| Hotline: 0983.970.780

Không nên mua lợn giống ngoại tỉnh

Thứ Tư 17/07/2019 , 13:52 (GMT+7)

Đó là khuyến cáo của Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) sau vụ trang trại của anh Hồ Phúc Tiến, thôn Làng Khang, xã Thuần Thiện “rước” dịch tả lợn châu Phi từ đàn lợn giống mua ngoại tỉnh.

Một trang trại lợn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt tại Hà Tĩnh.

Trong bối cảnh cả nước đang “vỡ trận” dịch tả lợn châu Phi (ASF), giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, lựa chọn lợn giống trong vùng an toàn dịch là phương án tối ưu để ngăn dịch bệnh lây lan. Việc anh Tiến tái đàn nhưng đánh quãng đường dài cả nghìn cây số ra tận trại lợn Thái Hồng, xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam) để mua giống là điều bất cập.

Trước hết, khi vận chuyển đường dài, đi qua cả chục tỉnh đang bị ASF, nguy cơ phát tán dịch bệnh là cực kỳ cao. Thứ hai, trong thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi lợn nái trên địa Hà Tĩnh đã phải chạy đôn chạy đáo vay vốn ngân hàng để duy trì, bảo vệ đàn nái nhưng vì chênh lệch giá giống do một số tỉnh vùng dịch phía Bắc bán chạy lợn nên lợn giống của doanh nghiệp, trang trại trong tỉnh ế ẩm.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc khuyến cáo người chăn nuôi tin tưởng lựa chọn lợn giống trên địa bàn.  Như vậy vừa giám sát được dịch bệnh vừa ngăn dịch lây lan diện rộng”, chủ một trang trại nái 500 con ở huyện Đức Thọ nói.

Vị này cũng cho rằng, rất nhiều tỉnh ở phía Bắc “vỡ trận” dịch ASF trong thời gian ngắn, có tình trạng bán chạy lợn bệnh. Vì thế, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo ngành chuyên môn, công an, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, buôn bán gia súc ngoại tỉnh vào địa bàn. Đây chính là giải pháp quan trọng nhất khống chế dịch lây lan diện rộng. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho hay, sáng nay (17/7) các phòng chuyên môn của huyện đang làm việc với Công an huyện để thống nhất phương án xử lý vụ việc tại hộ anh Hồ Phúc Tiến. Điều tra chữ ký, con dấu trên hồ sơ kiểm dịch có đúng hay không, nếu phát hiện sai đến mức xử lý hành chính thì xử phạt hành chính còn đến mức hình sự thì xử lý hình sự.

“Trong các cuộc họp vừa qua tôi đã kết luận, khuyến cáo bà con không nên tái đàn thời điểm này. Trường hợp tái đàn thì nên để nái tự đẻ hoặc mua giống tại các trang trại trong địa bàn, hạn chế mua lợn giống, lợn thương phẩm ngoại tỉnh”, ông Cường nói.

Chốt kiểm soát vận chuyển gia súc tại Hà Tĩnh.

Đối với vấn đề kiểm soát gia súc ngoại tỉnh vào địa bàn, ông Cường cho rằng trách nhiệm thuộc về các cơ quan kiểm dịch cấp tỉnh. Phía huyện chủ yếu tăng cường kiểm soát nguồn gốc gia súc tại lò mổ.

Trước đó, NNVN đưa tin, ngày 22/6 anh Tiến mua 65 con lợn giống, mỗi con trọng lượng khoảng 7,5kg từ trại lợn đã nêu trên. Đến ngày 29/6 anh thấy lợn ủ rủ, bỏ ăn và bắt đầu chết 3 con.

Nhận được thông tin, UBND huyện Can Lộc vào cuộc, lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng III xét nghiệm, kết quả xác định đàn lợn dương tính với vi rút ASF.

Toàn bộ đàn lợn 70 con của hộ anh Tiến đã được tiêu hủy; trong đó, 65 con là lợn giống nhập từ Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam và 5 con lợn nái của gia đình.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Người trồng chuối Tết ở Hải Phòng trắng tay

HẢI PHÒNG Dù đã đến thời điểm buôn bán chuối phục vụ Tết Nguyên Đán nhưng năm nay tại Hải Phòng không khí lại ảm đạm, vắng vẻ do hậu quả thiên tai.

Bình luận mới nhất