| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát ngay dư lượng Chlorate trong cá tra xuất khẩu

Thứ Sáu 08/11/2019 , 09:28 (GMT+7)

Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), vừa ban hành công văn 1988/QLCL-CL1 về việc cảnh báo của EU về Chlorate đối với lô hàng cá tra xuất khẩu.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo NAFIQAD ngày 17/10/2019, trên một số trang thông tin điện tử của Đức có đăng bài với tiêu đề “Thu hồi cá tại Edeka và Marktkauf do hàm lượng Chlorate cao có xuất xứ từ Việt Nam”, đồng thời kêu gọi việc kiểm soát dư lượng Chlorate trong thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm - Ủy ban Châu Âu cũng đã chính thức cảnh báo 2 lô hàng cá tra fillet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam liên quan dư lượng Chlorate.

Chlorate là muối của axit chloric, có nguồn gốc từ hóa chất khử trùng Chlorine được sử dụng phổ biến trong xử lý nước dùng trong chế biến thực phẩm và nước ăn uống.

Từ năm 2008, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành quy định số 2008/865/EC. Theo đó, các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa Chlorate bị đưa ra khỏi danh mục được phép sử dụng.

Hiện nay, EC không quy định mức dư lượng tối đa (MRL) cho Chlorate theo quy định (EC) số 396/2005. Tuy nhiên, mức MRL đối với các thuốc bảo vệ thực vật mà không quy định MRL được áp dụng ở mức mặc định: 0,01 mg/ kg.

Mặt khác, Cơ quan an toàn thực phẩm EU (EFSA) đã thực hiện và có báo cáo năm 2018 đánh giá rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng về tồn dư Chlorate trong thực phẩm kết luận: “Mức dư lượng Chlorate trong nước ăn uống và trong thực phẩm được phát hiện quá cao và có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ iodine đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.

Theo VASEP, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 189,3 triệu USD, tăng 7,3%, so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị xuất khẩu như trên, EU đang là thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ.

Ở EU, Đức là thị trường đơn lẻ lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam, với giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm là  22,9 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ 2018. Đây là thị trường đơn lẻ có mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra cao nhất trong 9 tháng đầu năm nay tại EU.

Chính vì vậy, những cảnh báo từ Đức và EU về dư lượng Chlorate trong một số lô hàng cá tra đã gây mối lo ngại không nhỏ cho ngành hàng cá tra Việt Nam.

Cho cá tra ăn ở Tiền Giang.

Một số chuyên gia thủy sản, cho biết, Chlorine sử dụng trong cả nuôi trồng và chế biến thủy sản nói chung, cá tra nói riêng.

Về nuôi trồng, theo PGS.TS Trương Quốc Phú (ĐH Cần Thơ), Chlorine được sử dụng để xử lý nước nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sú và cá tra thâm canh. Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, trong nhà máy chế biến cá tra, Chlorine được sử dụng để khử trùng dụng cụ chế biến, nhà xưởng …

Trước tình hình đó, nhằm kiểm soát dư lượng Chlorate trong sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU và tránh các trường hợp cảnh báo tương tự trong thời gian tới, giảm thiểu rủi ro hiệu ứng lan truyền giữa các nước thành viên EU, NAFIQAD yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU như sau:

Thực hiện nghiêm túc kiểm soát Chlorine dư không quá 1 mg/L; kiểm soát dư lượng Chlorate không quá 0,7 mg/L đối với nước chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU theo Hướng dẫn đối với chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới; thực hiện rà soát chương trình quản lý chất lượng, nhận diện mối nguy Chlorate để kiểm soát mối nguy trong sản phẩm xuất khẩu vào EU (SOP về kiểm soát ATTP nước chế biến; SSOP về vệ sinh khử trùng các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm; thực tế hoạt động kiểm soát dư lượng tồn dư của Chlorine, Chlorate trong nước, nước đá dùng chế biến, nước dùng mạ băng; nước dùng trong vệ sinh,…); chủ động có kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm thẩm tra dư lượng Chlorate đối với bán thành phẩm, thành phẩm.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, đến giờ, chưa rõ 2 lô hàng cá tra bị EU cảnh báo về dư lượng Chlorate, bị nhiễm Chlorate ở khâu nào. Tuy nhiên, trước hết, các nhà máy chế biến cá tra cần phải tăng cường kiểm soát, để việc sử dụng Chlorine trong khi khử trùng nhà xưởng, dụng cụ chế biến… không làm nhiễm Chlorate vào sản phẩm cá tra.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.