Hơn 3 năm qua, người chăn nuôi Hà Tĩnh chao đảo vì dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trâu, bò. Đây là 2 loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đại gia súc, tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn.
Trong thời gian từ tháng 9/2021 đến nay, do hết hiệu lực chính sách hỗ trợ cũ nên người chăn nuôi bị thiệt hại do 2 dịch bệnh trên giai đoạn này chưa được “trợ lực”. Từ mong mỏi của người chăn nuôi và đề xuất của ngành chức năng, Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh quyết định trích ngân sách hơn 46,82 tỷ đồng cấp cho các huyện, thành phố, thị xã để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò (tiêu huỷ từ ngày 27/9/2021) và dịch tả lợn Châu Phi tiêu huỷ từ năm 2021 đến nay.
Tổng đàn gia súc được hỗ trợ 18.254 con, trong đó 18.234 con lợn (trên địa bàn 13 huyện, thị, thành phố) và 20 con trâu, bò với 2.794kg (trên 4 địa bàn TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Lộc Hà, Vũ Quang).
Cẩm Xuyên là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch tả lợn Châu Phi, với hơn 6.500 con phải tiêu hủy, tổng số tiền theo định mức hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng. Theo ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, sau khi tỉnh phân bổ nguồn, Cẩm Xuyên nhanh chóng giao các xã, thị trấn soát xét, niêm yết công khai danh sách các hộ có lợn tiêu hủy được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại để nhân dân theo dõi, giám sát.
“Theo kế hoạch, đầu tháng 12 chúng tôi bắt đầu chi trả cho bà con, phấn đấu xong trước 31/12/2024. Việc ban hành chính sách hỗ trợ lần này đã thỏa mong mỏi 2 - 3 năm nay của người chăn nuôi, kịp thời động viên bà con vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Đồng thời, bổ sung thêm nguồn lực đầu tư, góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả; giúp hộ dân tái đàn kịp thời đáp ứng nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết”, ông Hà nhấn mạnh.
Đối với bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, toàn huyện có 465 con bị chết, tiêu hủy. Tuy nhiên, các hộ bị thiệt hại không đủ điều kiện hỗ trợ do tiêu hủy trước ngày 27/9/2021 theo quy định tại văn bản 3678/STC-NSHX ngày 21/8/2024, của Sở Tài chính Hà Tĩnh.
Tại huyện Đức Thọ, các quy trình phân bổ nguồn, niêm yết công khai danh sách số hộ bị thiệt hại do dịch bệnh tại xã, thôn cũng đã thực hiện cơ bản. Việc chi trả hơn 4,6 tỷ đồng cho gần 2.000 con bị dịch tả lợn Châu Phi phấn đấu xong trong năm 2024.
“Các xã có số tiền chi trả lớn như Lâm Trung Thủy, Tân Dân, An Dũng, Thanh Bình Thịnh… chúng tôi đang yêu cầu vào cuộc quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, phải giám sát chặt chẽ việc chi trả đảm bảo đúng đối tượng, mức hỗ trợ, kinh phí”, lãnh đạo huyện Đức Thọ nói.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về tính chính xác của đối tượng, hồ sơ hỗ trợ, khối lượng và nhu cầu kinh phí phê duyệt đề xuất hỗ trợ; quyết định cấp kinh phí cho UBND cấp xã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quy định.
Trong mọi trường hợp, Sở Tài chính, Sở NN-PTNT, Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật của các thông tin, số liệu, kinh phí thực hiện.