Thời gian qua, mặc dù Quảng Bình đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa, tuy nhiên, tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao chưa nhiều, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương.
Để đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (Sở NN-PTNT) Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi giống cá trắm đen trong ruộng lúa tại huyện Quảng Ninh. Mô hình do HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải thực hiện.
Mô hình được triển khai trên 2 ha ruộng lúa của HTX Vạn Hải. Đến tháng 11/2021, nhiệm vụ đã hoàn thành và được nghiệm thu. Sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 85%, cá đạt được chiều dài trung bình 37,3 cm, trọng lượng trung bình 1,52 kg/ con. Tốc độ tăng trưởng của lúa khá cao, thời gian sinh trưởng ngắn (120 ngày). Kết quả thu hoạch được 662,5 kg cá trắm đen và 21,5 tấn lúa, lợi nhuận thu về hơn 39 triệu đồng.
Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN liên kết nuôi giống lợn Khùa theo phương pháp bán chăn thả do Công ty TNHH Nông trại Sen Việt chủ trì thực hiện, được triển khai từ tháng 5/2021.
Kết quả kiểm tra vào cuối tháng 11/2021 cho thấy, tỷ lệ nuôi sống đạt 100% (30 con, chia làm 2 đợt). Hiện tại, lợn vẫn được theo dõi và phát triển bình thường, không có dịch bệnh xảy ra. Đến nay, 30 con giống đã đạt trọng lượng xuất chuồng theo đúng thuyết minh đề ra. Nhiệm vụ vẫn được tiếp tục thực hiện các hạng mục để tiến tới hoàn thiện quy trình sản xuất.
Mới đây, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN cấp tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Mô hình trồng thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST25”, do HTX Nông nghiệp Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy chủ trì thực hiện. Mục tiêu của nhiệm vụ là đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế của giống lúa ST25; xây dựng quy trình sản xuất giống lúa ST25 phù hợp với huyện Lệ Thủy - vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Bình.
Mô hình được triển khai tại 2 vùng có chân đất khác nhau với diện tích 5 ha của HTX Nông nghiệp Đại Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021 gồm 2 vụ đông xuân và hè thu. Sau gần 1 năm, nhiệm vụ đã đạt được những kết quả, cụ thể: Giống lúa ST25 thích nghi khá tốt với điều kiện sinh thái tại xã Phong Thủy, giống có khả năng thâm canh cao, thích hợp với chân đất trũng nhiều mùn.
ST25 có thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân là 125 ± 5 ngày, vụ hè thu 105 ± 5 ngày, giống có rạ cứng và độ tàn lá muộn nên thích hợp cho vụ đông xuân và để lúa tái sinh. Mô hình cho lợi nhuận thuần đạt 84,885 triệu đồng, tương đương 28,295 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 lần so với các giống lúa chất lượng cao khác.
Đánh giá về hiệu quả từ các mô hình sản xuất liên kết KH-CN đã và đang triển khai thực hiện, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thống kê KH-CN (Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình) cho rằng, thực tế cho thấy, các mô hình KH-CN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức thiết của từng địa phương.
Thông qua hoạt động liên kết, các mô hình ứng dụng KH-CN đã giúp chính quyền địa phương các cấp và bà con nông dân thay đổi được nhận thức, chú trọng áp dụng tiến bộ KH-CN và đầu tư cho nghiên cứu KH-CN. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, giúp người dân giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường và bảo vệ môi trường bền vững.