Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, qua 2 năm triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” giai đoạn 2022 – 2024, đến nay, cả nước đã có 57 tỉnh, thành thành lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng với gần 47.300 thành viên tham gia.
Trong đó, ở phạm vi trong Đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng với 156 thành viên; ngoài Đề án có 5.141 tổ với trên 47.130 thành viên.
Ông Đỗ Đà Giang (Phòng Tư vấn và Hợp tác quốc tế - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đánh giá, hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành. Đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.
Điển hình, các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng hầu hết là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (như hội nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, doanh nghiệp...), đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, các tổ khuyến nông cộng đồng đã làm tốt công tác tư vấn, phát triển kinh tế hợp tác xã, liên kết sản xuất. Qua đó thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, tăng cường chuyển đổi số, nhất là tại các vùng nguyên liệu.
Đến thời điểm này, ông Giang khẳng định tổ khuyến nông cộng đồng là định hướng phát triển đúng đắn, giúp hỗ trợ bà con nông dân tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các giải pháp hữu ích để cải thiện sinh kế, tăng thu nhập.
Tại Kiên Giang, từ khi ra đời và đi vào hoạt động, các tổ khuyến nông cộng đồng đã liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ bà con nông dân, hợp tác xã nông nghiệp tiêu thụ lúa.
Đồng thời, đây cũng là lực lượng làm cầu nối, giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với nhiều doanh nghiệp như: Công ty Đại Dương Xanh, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Cửu Long, Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ - sản xuất lúa giống Hai Thụ… nhằm liên kết tiêu thụ các giống lúa như Jasmine 85, OM18, Đài Thơm 8...
Còn tại Long An, tổ khuyến nông cộng đồng cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan triển khai nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc và xử lý ra hoa trái vụ trên cây sầu riêng và bưởi da xanh; tổ chức tư vấn, hướng dẫn thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng; liên kết với doanh nghiệp hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng cho các tổ hợp tác...
Đặc biệt gần đây, các tổ khuyến nông cộng đồng vùng ĐBSCL đã triển khai các hoạt động phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Điển hình là chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ canh tác lúa giảm phát thải; hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
Nhiều tổ khuyến nông cộng đồng đã kết nối được với các doanh nghiệp, xây dựng, phát triển các hợp tác xã sản xuất, đặc biệt là hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở các địa phương.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng định hướng, đề xuất UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, bố trí kinh phí cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm việc sử dụng tư cách pháp nhân của hợp tác xã cho hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng.