| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát nghiêm ngặt "bột thịt nạc" trong chăn nuôi - Bài học từ Trung Quốc

Thứ Hai 04/04/2011 , 10:12 (GMT+7)

Trong những năm gần đây tại Trung Quốc hàng loạt các vụ ngộ độc do ăn phải thịt lợn chứa tồn dư clenbuterol đã được ghi nhận và đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo (dẫn theo MoniQA Fact Sheet No 3 on Clenbuterol, tháng 3 năm 2009):

- Năm 1998 Trung Quốc có ít nhất 19 vụ ngộ độc thực phẩm gây ra bởi clenbuterol làm cho hơn 1.750 người bị ảnh hưởng, trong đó có một người chết.

- Năm 2006, 300 người ở Thượng Hải bị ngộ độc do ăn thịt lợn và lòng lợn chứa clenbuterol; tháng 5 năm 2006 hàng trăm công nhân của nhà một nhà máy thủy tinh ở tỉnh Quảng Đông bị ngộ độc clenbuterol; tháng 6 năm đó cũng lại xảy ra một vụ ngộ độc clenbuterol làm cho những nhân viên của một khách sạn ở Foshan phải nhập viện.

- Năm 2007, 13 người ở thành phố Thâm Quyến bị trúng độc do ăn thịt rắn chứa clenbuterol. Người ta cho rằng cóc nhái được nuôi bằng thức ăn bổ sung clenbuterol thì sẽ mau lớn và là nguồn thức ăn tốt của rắn.

- Tháng 11 năm 2008, 70 nhân viên của một nhà máy chất dẻo ở thành phố Jiaxing, tỉnh Zhejiang bị ngộ độc clenbuterol sau khi ăn thịt lợn ở căng tin của công ty.

Clenbuterol, một loại thuốc có tác dụng dãn phế nang, được dùng để chữa bênh hen suyễn cho người với liều cực thấp (liều 10-20 microgram chia 2 lần mỗi ngày). Trong thú y người ta cũng dùng clenbuterol để chữa bệnh hen suyễn ở ngựa (tên thương phẩm của thuốc là Ventipulmin, liều sử dụng là 0,8 microgram clenbuterol/kg thể trọng, chia 2 lần mỗi ngày và dùng trong 10 ngày).

Trong ngành thể thao người ta coi clenbuterol là một loại “dopping” vì một số vận động viên đã sử dụng nó một cách phi pháp để nâng cao thành tích thi đấu, thuốc cũng có tác dụng tăng khối cơ và giảm trọng. Nhà vô địch Tour de France Alberto Contador cũng đã bị cáo buộc là đã sử dụng loại “dopping” này do có dương tính với thuốc khi thử nước tiểu. Tuy nhiên Alberto khiếu nại rằng mình không cố tình sử dụng “dopping” mà chỉ là do ăn thịt bò chứa tồn dư clenbuterol.

Clenbuterol được người Trung Quốc gọi với cái tên đơn giản là “bột nạc”. Sở dĩ có cái tên như vậy vì khi trộn vào thức ăn cho lợn hay bò, “bột nạc” có tác dụng thúc đẩy quá trình dị hoá mỡ và tăng trưởng nạc. Với liều 25-50 mg/kg thể trọng, thân thịt bò hay lợn có thể tăng thêm 10-15% nạc và giảm 10-15% mỡ. Ngoài ra con vật còn mau lớn, da dẻ hồng hào, thịt xẻ tươi màu khá lâu, hấp dẫn cả người thu mua lợn lẫn người tiêu dùng.

Tuy nhiên lợn hay bò nuôi bằng thức ăn chứa “bột nạc” thì “bột nạc” có thể lưu lại trong thịt ngay cả khi thịt đã được chế biến (clenbuterol chỉ bị phân huỷ ở nhiệt độ trên 172oC). Tồn dư của “bột nạc” trong thịt làm cho người tiêu dùng bị trúng độc, các triệu chứng trúng độc càng nguy hiểm đối với người có bệnh tim mạch và tiểu đường.

Các triệu chứng trúng độc đã được tổng kết như sau: Tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực mạnh. Khó thở, lo lắng, căng thẳng. Run chân tay, đau đầu. Đau ngực, đau bụng, nôn mửa. Giảm đường huyết, giảm kali huyết, tăng lactate huyết.

Những vụ ngộ độc do ăn thịt lợn chứa “bột nạc” đã làm cho người ta nhận thức rằng vấn đề clenbuterol chính là mối nguy lớn nhất đối với an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Pan Chenjun, một chuyên gia cao cấp về kinh doanh thực phẩm nói với Rabobank (một ngân hàng đang nhắm vào việc kinh doanh thực phẩm ở Trung Quốc) rằng: "Đây thực sự là một vấn đề lớn ở Trung Quốc”, “tôi nghĩ rằng nhiều người sống ở các tỉnh thành có thể bị tiếp xúc với clenbuterol nếu họ ăn thức ăn đường phố”.

Để bảo vệ sức khoẻ nhân dân, chính quyền Trung Quốc đã có những quy định luật pháp rất chặt chẽ chống lại việc sử dụng “bột nạc” cũng như các chất cấm khác và đã có những trừng phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm (như vụ 15 người ở tỉnh Quảng Đông bị bắt do bán lợn nuôi bằng các chất cấm là clenbuterol và ractopamine vào đầu năm 2009 hay vụ sữa nhiễm melamine dẫn tới hai người bị tử hình, chủ tịch công ty sữa Sanlu bị cầm tù, 8 quan chức quản lý VSAT thực phẩm bị mất chức vào cuối năm 2008…).

Tuy nhiên, theo Wang Yunlong, người đứng đầu Uỷ ban Luật pháp về Các Vấn đề Nông nghiệp và Nông thôn thì: “những nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng “bột nạc” đã không hiệu quả ở nhiều vùng” và chính vì thế ông kêu gọi: “cần tập trung sự nỗ lực hơn nữa để kiểm soát vấn này” (dẫn theo bài viết của Alexa Olesen trên The Asian Reporter, V21; No. 3, February 7, 2011).

Ở nước ta việc sử dụng clenbuterol và các chất trong nhóm beta-agonist như sabutamol, ractopamine, cimaterol… đã bị cấm theo quyết định 54 của Bộ trưởng Bộ NN- PTNT ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2002. Cuối năm 2006, đầu năm 2007 nổi lên vụ bê bối về việc sử dụng “bột nạc” trong thức ăn chăn nuôi, một số công ty TACN đã bị xử phạt. Sự việc tuy đã “dịu” đi nhưng chưa hẳn đã chấm dứt.

Nhiều dư luận cho rằng các công ty TACN đã không sử dụng “bột nạc” trong các sản phẩm của mình, nhưng không ít người chăn nuôi đã trực tiếp đưa “bột nạc” vào máng ăn nhà mình. Người ta dễ dàng mua được “bột nạc” ngay ở các chợ nông thôn. Các thương lái đã khuyến khích người nuôi sử dụng loại “bột chết người” này bằng việc mua lợn được “nạc hoá phạm pháp” với giá cao hơn.

Các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm, cả ngành y tế, thú y và chăn nuôi cần tiếp tục giám sát và ngăn chặn sát sao việc sử dụng “bột nạc”. Các cơ quan thông tin đại chúng luôn luôn là công cụ hiệu quả trong việc giáo dục người chăn nuôi nâng cao hơn nữa ý thức bảo vê sức khoẻ cộng đồng cũng như trong việc cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm do sử dụng “bột nạc” và những chất cấm khác trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm