| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Nghệ An: Hoa thơm trái ngọt trong gian khó

Thứ Hai 30/11/2020 , 08:36 (GMT+7)

Vượt qua những khó khăn và thách thức, công tác khuyến nông trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt được những thành tích đáng ngợi khen.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Nghệ An kiểm tra mô hình dưa lưới trong nhà màng tại huyện Diễn Châu. Ảnh: VK.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Nghệ An kiểm tra mô hình dưa lưới trong nhà màng tại huyện Diễn Châu. Ảnh: VK.

Đổi thay toàn diện

Giai đoạn 2016 - 2020 hoạt động của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực khuyến nông nói riêng diễn ra trong bối cảnh đối diện với muôn vàn khó khăn, áp lực luôn đè nặng trên vai.

Đây là thời điểm tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII). Bên cạnh đó là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thiên tai, hạn hán, bão lũ và dịch bệnh chuyển biến không theo quy luật thông thường.

Trước thách thức, Sở NN-PTNT đã định hướng, chỉ đạo hệ thống Khuyến nông tỉnh Nghệ An nỗ lực vượt khó để tổ chức thực hiện tốt công tác chuyên môn. Trên nguyên tắc “cầm tay chỉ việc” đã chuyển dịch cơ cấu, từng bước tăng nhanh năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi giúp bà con xóa đói giảm nghèo, góp sức quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Giai đoạn 2016 - 2020 đơn vị đã xây dựng được 152 mô hình các loại, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến lâm nghiệp. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất cây lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu cho kết quả tốt, nổi bật là mô hình trồng thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao theo hướng VietGAP áp dụng tại các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên và Nghĩa Đàn trên quy mô hơn 600 ha.

Quá trình sản xuất ít sử dụng thuốc BVTV, qua đó hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn. Tương tự là mô hình trồng lúa Japonica tại Kỳ Sơn, Quế Phong, hiệu quả kinh tế tăng 20% so với sản xuất đại trà.

Chương trình cũng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nấm ăn, rau  các loại qua 12 mô hình, nổi bật là mô hình sản xuất nấm sò với 8 tấn nguyên liệu cho thu hoạch 800kg, nay đã nhân rộng ra 1.000 tấn nguyên liệu; mô hình trồng rau theo hướng VietGAP, hiệu quả kinh tế tăng từ 23 - 30% so với sản xuất đại trà, hiện quy mô đã tăng lên hơn 200 ha.

Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ cũng mang lại tín hiệu khác biệt. Bằng chứng, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản sang trồng ngô tại huyện Quỳ Hợp đạt năng suất 6 tấn/ha, thu nhập 36 triệu đồng /ha, cao gấp 2 lần so với trồng lúa; mô hình chuyển diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng ớt cay, hiệu quả kinh tế tăng trên 30%, đã nhân rộng được 45 ha; mô hình sản xuất dưa chuột vụ đông trên đất hai lúa tại Diễn Châu, hiệu quả kinh tế tăng 22%, đã nhân rộng được 200 ha…

Mô hình cá chim vây vàng tại Thị xã Hoàng Mai cho kết quả khả quan. Ảnh: VK.

Mô hình cá chim vây vàng tại Thị xã Hoàng Mai cho kết quả khả quan. Ảnh: VK.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nông thôn và xây dựng các mô hình vườn đô thị thực sự khả quan. Phần lớn các mô hình gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (Ứng dụng  kỹ thuật nhà lưới vào sản xuất hoa cúc vụ hè thu tại TP. Vinh; mô hình trồng thâm canh cam, quýt, chanh theo hướng VietGAP có áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn; mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao tại Diễn Châu, Nam Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Quỳ Hợp…) cơ bản cho hiệu quả cao, lợi nhuận thu được đạt trên 50 triệu đồng/vụ /1000m2.

Về lĩnh vực chăn nuôi, giai đoạn 2016- 2020 đã thực hiện được 25 mô hình của 5/7 danh mục được phê duyệt. Đàn dê thuộc mô hình cải tạo đàn tại Anh Sơn, Nghĩa Đàn sinh trưởng phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương, dê đực đạt trọng lượng trung bình 45kg/con, đã nhân rộng được 500 con; mô hình nuôi dê sinh sản tại Anh Sơn,  đã nhân rộng trên 200 con; Mô hình nuôi dê thịt thương phẩm tại Nghĩa Đàn, Thanh Chương, lãi bình quân 1,5 triệu đồng/con, đã nhân rộng ra hàng trăm con; mô hình nuôi nhốt bò thịt kết hợp trồng cỏ tại Quỳ Hợp, Tân Kỳ, lãi gần 5 triệu đồng/con, đã nhân rộng được hơn 100 con.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, đã thực hiện được 8 mô hình trồng thâm canh cây lấy gỗ nguyên liệu, gỗ lớn, cây bản địa, 15 mô hình trồng thâm canh cây lâm sản ngoài gỗ, đồng thời xây dựng các mô hình Nông Lâm kết hợp thích nghi với biến đổi khí hậu (Trồng Lát, Xoan xen Ngô tại huyện Tương Dương, Ngô đạt năng suất 5,4 tấn/ha. Xoan, lát sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%), mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tác động tốt đối với môi trường, giảm thiểu tác động của Biến đổi khí hậu.

Về nội dung thủy sản, giai đoạn này đã thực hiện được 34 mô hình thủy sản thuộc 4 danh mục được phê duyệt.

Nổi bật là chương trình ương nuôi giống thủy sản, hiện 2 mô hình nuôi ương cá giống cấp II, triển khai  tại Tân Kỳ, Thái Hòa, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong với lượng thả từ 500.000 đến 1.000.000 con giống, đã cho lãi từ 56-100 triệu đồng/mô hình. Đáng chú ý là các mô hình Ương nuôi các giống cấp II ở các địa phương miền núi, đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con vùng cao.

Chương trình nuôi trồng thủy sản trong môi trường nước ngọt thực hiện tổng cộng 10 mô hình (nuôi cá trắm giòn, chép giòn trong lồng, trong ao tại TX. Thái Hòa, Yên Thành, Con Cuông, Quỳnh Lưu) lợi nhuận đạt 60 - 70 triệu/vụ nuôi; mô hình nuôi chạch quế gắn với bao tiêu sản phẩm; mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp, Mô hình liên kết nuôi cá Rô phi theo VietGAP; nuôi lươn không bùn… cũng cho thấy tín hiệu khả quan.

Không ngừng vươn xa

Qua 5 năm, các chương trình đào tạo tập huấn nghiệp vụ khuyến nông, chuyên môn kỹ thuật… đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội và tinh thần của bà con nông dân.

Nhiều mô hình khuyến nông đạt kết quả cao đã giúp cho nhà nông cải thiện rõ rệt nguồn thu. Ảnh: VK.

Nhiều mô hình khuyến nông đạt kết quả cao đã giúp cho nhà nông cải thiện rõ rệt nguồn thu. Ảnh: VK.

Trên thực tế, chương trình đã vận dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ năng khuyến nông mới một cách thành thạo vào công tác tập huấn, đào tạo chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân, thay thế dần cách thức truyền thống. Mỗi cán bộ khuyến nông cơ bản đều trở thành những chuyên gia, giảng viên nòng cốt trong việc truyền đạt, tư vấn kỹ thuật cho người dân.

Thông qua tập huấn nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp có cơ hội được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, được tiếp cận thông tin từ nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập kinh tế cao, gương sản xuất giỏi, những tiến bộ KHKT mới trong và ngoại tỉnh để làm “cẩm nang” cho mỗi người.

Nhìn tổng thể, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của các cấp ngành, Sở NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông đã tích cực đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động cho phù hợp với xu thế mới, qua đó đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, đặc biệt là khi vực vùng sâu, vùng xa..

Từ những điều mắt thấy tai nghe, Khuyến nông Nghệ An thực sự là người bạn đồng hành đáng tin cậy của nông dân.

Bên cạnh những thành tựu có được thì hoạt động khuyến nông trên địa bàn Nghệ An vẫn tồn tại những vấn đề nhất định. Nan giải nhất là đội ngũ khuyến nông viên xã, thôn bản không còn, vì thế gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức triển khai. Thách thức nữa là kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động thấp, nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, thị trường.

Đẩy mạnh cách làm, đổi mới toàn diện hoạt động theo xu thế hội nhập, cạnh tranh với nền kinh tế thị trường. Với nền móng đã tạo dựng được, tin chắc hoạt động khuyến nông Nghệ An sẽ tiếp đà bay cao.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.