX Xuân Minh giúp cho bà con trong và ngoài xã tiêu thụ với sản lượng cả lúa gạo lên tới hàng nghìn tấn/năm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ. Hiện nay, HTX Xuân Minh là đầu mối cung cấp lúa giống cho Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ngoài ra, mỗi năm sản phẩm gạo Hoa Minh của HTX Xuân Minh (đạt chứng nhận VietGap năm 2022) đã có mặt nhiều đại lý lúa gạo lớn trong và ngoài tỉnh.

Hợp tác xã do chị Đỗ Thị Hoa làm giám đốc hằng năm tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 40 lao động có thu nhập bền vững từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Sau 10 năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chị Hoa nhận ra rằng: “Để nông dân gắn bó với Hợp tác xã, người đứng đầu phải gắn bó, song hành với họ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Đặc biệt, người nông dân quá vất vả khi làm nông nghiệp nên không thể để họ chịu thiệt thòi trên chính mảnh ruộng của mình.

Đại diện Sở NN-PTNT, lãnh đạo huyện Thọ Xuân cùng lãnh đạo Tập đoàn ThaiBinh Seed thăm cánh đồng mẫu lớn tại xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Ảnh: Quốc Toản.

Đại diện Sở NN-PTNT, lãnh đạo huyện Thọ Xuân cùng lãnh đạo Tập đoàn ThaiBinh Seed thăm cánh đồng mẫu lớn tại xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều năm nay, các xã viên của HTX Xuân Minh không còn phải lo lắng mỗi khi thu hoạch nông sản đúng với thời điểm mưa gió. Hiện nay hợp tác xã đã trang bị hệ thống máy sấy nông sản với công suất lớn và công nghệ hiện đại.

Chị Đỗ Thị Hoa cho biết, trước đây, hầu hết các nông sản sau thu hoạch trên địa bàn huyện đều được sơ chế theo phương thức thủ công, nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Trong điều kiện trời nắng, khô ráo, việc phơi, sơ chế nông sản khá thuận lợi. Tuy nhiên, nếu gặp mưa kéo dài thì việc phơi sẽ bị gián đoạn, nông sản vừa thu hoạch về dễ bị mọc mầm hoặc mốc, hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, việc sơ chế nông sản theo phương thức truyền thống được thực hiện trên nền gạch, xi măng tại các hộ gia đình hoặc đường làng khu dân cư, nên bị bám bụi bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng giống và gạo thành phẩm.

Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, năm 2018, HTX Xuân Minh đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy sấy nông sản, ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp, với công suất 80 tấn/ngày/máy, từ nguồn kinh phí hỗ trợ mua máy sấy nông sản của huyện Thọ Xuân và nguồn vốn huy động được của các xã viên. Sau khi áp dụng công nghệ sấy công nghiệp vào bảo quản, sơ chế các loại nông sản, hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, từ thành công của mô hình này, hiện nay huyện Thọ Xuân tiếp tục thực hiện việc tích tụ đất đai, tạo nên những cánh đồng mẫu lớn. Khuyến khích các các hợp tác xã áp dụng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển đổi hoàn toàn từ sản xuất nông nghiệp thủ công sang mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.