Đó là khẳng định của ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM tại Hội nghị viên chức, người lao động năm 2023, do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM vừa tổ chức.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Theo báo cáo, trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng triển khai thực hiện 8 kế hoạch, chương trình, đề án, trong đó, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các phòng ban, đơn vị thuộc Sở thực hiện như: Chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ; Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM; Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố.
Khuyến nông cùng ngành nông nghiệp Thành phố tập trung tuyên truyền các dự báo thị trường giá cả nông sản đến với người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhằm chủ động trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tăng cường tuyên truyền công tác triển khai thực hiện, đảm bảo an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Thành phố đã đạt được những kết quả khởi sắc, hoàn thiện được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ mô hình trình diễn khuyến nông. Triển khai xây dựng được 29/31 mô hình thuộc các chương trình đề án, đạt 97% so với kế hoạch. Thực hiện các chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố; chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu; đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo…
Trung tâm cũng đã thực hiện nhiều cuộc điều tra khảo sát về các mô hình vườn sinh thái đẹp, tình hình sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng trên địa bàn các quận, huyện, thành phố tham mưu cho Sở NN-PTNT và UBND thành phố để hỗ trợ cho nông dân. Nhờ đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo kịp thời các điểm bán hoa kiểng phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Trung tâm đã thực hiện được chương trình khuyến nông 5 năm, xây dựng những kênh thông tin trên mạng xã hội giúp công tác tuyên truyền cho ngành nông nghiệp, khuyến nông Thành phố được lan tỏa rộng.
Tập trung tái cơ cấu nâng cao giá trị
Năm 2022 là năm thứ hai ngành nông nghiệp Thành phố thực hiện chủ đề thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, cải thiện môi trường đầu tư nhằm hỗ trợ hiệu quả các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tập trung cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2021 – 2030), ngành nông nghiệp Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị”.
Để thực hiện hiệu quả, trong năm qua ngành nông nghiệp Thành phố tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, chương trình chuyển đổi số trong sản xuất; phát triển 6 nhóm sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm chứng nhận Ocop, đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học về sản xuất giống cây, con chất lượng năng suất cao, đưa Thành phố trở thành trung tâm giống cây, con của khu vực. Đồng thời, chú trọng thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh phù hợp với thực tiễn đô thị hóa của Thành phố.
Phát biểu chị đạo tại Hội nghị, giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp nhấn mạnh: Về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của Thành phố như rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò thịt lai, chim yến,…
Theo ông Hiệp, trong năm tới, có nhiều mô hình sản xuất cây hoa kiểng, mô hình hữu cơ cần phải tập trung vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao và chuyễn đổi số; các mô hình đạt chứng nhận OCOP, cây hoa kiểng TP.HCM; chuyển giao TBKT giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp cho người dân đạt được hiệu quả kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị truyền thông nhằm lan tỏa thông tin tuyên truyền về công tác khuyến nông tốt hơn.
Tại hội nghị, Trung tâm Khuyến nông đã phát động các hoạt động, phong trào thi đua năm 2023 với nhiều nội dung quan trọng, nhằm chủ động hiến kế tạo nguồn thu cho các hoạt động, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong ngành nông nghiệp…
“Năm 2022, Khuyến nông TP.HCM đã có nhiều điểm nhấn khởi sắc hơn so với năm 2021. Công tác Khuyến nông cần phải tập trung toàn lực triển khai rà soát lại tất cả các hoạt động chương trình khuyến nông trong năm qua để tham mưu cho Sở báo cáo lên cho UBND TP.HCM nhằm kịp thời điều chỉnh về nội dung định mức kế hoạch hoạt động trong năm tới.
Hiện Thành phố bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, sắp tới Thành phố có chủ trương xây dựng mô hình mỗi xã một mô hình nông nghiệp tuần hoàn; đồng thời thực hiện đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM đang rất chú trọng vào chương trình phát triển các sản phẩm Ocop”, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM nhấn mạnh.