| Hotline: 0983.970.780

Tạo 'đường bơi' cho cá cảnh: [Bài 2] Dấu ấn của những nghệ nhân trẻ

Thứ Hai 15/08/2022 , 10:10 (GMT+7)

Ngành cá cảnh TP.HCM đang nổi lên một lớp nghệ nhân trẻ với cách làm bài bản, chuyên nghiệp hơn, góp phần quan trọng đưa con cá cảnh thành phố 'bơi' xa hơn.

Nghệ nhân trẻ Ngô Đăng Linh trao đổi với cán bộ khuyến nông TP.HCM về cá đĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

Nghệ nhân trẻ Ngô Đăng Linh trao đổi với cán bộ khuyến nông TP.HCM về cá đĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

Nếu truy cập vào Website discushouse.com, chắc hẳn ai cũng sẽ thấy ấn tượng ngay khi hình ảnh đầu tiên nhìn thấy là một clip (tự phát) rất sống động về một đàn cá đĩa rất đẹp, nhiều màu sắc, đang nhẩn nha bơi lội trong một bể kính lớn. Đó là một cách quảng bá đầy sáng tạo của Trại cá Discus House (huyện Củ Chi, TP.HCM), mà chủ trại là một nghệ nhân trẻ - anh Ngô Đăng Linh.

Là một nghệ nhân trẻ, nhưng Linh cũng đã có trên 10 năm tham gia vào ngành cá cảnh và hiện trang trại Discus House của Linh đang là cơ sở cá đĩa lớn nhất Việt Nam với 1.000 hồ cá, tổng cộng khoảng 30.000-40.000 con cá.

Bình quân mỗi tháng, Discus House xuất khẩu khoảng 3.000-4.000 con cá đĩa, thị trường xuất khẩu đã mở rộng tới hơn 30 quốc gia ở hầu khắp các châu lục. Ngoài ra, còn một lượng lớn cá đĩa được tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Để có nguồn cá đĩa đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa cả về số lượng lẫn chất lượng, từ nhiều năm nay, Discus House đã tiến hành xây dựng hệ thống vệ tinh gồm hơn 30 trang trại tại Củ Chi, quận 9, Bình Dương …

Các trang trại vệ tinh nuôi cá khi còn nhỏ. Khi cá lớn, Discus House thu mua lại toàn bộ với giá cao hơn thị trường và dưỡng nuôi đến khi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ hệ thống vệ tinh, Discus House luôn có sẵn lượng cá đĩa để xuất khẩu với chất lượng cao và ổn định.

Nhằm có thêm những giống cá đĩa mới, đẹp, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, Linh đã kết nối các nghệ nhân lại với nhau, để họ cùng nhau tạo ra những giống cá đĩa mới.

Không dừng ở đó, Linh còn nhập khẩu một số giống cá đĩa từ Malaysia để đa dạng nguồn giống, qua đó có thể mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu.

Cá đĩa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Discus House. Ảnh: Minh Sáng.

Cá đĩa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Discus House. Ảnh: Minh Sáng.

Nhờ đội ngũ nghệ nhân lai tạo ra những giống cá đẹp, cùng với kỹ thuật chăm sóc, thức ăn …, từ lâu, cá đĩa Việt Nam đã có tiếng trên thị trường thế giới. Cá đĩa Việt Nam đã từng tham gia và đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi quốc tế, nhưng những con cá đĩa đó lại do các thương nhân người Singapore, Malaysia … sang Việt Nam tìm mua và mang đi dự thi. Vì vậy, Linh cũng đang tính tới khả năng sẽ trực tiếp mang cá đĩa đi tham dự các hội chợ, cuộc thi cá cảnh quốc tế nhằm đẩy mạnh quảng bá cá đĩa Việt Nam.

Nhiều chủ cơ sở cá cảnh lớn khác ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn …, hiện đều là những nghệ nhân trẻ, mới ngoài 30 hoặc trên dưới 40 tuổi như anh Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ cơ sở cá cảnh ở Tân Hiệp, Hóc Môn, anh Nguyễn Hoài Thanh, chủ cơ sở cá cảnh ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, Củ Chi …

Một điểm chung của những nghệ nhân trẻ trong ngành cá cảnh TP.HCM là họ được tiếp cận với cách quản lý, vận hành chuyên nghiệp, nên đã làm marketing truyền thông cho các sản phẩm cá cảnh một cách bài bản hơn. Khả năng đàm phán với khách hàng cũng là một lợi thế lớn của lớp nghệ nhân trẻ so với những nghệ nhân lớp trước và những hộ nông dân thuần túy.

Với phong cách kinh doanh mới mẻ, tính tới lợi ích cho tất cả các bên, các nghệ nhân trẻ dù vào nghề chưa lâu nhưng đã kết nối được với nhiều nghệ nhân, trang trại trong ngành cá cảnh để họ làm vệ tinh cho cơ sở của mình.

Ngoài Discus House, một số cơ sở khác cũng đã xây dựng được hàng chục trại cá vệ tinh. Như cơ sở cá cảnh của anh Nguyễn Hoàng Tuấn ở Tân Hiệp, Hóc Môn. Hay cơ sở cá đĩa của anh Lê Trọng Thức ở ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, tuy mới hình thành được 4 năm nay, nhưng hiện đã có hệ thống vệ tinh khoảng 30-40 trại, giúp cho cơ sở xuất bán ra thị trường được 2.000-3.000 con cá đĩa thành phẩm mỗi tháng.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, một điều rất đáng chú ý trong ngành cá cảnh thành phố những năm gần đây là sự xuất hiện của lớp nghệ nhân trẻ.

Những bạn trẻ có trình độ, có kiến thức, có ngoại ngữ, khi tham gia, khởi nghiệp trong ngành cá cảnh, đã sử dụng công nghệ để đẩy mạnh marketting, quảng bá, “đưa” cá cảnh tiếp cận trực tiếp với thị trường tiêu thụ mà không cần phải qua những nhà phân phối trung gian như trước đây. Điều này giúp cho cá cảnh thành phố được xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều hơn.

Các nghệ nhân trẻ còn mạnh dạn nghiên cứu, nhập những giống mới từ nước ngoài để đa dạng nguồn, giống lai tạo ra những giống cá mới có chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của thị trường, giúp cho ngành cá cảnh có nhiều cơ hội để phát triển trong thời gian tới.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.