| Hotline: 0983.970.780

Không thể dẹp loạn bằng "vũ khí" duy nhất là cấm

Thứ Ba 18/03/2014 , 10:54 (GMT+7)

Như bất kỳ công nghệ nào, việc sử dụng thuốc BVTV cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu người sử dụng không tuân thủ đúng hướng dẫn.

Ước tính 40% sản lượng lương thực và thực phẩm của thế giới sẽ không tồn tại nếu không có các loại thuốc BVTV hiện đại. Kể từ năm 1961, việc cải thiện năng suất cây trồng đã giúp cho khoảng 970 triệu ha đất trên toàn cầu, tương đương với tổng diện tích đất của Hoa Kỳ, không bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp.

Thuốc BVTV là hoàn toàn cần thiết để nâng cao năng suất và đáp ứng nhu cầu sử dụng lương thực gia tăng mà không làm tổn hại đến môi trường.

Là một công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp cho cây trồng trong đó có thuốc BVTV, Syngenta đã hoạt động ở Việt Nam trên 20 năm và hiện là một trong số các công ty dẫn đầu thị trường về các loại sản phẩm thuốc BVTV có chất lượng cao.

Syngenta khuyến khích việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả từ khâu sản xuất, đăng ký đến quá trình tiêu thụ. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm của Bộ NN-PTNT Việt Nam trong việc chấn chỉnh và siết chặt quản lý trong đăng ký và kinh doanh thuốc BVTV.

Theo nhận định của chúng tôi, hoạt động đăng ký thuốc BVTV trong những năm gần đây có thể nói đã có những bước tiến bộ rất lớn so với 4- 5 năm trước. Cụ thể số lượng các loại thuốc BVTV được đưa vào danh mục đăng ký trong 3 năm vừa qua chỉ tăng thêm khoảng trên 1.000 sản phẩm trong khi chỉ từ năm 2006 đến năm 2010 danh mục thuốc BVTV đã tăng gần gấp đôi từ khoảng 1.500 sản phẩm lên gần 3.000 sản phẩm.

Tương tự với qui mô tăng trưởng này chắc chắn số lượng các công ty kinh doanh thuốc BVTV với qui mô từ nhỏ tới rất nhỏ cũng tăng với tốc độ tương đương, bởi vì số lượng các công ty lớn với bề dày hoạt động trong lĩnh vực thuốc BVTV cả trong và ngoài nước gần như không có biến động trong giai đoạn này.

Theo thống kê của chúng tôi, số lượng tên thương mại của các công ty thuốc BVTV thuộc nhóm Croplife Việt Nam (Hiệp hội các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học cây trồng gồm Arystar, BASF, Bayer, Dow, Dupont, Sumitomo và Syngenta) chỉ chiếm khoảng 6% danh mục đăng ký nhưng chiếm khoảng 35% doanh số trên thị trường, trong khi các công ty nhỏ lẻ có số lượng tên thương mại đăng ký chiếm khoảng 60% danh mục nhưng doanh số bán hàng chỉ khoảng 20%.

Hãy thử hình dung với khoảng trên 2.400 tên thương mại được các công ty này tung ra thì thị trường sẽ bị rối loạn và nông dân sẽ bị ngợp như thế nào trong biển tên thuốc. Còn về chất lượng của các loại sản phẩm này là vô cùng đáng ngại cả về mặt hiệu quả cho cây trồng, an toàn cho nông dân đến an toàn cho thực phẩm và môi trường.

Có những sản phẩm khi Cục BVTV phân tích thì hàm lượng hoạt chất của hóa chất đăng ký gần như là 0% hoặc có khi là hoạt chất khác hay hàm lượng lại vượt xa số liệu đăng ký. Các công ty này nhiều khi chỉ là từ 1 đại lý kinh doanh thuốc BVTV hoặc chỉ từ một vài cá nhân trước đây làm việc từ các công ty kinh doanh thuốc BVTV tách ra.

Họ chẳng có nhân viên kỹ thuật để hướng dẫn sử dụng sản phẩm cho nông dân thậm chí nhiều công ty còn không tìm thấy theo địa chỉ đăng ký. Như vậy rõ ràng họ không hề tuân thủ các qui định của Cục BVTV về hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả đối với thuốc BVTV khi đưa ra thị trường mà trên thực tế họ chỉ biết tung sản phẩm ra thị trường, còn hiệu quả thuốc như thế nào nông dân sử dụng ra sao họ chẳng cần quan tâm.

Được biết Cục BVTV có trình lên Bộ NN-PTNT một đề xuất gồm 6 điểm để siết chặt quản lý thuốc BVTV tại Việt Nam. Chúng tôi xin được tập trung ý kiến của mình xung quanh 2 đề xuất:

1. Ngừng đăng ký mới đối với thuốc BVTV hóa học và chỉ cho đăng ký đối với thuốc BVTV sinh học

Theo chúng tôi đây không thể là 1 giải pháp phù hợp cho Việt Nam, bởi trên thế giới hiện nay thuốc BVTV sinh học chỉ có thể được dùng bổ sung cho thuốc BVTV hóa học hoặc được dùng cho sản xuất hữu cơ tại một số quốc gia đã rất phát triển.

Nói chung thị trường thực của thuốc BVTV sinh học trên thế giới đến thời điểm này còn rất nhỏ. Bởi vì như rất nhiều nhận định của các nhà khoa học Việt Nam khác đã đưa ra, thuốc BVTV sinh học có phổ tác động hẹp, hiệu lực chậm nên nếu dùng nó nông dân sẽ phải tăng số lần phun, phun nhiều loại thuốc khác nhau hoặc phun với lượng lớn hơn.

Từ đó ta có thể thấy nếu chỉ sử dụng thuốc BVTV sinh học thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên rất cao và người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm nông nghiệp hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng cao trong mỗi bữa ăn của mọi gia đình.

2. Các thuốc BVTV dùng trên rau phải có thời gian cách ly tối đa (PHI) 5 ngày

Đây là một qui định chưa thật phù hợp bởi vì PHI là thời gian khuyến cáo ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch và thời gian này không liên quan đến độ độc của sản phẩm. Về bản chất khoa học thì PHI được tính dựa trên tốc độ phân hủy/tốc độ đồng hóa của hoạt chất trong cây trồng. Tốc độ phân hủy của hoạt chất cũng không phải là yếu tố liên quan tới độc tố, đó đơn giản chỉ là quá trình sinh hóa xảy ra trong cây để phá hủy phân tử của hoạt chất.

Việc sử dụng thuốc BVTV cũng có những quy định theo thông lệ quốc tế và quốc gia mà bất cứ ai khi tham gia vào lĩnh vực này đều phải tuân thủ. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Cục BVTV để thúc đẩy quá trình trao đổi kinh nghiệm và tham vấn với các đối tác có liên quan trong khu vực và quốc tế về các qui trình xây dựng thông tư và qui định để quản lý đăng ký lưu hành thuốc BVTV ở Việt Nam.

Vì vậy PHI được xây dựng cho từng loại hoạt chất để đảm bảo các phân tử của hoạt chất đó được phá hủy hoặc đồng hóa nhờ vậy mức dư lượng tối đa của hoạt chất (MRL) sẽ không vượt ngưỡng cho phép và không ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Như vậy không có nghĩa là sản phẩm có PHI dài hơn sẽ độc hơn sản phẩm có PHI ngắn.

Ngoài ra nếu chỉ cho phép các sản phẩm với thời gian cách ly 5 ngày thì đó có thể sẽ là nguy cơ đối với người tiêu dùng, bởi vì các loại hoạt chất này sẽ được dùng trong quá nhiều cây trồng và có thể dẫn tới ảnh hưởng của sự tích lũy trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Ở đây ý thức của nông dân trong việc tuân thủ theo chỉ dẫn về thời gian cách ly là yếu tố quan trọng vì nếu chúng ta đưa ra qui định về PHI 5 ngày nhưng người nông dân vẫn không tuân thủ cũng không cải thiện được tình hình.

Vì vậy theo chúng tôi việc siết chặt quản lý phải được rà soát lại từ khâu đăng ký sản phẩm cho đến việc thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên thị trường bao gồm:

1. Xây dựng một hệ thống quản lý đăng ký thực chất và hiệu lực: siết chặt qui trình thẩm định hồ sơ và nội dung hồ sơ đăng ký để tạo rào cản kỹ thuật đối với những sản phẩm kém chất lượng và các nhà sản xuất thiếu năng lực. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng chuẩn của một hoạt chất khi lần đầu đăng ký và các sản phẩm đăng ký sau phải đạt theo chỉ tiêu chất lượng chuẩn đó.

2. Siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh thuốc BVTV, người bán hàng phải có danh mục hàng bán và địa chỉ của người cung cấp hàng. Khi bán phải có hóa đơn hoặc biên nhận. Cấp mã số cửa hàng bán thuốc BVTV đối với những cửa hàng đạt chuẩn để nông dân nhận biết.

3. Người chịu trách nhiệm về sản phẩm trên thị trường phải có trách nhiệm - tuân thủ các qui định về tập huấn đào tạo hướng dẫn nông dân sử dụng an toàn và hiệu quả các sản phẩm của mình. Có báo cáo cụ thể hàng năm. Rút giấy phép đăng ký lưu hành sản phẩm nếu không thực hiện qui định này.

4. Tăng cường thực thi pháp luật về qui định đối với an toàn vệ sinh thực phẩm có những chế tài đủ mạnh để xử lý trường hợp nông dân vi phạm.

Như bất kỳ công nghệ nào, việc sử dụng thuốc BVTV cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu người sử dụng không tuân thủ đúng hướng dẫn. Giống như khi lái xe bạn có thể gặp phải rủi ro khi lưu thông trên đường, do đó có những quy định bạn phải tuân thủ để giảm thiểu rủi ro và hậu quả tiêu cực do rủi ro mang lại.

GĐ Đối ngoại và truyền thông - Cty Syngenta Việt Nam

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

5 giải pháp cho vụ hè thu ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất