| Hotline: 0983.970.780

Một năm đột phá của hệ thống khuyến nông

Thứ Tư 28/12/2022 , 20:10 (GMT+7)

HÀ NỘI Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tổ khuyến nông cộng đồng ra đời là một đột phá của hệ thống khuyến nông trong năm 2022.

Ngày 28/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Năm đột phá của hệ thống khuyến nông

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, toàn hệ thống khuyến nông đã có nhiều hoạt động nổi bật trong năm. Sự chuyển mình của đội ngũ khuyến nông đã bám sát thực tế và những yêu cầu từ thị trường, doanh nghiệp.

BATH8732

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bá Thắng.

Để duy trì và phát triển các hoạt động khuyến nông trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở ý tưởng về xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị. Theo ông, bên cạnh những hoạt động truyền thống là chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất, cán bộ khuyến nông cơ sở giờ phải "kiêm" thêm nhiệm vụ hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, nắm được quy luật cung - cầu, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với doanh nghiệp.

"Chúng ta định hướng như vậy để tạo động lực, thúc đẩy cả vùng nguyên liệu, vùng sản xuất cùng đi lên. Đó cũng là cách để tránh phân tán nguồn lực", Thứ trưởng Nam nói.

Mô hình đa giá trị, theo ý tưởng của Thứ trưởng Nam, không đơn thuần là tổ chức lại sản xuất theo hình thức HTX, liên kết doanh nghiệp mà còn cần gắn với xây dựng nông thôn mới và kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm ngay từ khi hạt lúa được gieo xuống ruộng, con cá được thả dưới ao. 

Mô hình này sẽ thích hợp nhất khi áp dụng lên tổ khuyến nông cộng đồng - một trong đột phá của hệ thống khuyến nông trong năm 2022. Hiện hệ thống khuyến nông đang gấp rút thực hiện đề án thí điểm về tổ khuyến nông cộng đồng, cùng với tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ, tổ chức lại bộ máy tại địa phương. Dự kiến khoảng tháng 3 - 4/2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổ chức sơ kết đề án thí điểm. Qua đó, những ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận để tổ khuyến nông cộng động có thể mở thêm chức năng, nhiệm vụ.

Empty

Sự ra đời của các tổ khuyến nông cộng đồng là dấu ấn lớn của khuyến nông Việt Nam trong năm 2022. Ảnh: Trung Chánh.

"Qua báo cáo năm 2022, có thể thấy khối lượng công việc của hệ thống khuyến nông rất nhiều, nhưng số đầu việc cụ thể còn khiêm tốn. Do đó, chúng ta cần gắn thêm nhiệm vụ cho cán bộ khuyến nông cơ sở thay vì để họ trông chờ vào trung ương", Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.

Trước mắt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm rõ trách nhiệm quản lý tổ khuyến nông cộng đồng thuộc về trung ương hay địa phương. Cùng với đó, Trung tâm và các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp đào tạo cho cán bộ khuyến nông cộng đồng hiểu thêm về HTX, về quản lý chất lượng sản phẩm, lấy đó làm cơ sở để hướng dẫn thêm người nông dân.

Dấu ấn khuyến nông cộng đồng

Nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng, trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng”.

Trên cơ sở đó, 126 tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập trên phạm vi 13 tỉnh có vùng nguyên liệu tham gia Đề án với tổng số 857 khuyến nông viên. Ngoài 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm, hiện có thêm 12 tỉnh đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ.

Empty

Ngoài các tỉnh thí điểm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng theo Đề án, hiện nhiều tỉnh thành khác ngoài Đề án cũng đã chủ động thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Đào Chánh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Lê Quốc Thanh nhận xét, các tổ khuyến nông cộng đồng góp phần tạo ra hệ sinh thái khuyến nông, đồng thời tăng tính tương tác giữa các thành viên, giữa các tổ chức tại địa phương, cũng như các đơn vị trong Bộ NN-PTNT. 

Cho rằng 2022 là năm vô cùng đặc biệt với hệ thống khuyến nông, khi một loạt các chính sách như Nghị quyết số 19-NQ/TW và Quyết định số 150/QĐ-TTg được ban hành, ông Thanh cho biết, toàn hệ thống đã chủ động, tích cực tham gia vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho nông dân; phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh...

Dù vậy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vẫn trăn trở với việc giúp cán bộ cơ sở có thêm điều kiện tiếp cận thông tin. Ông nói: "Hệ thống khuyến nông mong mỏi sớm có cơ chế chính sách thống nhất, ổn định, lâu dài đối với hệ thống khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng".

BATH8672

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 2 từ phải sang) trao bằng khen của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho tập thể và các cá nhân xuất sắc của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Bá Thắng.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, cán bộ khuyến nông cơ sở hoàn toàn có thể tham gia vào việc hướng dẫn, đào tạo nông dân trong việc xin cấp, quản lý mã số vùng trồng, nhất là các loại trái cây xuất khẩu chủ lực. Điều này thể hiện rõ thời gian qua, khi nhiều quy trình, tiến bộ kỹ thuật trồng trọt đã được chuyển giao một cách bài bản từ hệ thống khuyến nông, nhất là việc tái canh, phát triển cây công nghiệp.

Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khi đào tạo, tập huấn tại cơ sở, cán bộ khuyến nông nên tăng cường sử dụng hình ảnh trực quan, hoặc video để tuyên truyền cho bà con. Vì vậy, Báo Nông nghiệp Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ hệ thống khuyến thông trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm đa phương tiện, góp phần giúp ngành nông nghiệp chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Xã hội hóa công tác khuyến nông

Ghi nhận các ý kiến tham luận, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, rằng do ngân sách nhà nước có hạn, hoạt động khuyến nông chỉ có thể phát triển sâu, rộng, tích hợp nhiều ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số chỉ khi kết hợp được với doanh nghiệp.

Empty

Hoạt động của hệ thống khuyến nông ngày càng đóng góp quan trọng vào thành quả chung của ngành nông nghiệp. Ảnh: Đào Chánh.

Qua việc đi thực tế nhiều mô hình và cách làm cả ở trong lẫn ngoài nước, Thứ trưởng Nam nhận xét, nhiều cơ quan vẫn giữ quan niệm khuyến nông là công việc của nhà nước. Nhưng trong xu hướng phát triển của công nghiệp 4.0, doanh nghiệp đã hình thành, xây dựng, phát triển nhiều mô hình. Điểm mạnh của họ là nắm vững thông tin thị trường, đảm bảo đầu ra và các tiến bộ kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp đã ngỏ lời và cầu thị trong việc phối hợp, giúp người dân đảm bảo sinh kế

"Hệ thống khuyến nông cần xây dựng cơ chế, chiến lược tổ chức để xã hội hóa hơn nữa hoạt động, nhằm thu hút các nguồn lực, đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, khi liên kết doanh nghiệp, cần đảm bảo về chuyên môn, chất lượng", Thứ trưởng Nam định hướng.

Nhận định năm 2022 và sắp tới là 2023 là những năm giữa nhiệm kỳ, hoạt động với khuyến nông sẽ cực kỳ vất vả, nhất là bám sát Nghị quyết 19 của Trung ương, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo hệ thống khuyến nông cần đổi mới hơn nữa cách làm. Ông tiết lộ, hiện có một trường đại học lớn tại Nhật Bản đã đề đạt nguyện vọng hợp tác đào tạo với Bộ NN-PTNT. Nếu có thể kết nối, cán bộ khuyến nông cơ sở có thể đi học tập, lao động ở nước ngoài, vừa giúp tăng thu nhập, vừa có thể đặt những viên gạch đầu tiên cho việc tạo ra những tiến sĩ về khuyến nông. 

khuyen-nong-141523_758

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh báo cáo kết quả hoạt động năm 2022. Ảnh: Bá Thắng.

Ghi nhận những nỗ lực tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn trên toàn quốc của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý, các chương trình này nên được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, tên gọi của chương trình phải ngắn gọn, dễ nhớ, bao hàm nhiều ý nghĩa, ví dụ như Khuyến nông 4.0, Khuyến nông xanh.

Yêu cầu toàn hệ thống tập trung xây dựng nội dung hoạt động của lực lượng khuyến nông ngay từ cấp huyện thông qua hình thức của các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh, các đề án nâng cao năng lực khuyến nông có thể tranh thủ nguồn lực ODA từ những tổ chức quốc tế như JICA bởi họ rất quan tâm tới khuyến nông cộng đồng.

Cuối cùng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhắc rằng, Nghị định 105 về chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ NN-PTNT sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2023. Do đó, các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải sớm hoàn thiện kế hoạch cho năm kế tiếp.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.