| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trồng thủy sản Nghệ An giữa muôn trùng vây

Thứ Năm 07/12/2023 , 14:34 (GMT+7)

Tận dụng lợi thế sẵn có, Nghệ An đã tập trung phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên đi kèm với đó là hàng loạt vấn đề thách thức đặt ra.

Nhiều nút thắt của nghề nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An chưa được tháo gỡ. Ảnh: Việt Khánh. 

Nhiều nút thắt của nghề nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An chưa được tháo gỡ. Ảnh: Việt Khánh. 

Số liệu thống kê trong năm 2023 cho thấy, ngành thủy sản Nghệ An đạt được nhiều kết quả ấn tượng, một số chỉ tiêu trọng tâm đạt và vượt kế hoạch đề ra (sản lượng nuôi trồng ước đạt 70.255 tấn, bằng 105% so với năm 2022; diện tích nuôi trồng ước đạt 23.700ha, gần bằng 109% năm 2022…)

Ở chiều ngược lại, thực sự băn khoăn khi hiệu quả sản xuất trong nuôi trồng chưa cao, thiếu tính bền vững, đặc biệt là nuôi tôm thương phẩm. Mặt khác, đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu là các loài cá truyền thống, trong khi các đối tượng nuôi mới cho giá trị kinh tế cao chưa được nhân rộng, chủ yếu manh nha ở phạm vi nhỏ.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến “sức ỳ”, đó là giá vật tư đầu vào tăng cao, là môi trường nuôi ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan… tổng hòa kéo theo tâm lý ái ngại đầu tư của số đông. Lúc này đây, để gắng gượng bám trụ với nghề không phải chuyện giản đơn, nhất là nuôi tôm, vốn dĩ ngốn tiền trăm bạc tỷ.

Số đông người nuôi tôm đang trải qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Số đông người nuôi tôm đang trải qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Là chuyên gia sành sỏi, theo đuổi con tôm cả chục năm nay, anh Trần Văn Giáp, phụ trách kỹ thuật cho đầm tôm của ông Nguyễn Văn Hải (SN 1977) ở xóm Khánh Hậu, xã Hưng Hòa (thành phố Vinh, Nghệ An) nắm rõ như lòng bàn tay thực cảnh nghề nuôi.

Hướng ánh nhìn ra xa, trên mặt hiện rõ nét trầm tư, anh Giáp chia sẻ thật tâm: “Nguồn nước, con giống, môi trường nuôi, những yếu tố sống còn đều cho thấy rủi ro nhất định. Diễn biến dịch bệnh những năm qua khiến các hộ nuôi quay cuồng ứng phó, lắm lúc chẳng biết đường nào mà lần. Mỗi mùa mỗi loại, hết bệnh này đến bệnh khác, gan tụy chưa xong thì EHB, hồng thân đã ập tới, chung quy rất gian nan”.

Theo anh Giáp, khi con tôm bị gan tụy, đường ruột, dù thiệt hại kinh tế nhưng còn cứu vãn được phần nào, chứ một khi mắc phải EHB – vi bào tử trùng sống kí sinh thì cơ bản vô phương cứu chữa, đặc biệt nếu phát tán vào thời điểm con tôm mới thả, sức đề kháng yếu.

Anh Trần Văn Giáp thừa nhận nghề nuôi đang đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Trần Văn Giáp thừa nhận nghề nuôi đang đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch bệnh tràn lan tất sẽ kéo theo nguy cơ thua lỗ triền miên, muốn “lật ngược thế cờ” đòi hỏi phải tất tả huy động, đổ dồn kinh phí nhiều hơn trước, phải mua con giống với giá đắt đỏ hơn, phải thường xuyên thuê mướn nhân công cải tạo, theo dõi ao đầm, kết hợp lắng, lọc nước qua nhiều bước… mỗi thứ một chút, tốn kém vô cùng, dù vậy không ai dám chắc sẽ thắng lợi toàn phần.  

Lấy luôn đầm tôm của ông Nguyễn Văn Hải làm dẫn chứng, mỗi vụ gia đình thả tầm 20 vạn con giống, mỗi năm 3 - 4 vụ, năm nay thuận lợi lắm cũng chỉ thắng được… 2 vụ.

Từ câu chuyện dịch bệnh trên con tôm xin được đề cập đến một số thông tin liên quan. Trong năm 2023, cơ quan chuyên ngành của tỉnh Nghệ An đã thực hiện tổng cộng 10 đợt lấy mẫu quan trắc môi trường tại 9 vùng nuôi tôm, kết quả 7 mẫu dương tính mầm bệnh EHP, 1 mẫu chỉ tiêu độ mặn không đạt, bấy nhiêu thôi đã đủ khiến người nuôi lo ngay ngáy.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cần một muôi trường nuôi tốt. Ảnh: Việt Khánh.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cần một muôi trường nuôi tốt. Ảnh: Việt Khánh.

Xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức. Để hạn chế rủi ro và tiến tới phát triển bền vững cần bám sát quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, Chương trình phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 của Nghệ An định hướng từng bước mở rộng diện tích nuôi trồng tại những vùng nuôi đủ điều kiện, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Mặt khác, sẽ tập trung sản xuất, ương dưỡng giống tôm, nhuyễn thể, giống đặc sản và ứng dụng công nghệ để tạo ra con giống tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, có sức đề kháng cao.

Đáng chú ý, vùng ven biển (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò) được quy hoạch để tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi lồng trên biển, nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng nhằm đảm bảo cho công nghiệp chế biến.

Tầm nhìn dài hạn mà Nghệ An vạch ra là hướng đi thực sự cấp thiết. Tuy nhiên, lý thuyết và thực tiễn là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. Để tháo gỡ hàng loạt nút thắt tồn tại dai dẳng không đơn giản là chuyện có thể làm được chỉ trong một sớm, một chiều. Trong khi đó, hàng ngàn hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn vẫn đang loay hoay, chưa biết xoay xở ra sao.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.