| Hotline: 0983.970.780

Khủng hoảng có thể vượt sức chống chịu của hộ kinh doanh và nông hộ

Thứ Ba 21/04/2020 , 08:46 (GMT+7)

Tiến sĩ Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chia sẻ quanh vấn đề người lao động và nền kinh tế giữa khủng hoảng Covid-19.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: ILO.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: ILO.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ với NNVN (số báo 79, ra ngày 20/4) rằng đại dịch Covid-19 là “thời điểm để chúng ta (Việt Nam) nhìn nhận lại vai trò của từng lĩnh vực, cơ cấu lại nền kinh tế”. Làm việc đó, dù với ngành nghề lĩnh vực nào thì lao động cũng là yếu tố trung tâm.

Báo cáo nhanh mới đây của ILO đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới. Vậy tình hình của Việt Nam được dự báo như thế nào, thưa ông?

Vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam do chúng ta chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây nên đối với doanh nghiệp và việc làm.

Chúng ta cần đợi tới khi công bố kết quả cuộc Điều tra Lao động Việc làm và Doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê đang thực hiện với sự hỗ trợ của ILO.

Cũng đã có một số dự báo được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát, chẳng hạn như Bộ KH-ĐT dự báo sẽ có 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng và khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết 50% các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây nên không được cải thiện.

Nhưng hãy đợi đến khi kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê được công bố để có một bức tranh chính xác về hoạt động của doanh nghiệp và tình trạng mất việc làm.

Hầu hết mọi quốc gia đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II. Với các biện pháp phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trên toàn thế giới.

Theo những ước tính mới của ILO, các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu.

Bản báo cáo nhanh mới được ILO công bố tuần trước cho thấy số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II năm nay, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian. 

Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm.

Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.

Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam.

Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chúng ta chỉ đang nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động.

Điều này cũng đem lại hàm ý chính sách rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam.

Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và trình độ kỹ năng thấp.

Đây cũng là những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm phần đông. Điều đó có nghĩa rằng khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Các lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất đề cập đến ở trên hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam (trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam).

Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Điểm đáng quan ngại là diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ làm suy yếu thêm vị thế của phụ nữ trên thị trường lao động.

 

Theo ông, những nhóm đối tượng nào trong thị trường lao động Việt Nam được xét là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hiện nay?

Các nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.

Mặc dù tỷ lệ phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế.

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19 này, họ có thể buộc phải tiếp tục làm việc hay không muốn tự cách ly khi cần, như vậy, họ tự đặt sức khỏe của bản thân vào tình thế nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm cho thêm nhiều người. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự do, lao động phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, lao động giúp việc gia đình.

Trong khi đó, lao động di cư trong nước, lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội. Lao động di cư trong nước thường làm việc trong những lĩnh vực bị khủng hoảng việc làm nặng nề nhất.

Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại toàn cầu. Như thế nghĩa là nền kinh tế và thị trường lao động của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác?

Một lần nữa tôi xin nhắc lại là chúng ta chưa có số liệu cập nhật và chính xác về thương mại của Việt Nam. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, khối lượng thương mại toàn cầu năm 2020 dự kiến sẽ giảm từ 13% đến 32%.

Số liệu báo cáo về thương mại quý I của Việt Nam không quá tệ, xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 2% và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD. Nhưng đến cuối tháng 4 này chúng ta sẽ thấy rõ hơn tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 đối với thương mại và đầu tư.

Đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình trong quý II sẽ tệ hơn, chẳng hạn như, không còn khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, cùng với đó nhu cầu hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu giảm mạnh do hầu hết các nước đối tác thương mại đều đang áp dụng các biện pháp phong tỏa.

Cuộc khủng hoảng y tế - kinh tế toàn cầu đang diễn ra này nghiêm trọng ở chỗ nó tác động đến cả phía cung và cầu. Vấn đề là Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương mại toàn cầu. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng cả doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam sẽ cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc hơn nhiều những tác động của một nền thương mại toàn cầu đang bị thu hẹp lại.

Theo tôi, khi thiết kế các chiến lược phát triển hậu Covid-19, Chính phủ có thể phải tính đến cách làm thế nào để các chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng chống chịu tốt hơn và làm thế nào để mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, làm thế nào để hỗ trợ các ngành công nghiệp dịch vụ trong nước và tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng linh hoạt hơn và có sức chống chịu cao hơn.

Thế còn đối với các lĩnh vực dịch vụ trong nước, các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các hộ kinh doanh cá thể và nông hộ không trực tiếp liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu thì sao, thưa ông?

Họ không chỉ có vai trò cực kỳ quan trọng trong thời kỳ khủng khoảng khiến nhu cầu toàn cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng dài hạn hậu Covid-19.

Họ có thể cung cấp chỗ dừng chân tạm thời cho những người lao động bị mất việc, phải trở về quê nhà, với làng quê. Họ là nguồn lực truyền thống giúp xã hội có khả năng chống chịu.

Vấn đề ở đây là phạm vi và tốc độ khủng hoảng việc làm do đại dịch Covid-19 gây nên có thể lớn hơn rất nhiều so với khả năng gánh vác của hộ kinh doanh gia đình và nông hộ.

Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ có tính mục tiêu thông qua các dạng thức khác nhau để người dân có thể vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng cho tới khi tình hình dần trở lại bình thường.

Về lâu dài, một đất nước với gần 100 triệu dân cần xây dựng các thị trường nội địa thực chất do các doanh nghiệp trong nước dẫn dắt, đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.

Thực thi nhiều biện pháp bảo trợ xã hội khác nhau sẽ giúp xã hội Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trước những khủng hoảng y tế toàn cầu tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nề kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Chắc chắn có thể có những lĩnh vực có thể làm tốt hơn.

Nhưng tôi tin rằng gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19 bao gồm: 1) kích thích nền kinh tế và việc làm, 2) hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập, và 3) bảo vệ người lao động tại nơi làm việc.

Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu Covid-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.