Những người lính trên mặt trận xanh
Nghệ An với diện tích rừng lớn nhất cả nước đồng nghĩa áp lực giữ rừng nặng nề gấp bội phần, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đòi hỏi mỗi con người đứng trong hàng ngũ kiểm lâm phải luôn luôn gắng sức, nỗ lực cao độ, trong bất kỳ giai đoạn nào cũng phải nêu cao tinh thần phục vụ cùng trách nhiệm lớn lao.
Chi cục Kiểm lâm nhân dân Nghệ Tĩnh (nay là Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) được thành lập ngày 13/2/1974 theo Quyết định 170 của Tổng cục Lâm nghiệp, là một trong những đơn vị tiên phong của miền Bắc sớm đi vào hoạt động. Dù đối diện với khó khăn, áp lực, lực lượng kiểm lâm Nghệ An vẫn thể hiện được vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
Những ngày đầu thành lập thực sự gian nan, bởi lẽ trong số 535 cán bộ thì hơn 80% từ quân đội, thanh niên xung phong chuyển ngành. Bộ phận có chuyên môn chiếm tỷ lệ cực thấp, chỉ 8 người có trình độ đại học, 18 người có trình độ trung cấp nông lâm, số còn lại hầu hết chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Đến năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Chi cục Kiểm lâm Nghệ Tĩnh cũng được chia tách thành Chi cục Kiểm lâm Nghệ An và Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh. Kiểm lâm Nghệ An lúc bấy giờ có tổng cộng 501 công chức, viên chức.
Đầu năm 2001, nhằm đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu cấp bách trong giai đoạn mới, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức kiểm lâm”, trọng tâm là đưa lực lượng kiểm lâm về địa bàn để tham mưu sâu sát cho chính quyền làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc. Nghệ An cũng là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đưa kiểm lâm viên về xã. Nếu như năm 2001 độ che phủ rừng của Nghệ An chỉ đạt 42%, sau 20 năm con số này vươn lên 58%.
Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 962.000ha đất có rừng, bao gồm nhiều vùng giàu tài nguyên động, thực vật và tính đa dạng sinh học cao. Trong chiến lược phát triển, kiểm lâm Nghệ An đặc biệt quan tâm các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, vừa đảm bảo giữ vững được vốn quý, góp phần phát triển kinh tế xã hội thông qua các hoạt động về nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học và đẩy mạnh du lịch sinh thái.
Thực hiện phương châm đó, những năm qua kiểm lâm Nghệ An đã trực tiếp tổ chức quản lý 3 khu rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia Pù Mát hơn 94.000ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống gần 50.000ha và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hơn 90.000ha) cùng nhiều diện tích rừng phòng hộ xung yếu. Đồng thời, thực hiện hơn 50 mô hình quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông, lâm kết hợp trên các vùng sinh thái khác nhau.
Linh hoạt, chủ động theo nhịp đập thời thế
Hiện tại Chi cục Kiểm lâm đang tham mưu thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; Dự án quản lý rừng bền vững VFBC; Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp nâng cao khả năng tính chống chịu vùng ven biển; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 809 ngày 12/7/2022.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, ông Bạch Quốc Dũng khẳng định chặng đường phía trước còn lắm chông gai, gập ghềnh nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Nghệ An sẽ không chùn bước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng ra sức cống hiến, tận tâm, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
Đáng chú ý, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã chuyển đổi mô hình hoạt động của các trạm kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên các tuyến giao thông, từ hình thức đón chặn bắt giữ lâm sản thành mô hình quản lý, bảo vệ rừng tại gốc. Song song với đó đã chủ động tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng nhằm bắt giữ, xử lý khi hành vi vi phạm mới hình thành trong nếp nghĩ.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ cấp bách, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2017.
Chủ trương lớn được Nghệ An tiếp thu nhanh và triển khai quyết liệt trên diện rộng. Chỉ sau thời gian ngắn nhiều tụ điểm, điểm nóng về chặt phá, khai thác rừng, mua bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn bị triệt phá, xóa bỏ hoàn toàn. Hàng loạt băng nhóm lâm tặc, đối tượng cộm cán vi phạm lâm luật bị bắt giữ và đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Tất thảy góp phần lập lại trật tự tại địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước.
Trong cuộc chiến đầy cam go, khó khăn và gian khổ, chỉ nỗ lực và cố gắng là chưa đủ, đôi khi phải đổi lấy bằng máu và nước mắt. Trong quá trình làm nhiệm vụ, để giữ lấy sự bình yên của những cánh rừng xanh mướt mắt, 2 cán bộ kiểm lâm đã ngã xuống, 19 người khác phải mang thương tật suốt đời, nỗi đau, mất mát ấy chẳng thể nào quên.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam, tập thể Chi cục Kiểm lâm Nghệ An và 2 cá nhân vinh dự được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen. Hai đơn vị trực thuộc, 13 cá nhân điển hình được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2022.