| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông đi vào cuộc sống [Bài 2]: Cách làm mới tạo giá trị lớn

Thứ Hai 07/11/2022 , 11:28 (GMT+7)

Nhằm giúp nông dân sống khỏe với cây lúa, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cùng nông dân tạo giá trị gia tăng nhờ cách nghĩ và cách làm mới, vẫn trên thửa ruộng cũ.

Hiệu quả nhân lên nhiều lần

Chúng tôi theo chân cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đến thăm mô hình nuôi cá rô đồng trên ruộng lúa của anh Lâm Thanh Hồng thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản Tràm Cát ở xã Phước Chỉ, TX.Trảng Bàng. Mọi người được “mục sở thị” những cây lúa phát triển xanh tốt trĩu bông, bên dưới chân ruộng là từng đàn cá rô đồng khỏe mạnh bơi lội tung tăng.

Mô hình lúa - rô đồng của anh Lâm Thanh Hồng tại xã biên giới Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình lúa - rô đồng của anh Lâm Thanh Hồng tại xã biên giới Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Anh Hồng cho biết khu vục này được bao bọc bởi dòng sông Vàm Cỏ, địa thế chủ yếu là đất trảng, ngập nước quanh năm, lúa được xem là cây trồng chủ lực bao đời nay của người dân nơi đây. Tuy nhiên, những năm gần đây giá vật tư tăng cao cùng thời tiết khí hậu thất thường, dịch bệnh phát sinh khiến sản xuất của bà con ngày càng khó khăn.

Tháng 6/2022, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn chuyển giao mô hình nuôi bán thâm canh cá rô đồng kết hợp lúa trên 0,35 ha đất ruộng của gia đình, anh đã bắt tay thực hiện ngay. Ngoài được hỗ trợ cá giống, thức ăn, gia đình anh Hồng còn được cán bộ khuyến nông cầm tay chỉ việc, theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật. Sau 4 tháng thực hiện mô hình, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, cây lúa cũng khỏe mạnh.

Theo anh Hồng, nếu như trước đây chỉ độc canh mỗi cây lúa, mỗi năm gia đình thu nhập không tới 30 triệu đồng, thì mô hình lúa - rô đồng đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng trên cùng diện tích. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Hồng, nếu như trước đây chỉ độc canh mỗi cây lúa, mỗi năm gia đình thu nhập không tới 30 triệu đồng, thì mô hình lúa - rô đồng đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng trên cùng diện tích. Ảnh: Trần Trung.

“Giai đoạn đầu, cá được nuôi ươm bằng thức ăn công nghiệp. Đến lúc lúa trổ đòng, cá được thả bung ra ruộng lúa để ăn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng. Nhờ cá ăn sâu hại nên lúa ít bị bệnh, cá sục bùn diệt cỏ dại. Các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất. Nếu như trước đây chỉ độc canh mỗi cây lúa, mỗi năm gia đình thu nhập không tới 30 triệu đồng, thì nay, chỉ tính riêng cá, sau 4 tháng nuôi thành công, dự kiến sản lượng sẽ hơn 1,5 tấn, sau khi trừ chi phí, dự kiến đem lại thu nhập cho gia đình hơn 80 triệu đồng, chưa tính thu nhập từ lúa”, anh Hồng chia sẻ.

Mô hình nhiều triển vọng

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc HTX Tràm Cát, được thành lập 8/2020, HTX có 53 thành viên và trên 100 thành viên trong vùng sản xuất với tổng diện tích canh tác trên 100 ha, hầu hết các thành viên đều thực hiện nuôi trồng thủy sản và trồng lúa riêng biệt. Trong quá trình anh Lâm Thanh Hồng thành viên của HTX nhận thực hiện mô hình nuôi bán thâm canh cá rô đồng trên ruộng lúa, HTX nhận thấy đây là mô hình rất triển vọng. HTX đang tổ chức cho các thành viên thăm quan học hỏi, từng bước nhân rộng mô hình.

Từ mô hình của anh Hồng, nhiều thành viên trong HTX Tràm Cát cũng chuẩn bị bắt tay làm theo để nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Từ mô hình của anh Hồng, nhiều thành viên trong HTX Tràm Cát cũng chuẩn bị bắt tay làm theo để nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

“Qua mô hình có thể thấy dễ thực hiện, rủi ro thấp, dựa trên chân ruộng sẵn có, chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng là có thể thả thêm cá. Mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả "kép" do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển, người nuôi cá giảm được nhiều chi phí, tăng nguồn lãi. Nhiều thành viên trong HTX rất hào hứng với mô hình này, từ mô hình sẽ mở ra hướng đi mới cho các thành viên nói riêng và HTX nói chung”, ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, lúa là một trong những cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn so với các cây trồng khác tại Tây Ninh, khoảng 147.808 ha/năm (3 vụ). Mặc dù, trên 90% diện tích canh tác lúa đã được cơ giới hoá từ khâu làm đất cho đến thu hoạch nhưng nhìn chung giá trị thu về chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, tỉnh đã có những định hướng, giải pháp và chính sách nhằm nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh. Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng đã tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới nâng cao giá trị cây lúa, trong đó, mô nuôi cá rô đồng trên ruộng lúa được xem là mô hình nhiều triển vọng.

Ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh thăm, kiểm tra, đánh giá mô hình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh thăm, kiểm tra, đánh giá mô hình. Ảnh: Trần Trung.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm nông nghiệp đầu ra khó tăng tương xứng, thì mô hình cá - lúa cho thấy được sự phù hợp và hiệu quả kinh tế đối với điều kiện sản xuất tại các vùng đất chuyên lúa trên địa bàn tỉnh. Mô hình này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần tốn nhiều chi phí đầu tư. Mô hình cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận bình quân của mô hình đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/năm.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương nhân rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn sinh thái, thân thiện môi trường, đảm bảo giá trị bền vững…”, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.