Kịch nói Sài Gòn đã khép lại 14 ngày tranh tài sôi nổi, với lễ bế mạc khiến ai cũng hớn hở vì quá nhiều giải thưởng. Kịch nói Sài Gòn đã thực sự thích ứng bình thường mới. Bởi lẽ, kịch nói Sài Gòn đã chứng minh thành tựu xã hội hóa sân khấu với vai trò chủ lực của các đơn vị nghệ thuật tư nhân.
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 dành riêng cho sân khấu phía Nam, kéo dài từ ngày 3/1 đến ngày 17/1. Hội đồng giám khảo gồm 7 vị Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc, nhà văn Bích Ngân, Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến và Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Trường An được sắp xếp ăn nghỉ tập trung tại khách sạn Viễn Đông ở khu vực trung tâm Sài Gòn để trực chiến theo dõi cuộc thi suốt hai tuần lễ.
Cả thảy có 19 huy chương được trao cho 26 vở diễn dự thi của 20 đơn vị nghệ thuật, kể ra cũng hơi rộng rãi. Thế nhưng, điều quan trọng hơn, đó là chiếm đại đa số các tác phẩm ứng thí đều đến từ các sân khấu tư nhân. Thực sự tín hiệu ấy đã nói lên đầy đủ bức tranh kịch nói phương Nam về quá trình xã hội hóa sân khấu.
Chính các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập đã giúp sàn diễn kịch nghệ Sài Gòn sáng đèn tưng bừng suốt hai thập niên vừa qua. Có không ít bầu show đã lỗ vốn, có không ít tụ điểm đã đóng cửa, nhưng khát vọng chinh phục công chúng chưa bao giờ tàn lụi trong ý thức làm nghệ của giới nghệ sĩ. Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2, vắng mặt một tên tuổi lớn nhất là Sân khấu kịch IDECAF với những tài danh ăn khách như Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Bạch Long... nhưng những nhân tố mới đã tự tin thế chỗ.
Sài Gòn vừa trải qua một cơn địa chấn do lây nhiễm Covid-19 phải giãn cách kéo dài nhiều tháng. Sân khấu Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch quyết định tổ chức thêm đợt 2 của Liên hoan kịch nói toàn quốc (sau đợt 1 diễn ra tại Hải Phòng vào tháng 11/2021) thì không khí bình thường mới lại bùng cháy nồng nhiệt. Nghệ sĩ Sài Gòn đã tuân thủ 5K và gom góp tài chính để cùng nhau dàn dựng vở mới.
Kết quả, Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 thực sự là cuộc phô diễn thành tựu xã hội hóa sân khấu. Các vở diễn đoạt huy chương vàng như “Mưa bóng mây”, “Khóc giữa trời xanh”, “Câu hò đất mẹ”,“Bao giờ mẹ lấy chồng”... các vở diễn đoạt huy chương bạc như “Nắng chiều”, “Mảnh vỡ”, “Tình lá diêu bông”, “Ngôi nhà trên thuyền”... và cả các vở diễn đoạt huy chương đồng như “Lạc giữa biển người”, “Sự sống”, “Khúc nguyệt cầm”, “Ngã rẽ”, “Blouse trắng”... đã đến từ các đơn vị nghệ thuật tư nhân.
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2, bên cạnh những tụ điểm xã hội hóa quen thuộc như Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi... đã có thêm những tụ điểm xã hội hóa đầy sức trẻ như Công ty TNHH giải trí Hero Film, Công ty cổ phần Sử Việt, Công ty TNHH Phiêu Linh, Sân khấu kịch Sen Việt, Sân khấu kịch Quốc Thảo, HN Media, Sân khấu kịch Hồng Hạc, Công ty GODI...
Trong cơn mưa giải thưởng của Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2, công chúng hơi bất ngờ nhưng không hề có ai nghĩ rằng những đơn vị nghệ thuật tư nhân đã dàn dựng tác phẩm để nhầm mục đích tìm kiếm huy chương. Bởi lẽ, liên hoan hay hội diễn chỉ giống như một phép thử cho vở diễn, để những bầu show chủ động nêm nếm thêm tình tiết hay lời thoại nhằm lôi cuốn khán giả hơn khi tấm màn nhung sân khấu được kéo lên hàng đêm.
Có 105 huy chương vàng, bạc, đồng đã trao dành để tôn vinh các cá nhân xuất sắc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2. Trong đó có không ít diễn viên vốn quen thuộc với tấu hài, nhưng đã vào vai chính kịch một cách ngoạn mục. Đơn cử như huy chương vàng dành cho nam danh hài Hoài Linh trong vở diễn “Lạc giữa biển người”, hoặc huy chương vàng dành cho nữ danh hài Nam Thư trong vở diễn “Ngược gió”.