| Hotline: 0983.970.780

Khung cảnh ngổn ngang ở Vườn quốc gia Cát Bà

Thứ Hai 07/10/2024 , 09:53 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Việc khắc phục hậu quả bão số 3 tại Vườn quốc gia Cát Bà còn ngổn ngang thì hiểm họa cháy rừng đã hiện hữu khiến lực lượng chức năng phải căng mình ứng phó.

Hai trạm kiểm lâm không thể phục hồi

Đã hơn 20 ngày sau khi cơn bão số 3 tràn qua Vườn quốc gia Cát Bà nhưng hậu quả và dấu vết để lại đến nay vẫn còn loang lổ, ngổn ngang, từ các khu rừng cho đến các trạm làm việc của lực lượng kiểm lâm nằm khắp nơi trên đảo.

Trạm Kiểm lâm Việt Hải ngày 4/10/2024. Ảnh: Đinh Mười.

Trạm Kiểm lâm Việt Hải ngày 4/10/2024. Ảnh: Đinh Mười.

Theo lịch đã hẹn, chúng tôi lên xuồng rẽ sóng hướng về khu vực xã đảo Việt Hải. Sau khoảng 20 phút lênh đênh cùng sóng gió, chiếc bè nổi nơi lực lượng kiểm lâm làm việc đã hiện hữu và hình ảnh đập vào mắt đầu tiên là những chiếc bạt xộc xệch, khung chòi trơ trọi rồi phao xốp, gỗ lạt trôi dạt ngổn ngang.

Đây là một trong bốn trạm kiểm lâm nổi trên tổng số 4 trạm thuộc Vườn quốc gia Cát Bà, cùng với các trạm Giỏ Cùng, Ba Đình và Vạn Tà. Hiện nay, trên trạm chỉ có 5 thành viên, quản lý khu vực rừng, biển rộng lớn thuộc vùng lõi với diện tích lên tới hơn 2.247 ha.

Chìa tay hỗ trợ từng người lên bè, anh Vũ Văn Duy cán bộ phụ trách Trạm Kiểm lâm Việt Hải cẩn thận nhắc nhẹ: “Anh em đi để ý tránh mấy chỗ thanh gỗ bị lủng nhé, bè mảng sau bão xộc xệch cả rồi”. Nhìn theo hướng chỉ tay của anh Duy, toàn bộ khu bếp nấu ăn và phần mái hiên đã bị mất phần mái, chỉ còn lại khung sắt trơ trọi. Bên góc phải một chiếc giường cũ gần như sập hẳn vẫn còn nguyên chiếc đệm màu xanh lá ướt át.

Anh Vũ Văn Duy xem lại nhật ký tuần tra, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Vũ Văn Duy xem lại nhật ký tuần tra, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, trạm đã phải quây tạm 2 chiếc bạt, một chiếc khu vực bàn uống nước, tiếp khách và một chiếc khu vực bếp để nấu ăn. Thấy phóng viên tới, từ góc chòi một cán bộ kiểm lâm ngoi đầu ra chào vồi rồi lại chui vào chiếc bạt che bạt tạm để tiếp bếp núc, chuẩn bị bữa trưa cho anh em sắp đi tuần rừng trở về.

Anh Duy kể, sau bão toàn bộ cơ sở vật chất của trạm bị thiệt hại nặng nề, ngoài bè mảng bị hỏng và phần mái nhà bị cuốn bay thì tấm pin năng lượng mặt trời “nơi cung ứng điện” cho cả trạm kiểm lâm cũng mất. Những ngày đầu mọi thứ gần như tê liệt, sau khi Ban Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà hỗ trợ một số trang thiết bị thì các hoạt động ở trạm mới trở lại bình thường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.

“Anh em sinh hoạt bị thiếu điện do bảng pin nặng lượng mặt trời bị bão thổi bay, đã được thay thế tạm thời nhưng chỉ khắc phục được phần nào. Còn với nguồn nước trên các trạm bè nổi, khắc phục bằng cách mua téc mới nhưng vẫn đang là tạm thời, các kiểm lâm viên gặp nhiều khó khăn”, anh Duy chia sẻ.

Tấm pin năng lượng mặt trời mới được mua mới để kịp thời cung cấp điện cho hoạt động của trạm. Ảnh: Đinh Mười.

Tấm pin năng lượng mặt trời mới được mua mới để kịp thời cung cấp điện cho hoạt động của trạm. Ảnh: Đinh Mười.

Tại các trạm kiểm lâm trên biển khác, một số nơi đã khắc phục cơ bản, có thể hoạt động trở lại nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật dụng thiết yếu để sinh hoạt vẫn khó khăn. Riêng trạm Giỏ Cùng và trạm Ao Ếch, do thiệt hại quá nặng, không thể phục hồi nên đã được đề xuất thanh lý theo quy định, chờ xây dựng lại trạm mới.

Ông Đỗ Xuân Thiệp – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà chia sẻ, trong số 12 trạm kiểm lâm của vườn, có 2 trạm bị thiệt hại từ 70-100%, không thể phục hồi, trạm Cát Dứa bị hư hỏng từ 30-50%, trạm Khoan Cao thiệt hại dưới 30%.

Sau bão, Vườn quốc gia Cát Bà đã đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cho thanh lý theo quy định với 2 trạm kiểm lâm bị thiệt hại không thể phục hồi. Với các trạm còn lại bị hư hỏng, thiệt hại thì sẽ sửa chữa tạm thời, đảm bảo chắc chắn, an toàn để lực lượng kiểm lâm làm việc, sinh hoạt.

Trạm kiểm lâm trên biển bị hư hỏng từ 70-100%, không thể hồi phục. Ảnh: Đinh Mười.

Trạm kiểm lâm trên biển bị hư hỏng từ 70-100%, không thể hồi phục. Ảnh: Đinh Mười.

“Kiểm lâm, các trạm kiểm lâm nằm khắp nơi trên quần đảo Cát Bà và các cửa ngõ ra vào nên đã hứng trọn cơn bão, thiệt hại nặng nề, nhiệu trạm tốc mái, đặc biệt là các trạm trên biển. Hiện nay, các trạm đang bị ảnh hưởng mái, các trạm bè đang được khắc phục tạm thời, mua bạt và một số trang thiết bị để dùng tạm sau bão, phục vụ công tác”, ông Thiệp cho hay.

Cũng theo ông Thiệp, sau bão số 3, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà có 2 xuồng bị đắm và 3 xuồng bị va đập làm rách vỏ. Hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng sau bão rất quan trọng, nhưng xuồng bị hỏng đã ảnh hưởng di chuyển chủ yếu trên biển nên việc xuồng bị hỏng đã ảnh hưởng lớn đến công tác. “Anh em sống trên biển, cái quan trọng nhất là phương tiện xuồng bè để đi lại, tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Do đó, cần khắc phục ngay để đảm bảo công việc”.

Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã đề xuất UBND thành phố Hải Phòng sớm cho triển khai xây mới lại các trạm kiểm lâm để các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của Di sản thiên nhiên thế giới và khu vực dự trữ sinh quyển thế giới.

Nguy cơ cháy rừng rất cao

Rời các trạm trên biển, đảo quanh các khu rừng tại xã đảo Việt Hải và khu trung tâm hành chính Vườn quốc gia Cát Bà, dọc các tuyến đường cây ngã đổ đã được dọn dẹp gọn gàng. Những nơi rừng cây bị gãy đổ nhiều, lá cây đã bắt đầu chuyển màu, xơ xác, chẳng khác gì đống củi khô bén lửa, nhất là khu vực rừng trồng.

Những khu rừng bị gãy đổ nhiều, cây cối đã dần khô và bén lửa, rất dễ cháy. Ảnh: Đinh Mười.

Những khu rừng bị gãy đổ nhiều, cây cối đã dần khô và bén lửa, rất dễ cháy. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Phạm Văn Phúc – Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, vườn có diện tích 17.362 ha với hệ sinh thái rừng - biển - đảo đa dạng với 362 loài động, 1.590 loài thực vật, nhiều loại quý hiếm. Sau bão số 3, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên do vườn quản lý đều bị ảnh hưởng như: gãy, đổ, rụng lá,… Riêng với khu vực rừng trồng, thống kê sơ bộ đã có khoảng 70% lượng cây bị gãy đổ, đáng tiếc là nhiều khu vực cây đã trên 15 năm tuổi. Còn tại khu vực vườn ươm, có tới 80% cây bị gãy đổ, 20% còn lại bị gãy cành hoặc trụi hết lá.

“Thiệt hại chủ yếu là khu vực rừng trồng tại khu trung tâm ở Vườn. Trước mắt, sẽ đánh giá mức độ thiệt hại, quản lý bảo vệ hiệu quả và sau đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy để rừng tự phục hồi”, ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc, gần 1 tháng sau khi bão đổ bộ, mặc dù thời tiết đã dần ổn định, nhưng nguy cơ cháy rừng đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các khu rừng bị ảnh hưởng, đặc biệt là rừng trồng tại Vườn quốc gia Cát Bà.

Nguy cơ cháy rừng cao tập trung tại các khu vực rừng trồng. Ảnh: Đinh Mười.

Nguy cơ cháy rừng cao tập trung tại các khu vực rừng trồng. Ảnh: Đinh Mười.

Cùng với đó, ở những khu rừng trồng nằm sát khu vực dân cư, các hoạt động sinh hoạt của người dân như đốt rác, đốt lửa ngoài trời vẫn thường diễn ra. Do vậy, nếu không giám sát kỹ có thể là tác nhân trực tiếp gây ra hỏa hoạn.

Trước thực trạng này, các trạm kiểm lâm ở Vườn quốc gia Cát Bà phải căng mình thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phải thực hiện thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả sau bão, vừa phải tuần tra, tuyên truyền bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

Hàng ngày, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân không được đốt lửa, hút thuốc gần khu vực rừng hoặc bỏ mặc các đám lửa ngoài trời mà không dập tắt hoàn toàn. Đặc biệt là không đốt rác, đốt cỏ khô bừa bãi.

Các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng cháy cháy rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng cháy cháy rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Với các khu vực có nguy cơ cao, các lực lượng chức năng đã tổ chức tuần tra, giám sát tại các khu vực rừng thông, rừng phòng hộ và các khu dân cư gần rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ hỏa hoạn từ khi mới hình thành.

Trước thực trạng lượng khách du lịch quay lại Cát Bà đã ổn định trở lại, ngày càng đông, Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã cắt cử lực lượng hướng dẫn, tuyên truyền và nghiêm cấm để khách du lịch không tổ chức các hoạt động đốt lửa trại, nấu nướng các khu vực gần rừng trồng hoặc rừng nguyên sinh.

“Sau bão, thời tiết nắng nóng và gió khô hanh đã xuất hiện, tại các khu rừng, những thân cây khô và cành cây bị gãy đổ, lá cây rụng nhiều ngày đã trở thành lượng lớn vật liệu dễ cháy làm nguy cơ hỏa hoạn tăng. Do vậy, cùng với việc thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả một trong những nhiệm vụ quan trọng lúc này của chúng tôi là phòng cháy rừng”, ông Phúc cho hay.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.