| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát giết mổ động vật ở Gia Lai còn nhiều khó khăn

Thứ Hai 13/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

Phần lớn các cơ sở giết mổ động vật mang tính nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn.

Toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 4 cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Tuấn Anh.

Toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 4 cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Tuấn Anh.

Chủ yếu giết mổ nhỏ lẻ, không kiểm soát

Kiểm soát giết mổ động vật có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật. Từ đó, góp phần đảm bảo sức khỏe con người.

Tuy nhiên, kiểm soát giết mổ động vật ở Gia Lai đang gặp rất nhiều khó khăn do quy mô các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán, đa phần là tự phát tại nhà. Trong khi cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giết mổ không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 318 cơ sở giết mổ động vật. Trong đó, chỉ có 4 cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện Đức Cơ, Ia Grai, Chư Sê và Krông Pa.

Các cơ sở này đã được xây dựng từ 9-15 năm nên cũng đã xuống cấp và hiện chỉ hoạt động một phần công suất. Điều đáng nói, có 314 hộ giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác phân tán trong khu dân cư.

Theo tìm hiểu được biết, các cơ sở giết mổ lợn tập trung có công suất giết mổ trung bình từ 30-50 con/ngày, giết mổ nhỏ lẻ trung bình 2 con/ngày. Trong khi đó, giết mổ bò 1 - 2 con/ngày, giết mổ gia cầm trung bình 40 con/ngày.

Số động vật giết mổ có sự kiểm soát của cơ quan thú y trung bình trong 3 năm (2020, 2021, 2022) với khoảng 7.500 con bò/năm, 51.300 con lợn/năm, 150.000 con gia cầm/năm, chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng động vật giết mổ được thống kê tại các cơ sở, hộ giết mổ.

Điều này cho thấy hoạt động giết mổ ở Gia Lai không được kiểm soát chặt chẽ, chưa thống kê được toàn bộ số hộ có tham gia. Các cơ sở giết mổ mang tính thời vụ, giết mổ tại các nhà hàng, quán ăn chưa được quan tâm thống kê, quản lý.

Trong khi đó, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật có kiểm soát.

Nguyên nhân chủ yếu do việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đòi hỏi kinh phí lớn, thực hiện nhiều thủ tục như thu hồi, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng dự án...

Điều này khiến sản phẩm giết mổ tại các điểm giết mổ tập trung khó cạnh tranh, nhất là về giá.

Việc có nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khiến cho tình hình kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh.

Việc có nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khiến cho tình hình kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh.

Ghi nhận thực tế tại cơ sở giết mổ tập trung ở thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), trung bình mỗi ngày giết mổ khoảng 45-50 con lợn, số lượng còn quá thấp so với công suất hoạt động của cơ sở.

Ông Bùi Ngọc Quý, quản lý cơ sở giết mổ thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) cho biết, đối với các cơ sở giết mổ tập trung có ưu điểm dễ dàng quản lý về chất lượng thực phẩm, không ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, rất ít hộ dân đem vật nuôi đến các cơ sở tập trung để giết mổ.

Lý do, một phần do chi phí giết mổ, mặt khác người dân lo ngại đến vấn đề an toàn dịch bệnh. Bởi các cơ sở giết mổ tập trung luôn được kiểm soát dịch bệnh bởi các nhân viên kiểm dịch khi đưa động vật vào giết mổ.

“Chúng tôi cũng đã làm tờ trình báo cáo đến chính quyền địa phương để gom các đơn vị giết mổ nhỏ lẻ đưa về cơ sở giết mổ tập trung. Còn bản thân chúng tôi không thể đến từng nhà kêu gọi các hộ dân được, nên việc này vẫn đang gặp nhiều khó khăn”, ông Quý chia sẻ.

Tại cơ sở giết mổ tập trung thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), trung bình mỗi ngày giết mổ khoảng 30 con lợn và bò. Bà Nguyễn Thị Thúy, chủ cơ sở giết mổ tập trung thị trấn Phú Túc cho biết, đối với các sơ sở giết mổ tập trung luôn đảm bảo về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Trong khi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát, dẫn đến nhiều động vật có nguy cơ bị dịch bệnh được đưa ra thị trường. Chính vì vậy, cần phải hạn chế hoạt động của các cơ sở nhỏ lẻ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Sẽ xây dựng 26 cơ sở giết mổ tập trung

Ông Âu Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết, trên địa bàn hiện có 1 cơ sở giết mổ tập trung nhưng lại nằm ngay sát khu dân cư nên không đảm bảo theo tiêu chuẩn của Cục Thú y ban hành.

Chưa kể, cơ sở giết mổ tập trung nơi đây cũng có quy mô tương đối nhỏ, trung bình 1 ngày giết mổ khoảng 5 con bò, gần 20 con lợn và vào chục con gia cầm. Như vậy, chưa thể đáp ứng tình hình thực tế của địa phương.

Trong khi đó, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong các hộ gia đình còn rất lớn, gây khó khăn trong việc kiểm soát.

“Trước tình hình này, huyện cũng lên phương án đăng ký với tỉnh, trong năm sau sẽ xây dựng cơ sở giết mổ xa khu dân cư, đồng thời nâng công suất thiết kế. Trên cơ sở đó, huyện sẽ quy tập các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào một đầu mối nhằm dễ kiểm soát về an toàn dịch bệnh cũng như ô nhiễm môi trường”, ông Trung chia sẻ.

Với các cơ sở giết mổ tập trung, tình hình kiểm soát dịch bệnh sẽ luôn được kiểm soát bởi các nhân viên thú y. Ảnh: Tuấn Anh.

Với các cơ sở giết mổ tập trung, tình hình kiểm soát dịch bệnh sẽ luôn được kiểm soát bởi các nhân viên thú y. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, thói quen tiêu dùng của người dân thường dựa vào quen biết để mua bán chứ chưa coi trọng việc dùng thực phẩm qua cơ quan chức năng kiểm soát.

Trong khi, quy mô của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán, đa phần là tự phát tại nhà, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giết mổ không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân không muốn đem động vật đến cơ sở giết mổ tập trung mà chỉ muốn giết mổ tại nhà… Điều đó dẫn tới cơ quan chuyên môn rất khó kiểm soát được do không đủ lực lượng để đến từng hộ.

“Để góp phần đảm bảo cho an toàn thực phẩm và phần nào kiểm soát được động vật, thời gian qua các địa phương phải thực hiện kiểm tra thực phẩm tại các chợ. Tuy nhiên, đây mới chỉ giải quyết được phần ngọn nên rất khó đảm bảo về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh”, ông Dũng chia sẻ.

Nhằm giải quyết căn cơ vấn đề này, ông Dũng cho biết, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh về phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung đến năm 2030.

Trong đó, bố trí 26 vị trí xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, công nghiệp và giao nhiệm vụ cho các địa phương kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng. Khi đó cần triển khai các biện pháp quyết liệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại cơ sở tập trung.

“Ngay từ bây giờ, cần phải xây dựng các cơ chế chính sách nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Từ đó, dần xóa bỏ hình thức giết mổ thủ công, tự phát tại các hộ dân, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Dũng cho biết.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, hiện đơn vị đang tham mưu cho Sở NN-PTNT xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2023-2030. Trong đó, sẽ tập trung các giải pháp như tăng cường năng lực của cơ quan chuyên môn, triển khai các chương trình giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.