| Hotline: 0983.970.780

Không lơ là phòng chống dịch bệnh

Thứ Năm 06/09/2018 , 09:05 (GMT+7)

Thời tiết ở Bình Định đang ở giữa mùa nắng và mùa mưa, sức đề kháng của gia súc, gia cầm (GSGC) đang trong giai đoạn giảm sút, là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, gây hại.

Ngành chức năng và người chăn nuôi đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.

10-00-19_1
Tiêm phòng cho đàn gia cầm

Bình Định có đàn đại gia súc lớn nhất vùng Nam Trung bộ với 316.000 con trâu, bò; 7,1 triệu con gia cầm và 650 ngàn con heo. Thời điểm này, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm vào dịp cuối năm, nên GSGC có chiều hướng gia tăng.

Việc phát triển đàn GSGC tại thời điểm thời tiết đang chuyển mùa gặp nhiều bất lợi, bởi mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh “cơ hội” nguy hiểm như cúm gia cầm (CGC), lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết, dịch tả… phát sinh.

Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên đang tăng cao, thị trường tiêu thụ thịt GSGC sôi động lên sẽ dẫn đến tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, vi-rút các loại dịch bệnh có nguy cơ xâm nhiễm, lan rộng.

Đáng quan ngại là vẫn còn nhiều người chăn nuôi ở các huyện miền núi, vùng cao vẫn còn tập quán thả rông gia súc; không chuẩn bị, dự trữ thức ăn tại chỗ và cũng chưa quan tâm đúng mức công tác phòng chống dịch bệnh. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, người chăn nuôi không màng đến chuyện báo cáo với ngành chức năng, mà tự chữa trị bằng những biện pháp dân gian, hoặc xẻ thịt gia súc để bán mà không qua kiểm dịch. Cũng có một số trường hợp vứt xác động vật xuống sông, suối gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp Bình Định đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng chống dịch bệnh. Bình Định cũng đã hỗ trợ nhiều loại vắc-xin, thuốc khử độc sát trùng và yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương củng cố lực lượng thú y ở cơ sở; tổ chức phát động đồng loạt ra quân tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh. Đôn đốc 2 doanh nghiệp sớm hoàn thành xây dựng, đưa 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung vào hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định cho biết: Nhằm phòng chống dịch bệnh GSGC có hiệu quả, bên cạnh việc hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chức năng còn đẩy mạnh công tác tiêm phòng. Bình Định đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin dịch cúm đợt 1/2018 với trên 2,3 triệu con gia cầm; 252.657 con trâu bò và 53.797 con heo trong diện tiêm cũng đã được tiêm vắc-xin LMLM; 3.720 lít thuốc Benkocide đã được sử dụng để tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi sau khi tiêm phòng.

10-00-19_2
Phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc

“Công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh cũng được tăng cường. Chúng tôi thường xuyên lấy mẫu huyết thanh của đàn gia cầm tại các địa phương gửi đi xét nghiệm tại cơ quan Thú y vùng IV Đà Nẵng, nhằm phát hiện và chủ động xử lý kịp thời khi dịch bệnh phát sinh”, ông Quốc nói.

Để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả hơn, bên cạnh sự nỗ lực của ngành thú y, chính quyền và người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm, nhất là đối với thời điểm nhạy cảm hiện nay. Chi cục Thú y tỉnh đã có văn bản yêu cầu Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho các Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; vùng thường có trâu, bò bị chết do đói, rét; chú ý đến xã, thôn có hộ nuôi trâu bò thả rông, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa...

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm việc hướng dẫn người chăn nuôi ở miền núi, đưa trâu, bò thả núi về nuôi nhốt tại để tiện chăm sóc, vỗ béo trâu bò già yếu để bán giết thịt. Tư vấn, hướng dẫn người chăn nuôi thu gom các loại phụ phẩm nông nghiệp chế biến làm thức ăn cho gia súc; đăng ký, kê khai đàn GSGC để vừa phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi tốt hơn, vừa có cơ sở pháp lý xác định vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra”, ông Nguyễn Văn Quốc.

 

Xem thêm
Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).