| Hotline: 0983.970.780

Tạo 'đường bơi' cho cá cảnh: [Bài 3] Cần chính sách phát triển đúng tiềm năng

Thứ Ba 16/08/2022 , 10:25 (GMT+7)

Được coi là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, nghề cá cảnh ở TP.HCM đang cần có những chính sách phù hợp để phát triển mạnh.

Thu hoạch cá Koi ở Công ty Cổ phần Cá Koi Việt Huấn. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch cá Koi ở Công ty Cổ phần Cá Koi Việt Huấn. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, cá cảnh được xác định là một sản phẩm tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.

TP.HCM có khí hậu phù hợp cho việc nuôi và phát triển cá cảnh nhiệt đới. Đặc biệt, thành phố có hệ thống kênh Đông Củ Chi, qua đó cung cấp nguồn nước ngọt chất lượng tốt cho nghề nuôi cá cảnh.

Bên cạnh đó, với vị thế là trung tâm kinh tế, xã hội lớn của đất nước, có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường cá cảnh, xuất khẩu cá cảnh đi các nước.

Chi phí sản xuất cá cảnh ở thành phố khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Trình độ, tay nghề cao của đội ngũ nghệ nhân cá cảnh cũng là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nghề nuôi cá cảnh ở TP.HCM

Trên địa bàn TP.HCM hiện đã khoảng 300 cơ sở sản xuất cá cảnh, phân bố chủ yếu ở một số quận vùng ven và một số huyện ngoại thành, với tổng diện tích 89 ha (chưa tính diện tích nuôi trong bể kính ở những cơ sở thuộc các quận trung tâm), tổng sản lượng mỗi năm khoảng 200 triệu con.

Trong đó, đã có những cơ sở sản xuất quy mô lớn, từ những cơ sở chuyên về một loại cá như Discus House chuyên về cá đĩa, Việt Huấn chuyên về cá Koi, tới những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại cá cảnh như Saigon Aquarium, Thiên Đức …

Các cơ sở nuôi cá cảnh ở TP.HCM hiện tập trung nhiều nhất tại các huyện Củ Chi và Bình Chánh. Với con cá cảnh, người nông dân thành phố có thể tận dụng những diện tích nhỏ làm bể kính, bể xi măng hay làm ao nuôi với chi phí đầu tư phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cá cảnh của thành phố hiện đã phủ khắp thị trường trong nước và được xuất khẩu tới khoảng 60 nước, trong đó chủ yếu là châu Âu (chiếm 50% cá cảnh xuất khẩu), Mỹ (20%), các nước châu Á. Gần đây, cá cảnh thành phố đã vươn tới một số thị trường mới, nhiều tiềm năng như Nam Phi, Trung Đông …

Tuy liên tục phát triển trong nhiều năm qua (trừ thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19), nhưng cá cảnh ở TP.HCM vẫn chưa xứng với tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu vẫn còn xa so với mục tiêu 50 triệu USD mà thành phố đã đề ra trong Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Khách tham quan khu vực nuôi cá cảnh của Công ty Cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức. Ảnh: Minh Sáng.

Khách tham quan khu vực nuôi cá cảnh của Công ty Cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức. Ảnh: Minh Sáng.

Chính vì vậy, các nghệ nhân tâm huyết với con cá cảnh ở TP.HCM đang mong muốn có những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh hơn nữa của sản phẩm rất đặc trưng này, khi mà thị trường trong và ngoài nước đều đang rất rộng mở.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Công ty Cồ phần Cá Koi Việt Huấn, nhận định, tiềm năng phát triển thị trường của riêng con cá Koi còn rất lớn khi nhu cầu xây hồ cá Koi để thư giãn của người dân đang ngày càng tăng lên.

Một khó khăn lớn của các cơ sở cá cảnh hiện nay là vốn, nhất là khi các cơ sở vừa phải chịu nhiều thiệt hại bởi dịch Covid-19. Anh Lê Trọng Thức, chủ cơ sở cá cảnh ở ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, Củ Chi, bày tỏ “Đầu tư cho con cá đĩa cần nguồn vốn lớn để mua giống, làm hồ kính. Dù đã được thành phố hỗ trợ 50% về con giống và vật tư thiết yếu cho mô hình khuyến nông cá cảnh, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để có thể đầu tư xây dựng thêm nhiều hồ để dưỡng nuôi cá cảnh. Vì cá thu mua lại từ các trại vệ tinh cần phải được dưỡng nuôi cho lớn, cho đẹp thì mới xuất bán được”.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, cho biết “Trong tháng 8 này, Sở NN-PTNT TP.HCM sẽ tổ chức Hội chợ - Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao năm 2022. Trong hội chợ này, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thi cá cảnh để các nghệ nhân, người nuôi cá cảnh trưng bày, giới thiệu những con cá đẹp có được qua quá trình lai tạo, nhân giống. Hội thi là dịp để tôn vinh những người tạo ra những con cá cảnh đẹp, có giá trị thương mại cao, đồng thời giúp cho họ tiếp cận với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo về cá cảnh nhằm đánh giá lại sự phát triển của cá cảnh trong thời gian qua cũng như như tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành cá cảnh. Tại hội thảo, những người sản xuất, kinh doanh cá cảnh sẽ có những đề xuất, kiến nghị cụ thể, thiết thực. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ có những chính sách để giúp cho doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá cảnh hồi phục sau đại dịch và phát triển đáp ứng được những yêu cầu của thị trường trong thời gian tới”.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.