| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm Nghệ An & sứ mệnh quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Thứ Năm 11/05/2023 , 14:49 (GMT+7)

Rừng Nghệ An lớn nhất cả nước, đồng nghĩa áp lực quản lý, bảo vệ luôn đè nặng. Trong bối cảnh nào, vai trò của lực lượng kiểm lâm cũng được thể hiện rõ nét.

Bất kỳ giai đoạn nào, vai trò của lực lượng kiểm lâm Nghệ An cũng được phát huy rõ nét. Ảnh: Khôi An.

Bất kỳ giai đoạn nào, vai trò của lực lượng kiểm lâm Nghệ An cũng được phát huy rõ nét. Ảnh: Khôi An.

Chủ động, đi sâu, bám sát

Chi cục Kiểm lâm Nghệ An có chức năng tham mưu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp của các bên liên quan, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN-PTNT, trong giai đoạn nào đơn vị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của lực lượng kiểm lâm được các cấp, ngành quan tâm, kết quả đạt được càng ấn tượng hơn.

Chủ động, đi sâu, bám sát, chủ trương đó luôn được lực lượng kiểm lâm Nghệ An tiếp nối. Ảnh: Khôi An.

Chủ động, đi sâu, bám sát, chủ trương đó luôn được lực lượng kiểm lâm Nghệ An tiếp nối. Ảnh: Khôi An.

Xuyên suốt những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Chi cục thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện nghiêm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc, trực tiếp xây dựng kế hoạch tuần rừng tại các vùng trọng điểm. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống cảnh báo mất rừng, cháy rừng để xác định các điểm nóng, qua đó ngăn chặn, xử lý kịp thời các thiệt hại về rừng.

Hàng năm Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đều xây dựng kế hoạch thanh tra (chuyên ngành), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Từ đó tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất theo đúng trình tự, đảm bảo đúng chức năng, quyền hạn nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điểm nhấn lớn nhất là thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, đồng thời thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng. Tốc độ phát triển rừng trên địa bàn tăng trưởng khá nhanh, bình quân toàn tỉnh trồng được trên 18.000 ha/năm rừng tập trung, cơ bản vượt quá tốc độ suy thoái vốn rừng và mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người dân địa phương.

Trong khi đó, tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép theo hình thức buôn bán thương mại cơ bản chấm dứt, có chăng chỉ tồn tại dưới dạng khai thác gỗ làm nhà của đồng bào dân tộc thiểu số dưới hình thức nhỏ lẻ.

Thành quả trên đến từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâm nghiệp bài bản, sâu rộng. Chi cục xác định tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt, lấy giáo dục, phổ biến pháp luật làm trọng tâm, là đòn bẩy để thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Chủ trương, đường lối lan tỏa tức thì tạo chuyển biến, số liệu thống kê trong 5 năm qua cho thấy diễn biến vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp giảm toàn diện so với giai đoạn 2011-2016.

Vượt qua những áp lực, khó khăn, những con người này đã góp sức không nhỏ vào quá trình phát triển của toàn ngành lâm nghiệp. Ảnh: Khôi An.

Vượt qua những áp lực, khó khăn, những con người này đã góp sức không nhỏ vào quá trình phát triển của toàn ngành lâm nghiệp. Ảnh: Khôi An.

Bình quân giai đoạn 2017-2022 ghi nhận 778 số vụ vi phạm/năm, giảm 325 số vụ/năm; lâm sản tịch thu khoảng 1.000m3 gỗ/năm, giảm 1.203 m3 gỗ/năm; số vụ cháy rừng giảm mạnh, diện tích rừng bị thiệt hại chỉ khoảng 34 ha/năm, giảm hơn 45 ha/ năm.

Những con số nêu trên thực sự ấn tượng, nhất là đặt trong bối cảnh ngành lâm nghiệp đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, cả về áp lực công việc lẫn chế độ đãi ngộ. Trên thực tế, một số cán bộ kiểm lâm viên đã xin nghỉ việc, hoặc điều chuyển công tác, gây nên thiếu hụt lớn đối với đội ngũ kiểm lâm viên bám địa bàn cơ sở.

Dù vậy đại đa số cán bộ kiểm lâm vẫn miệt giữ được nhiệt huyết, lòng yêu nghề đã xóa nhòa đi những rào cản trước mắt, từ đó xác định gắn chặt với sự nghiệp giữ rừng, cùng chung tay bảo vệ màu xanh của rừng.

Thúc đẩy quản lý rừng bền vững

Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là xu thế tất yếu để phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, minh bạch, bền vững trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh.

Các khu rừng được chứng nhận FSC được quản lý theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và kinh tế thông qua những nguyên tắc bất di bất dịch. Các nguyên tắc là một vòng tuần hoàn liên kết chặt chẽ, từ duy trì giá trị bảo tồn cao đến quan hệ cộng đồng và quyền lợi của người lao động.

Để được cấp chứng chỉ rừng FSC, đòi hỏi người trồng rừng tuân thủ 10 nguyên tắc với 70 tiêu chí, 205 chỉ số do hội đồng quản lý rừng quy định, trong đó nguyên tắc an toàn lao động và bảo vệ môi trường đứng hàng đầu.

Những người trồng rừng muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU không chỉ chăm chăm vào giá trị kinh tế mà phải thay đổi cách thức kinh doanh rừng theo hướng thân thiện với môi trường. Nôm na là đảm bảo hài hòa giữa lợi nhuận từ rừng và trách nhiệm với cộng đồng.

Nghệ An tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm gỗ bằng cách tiếp cận với khái niệm 'rừng có chứng chỉ'. Ảnh: Khôi An.

Nghệ An tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm gỗ bằng cách tiếp cận với khái niệm “rừng có chứng chỉ”. Ảnh: Khôi An.

Đặt ra mục tiêu phát triển rừng bền vững, tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm gỗ, từng bước nâng cao giá trị kinh tế rừng, những năm gần đây tỉnh Nghệ An đã dần tiếp cận với khái niệm “rừng có chứng chỉ”.

Nhờ sự vào cuộc sâu sát của cơ quan chuyên ngành, nhất là vai trò đầu tàu của lực lượng kiểm lâm, đến nay toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC nhờ sự liên kết bền chặt giữa các doanh nghiệp (Công ty Thanh Hòa, Công ty Biomass fuel Việt Nam, Công ty BVN Thanh Chương, Hợp tác xã An Việt Phát…) với người dân trồng rừng tại các huyện Quỳ Châu, Qùy Hợp, Anh Sơn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ.

Tham gia liên kết, người trồng rừng vốn dĩ không vất vả như trước nhưng nguồn thu từ rừng tăng lên thấy rõ. Thu nhập từ vốn rừng ngày một ổn định, bà con càng chuyên tâm với nghề. Về phần doanh nghiệp, chẳng phải canh cánh nỗi lo “bẻ kèo” giữa đường, thành thử họ sẵn sàng rót vốn để hoàn thành những mục tiêu dài hơi. Chung quy khi tất cả đều có lợi, ẳn hẳn hình thành mối quan hệ không thể bền chặt hơn.

Với vai trò đầu tàu của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng rừng ngày một bền chặt. Ảnh: Khôi An.

Với vai trò đầu tàu của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng rừng ngày một bền chặt. Ảnh: Khôi An.

Đâu chỉ có thế, hiện Nghệ An đã xây dựng được gần 10 ha mô hình rừng trồng với mục đích giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý vật liệu hữu cơ. Sau quá trình thác rừng trồng, tất cả vật liệu hữu cơ còn lại trên rừng, còn gọi là thực bì (bao gồm cành, nhánh, ngọn, vỏ và lá cây, chiếm từ 27 - 32% sinh khối của cây); cây bụi, thảm tươi, dây leo dưới tán rừng; vật rơi rụng (cành, nhánh chưa phân hủy hết) sẽ không bị đốt toàn diện như trước, thay vào đó sẽ được xử lý gom thành luống, hoặc rải đều trên toàn bộ tiện tích đất rừng, hoặc đốt có kiểm soát.

Theo các nghiên cứu trong nước và quốc tế, mỗi ha keo 6 năm tuổi sau khai thác sẽ thu được 32,4 tấn vật liệu hữu cơ, tương đương 55,8 tấn CO2/ha. Trong khi, nếu quản lý vật liệu hữu cơ bằng hình thức đốt truyền thống thì sẽ phát thải khoảng 55,8 tấn CO2/ha ra môi trường. Đưa ra để thấy, khi thay đổi tư duy và cách thức tiếp cận, giá trị về rừng sẽ được phát tiết.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.