| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát sâu keo mùa thu bằng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp

Thứ Tư 27/07/2022 , 07:45 (GMT+7)

SƠN LA Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với sâu keo mùa thu là giải pháp hiệu quả cao và lâu dài, tiết kiệm chi phí phòng chống và bảo vệ được môi trường...

Ngày 26/7 tại Sơn La, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp cùng Văn phòng FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam đã khai giảng khóa đào tạo giảng viên về quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu trên cây ngô ở các tỉnh phía Bắc theo hướng an toàn, hiệu quả, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học.

Qua đó, phát triển các giải pháp quản lý dịch hại bền vững trên cây ngô nói chung và sâu keo mùa thu nói riêng; xem xét và lựa chọn các giải pháp kỹ thuật thích hợp để kiểm soát sâu keo mùa thu thông qua các mô hình thử nghiệm trên đồng ruộng tại địa phương.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại khai giảng khóa đào tạo. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại khai giảng khóa đào tạo. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Khai giảng khóa đào tạo có sự tham dự của ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV; ông Yubak Dhoj G.C, cán bộ nông nghiệp cấp cao FAO; ông Nguyễn Song Hà, trợ lý đại diện FAO tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, ngay khi phát hiện sự xâm nhập của loài sâu keo gây hại cây ngô tại các tỉnh miền Bắc, Cục BVTV đã kịp thời báo cáo Bộ NN-PTNT và đề xuất giải pháp phòng chống. Cục BVTV đã giao các trung tâm BVTV vùng thuộc Cục triển khai các điều tra, nghiên cứu về sâu keo mùa thu, từ đó đưa ra biện pháp phòng trừ phù hợp với điều kiện thực tế.

Cục BVTV đã tham mưu Bộ NN-PTNT chỉ đạo, ban hành quy trình phòng chống sâu keo mùa thu tại Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, với tốc độ xâm nhập nhanh của sâu keo mùa thu, cần phải triển khai các biện pháp theo hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) mới có thể phát huy hiệu quả cao, mang tính lâu dài, giảm chi phí phòng trừ và thân thiện với môi trường. Vì vậy, trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), Cục BVTV đã phối hợp với Văn phòng FAO Việt Nam tổ chức khóa đào tạo giảng viên (TOT) về quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô.

Ông Nguyễn Quý Dương (trái) kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô của nông dân tại huyện Mộc Châu. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Ông Nguyễn Quý Dương (trái) kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô của nông dân tại huyện Mộc Châu. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Sau lớp đào tạo giảng viên tại Sơn La, 6 tỉnh phía Bắc sẽ được lựa chọn triển khai mô hình phòng chống sâu keo mùa thu với các lớp học hiện trường kèm theo. Đây là các tỉnh có nhiều diện tích trồng ngô, có nhiều diện tích nhiễm sâu keo mùa thu. Từ các mô hình và lớp học hiện trường về phòng chống sâu keo mùa thu này, sẽ là hạt nhân giúp truyền thông, lan tỏa cho bà con nông dân ở các địa phương.

Cục BVTV cho biết, bên cạnh khóa đào tạo giảng viên tại Sơn La, thời gian tới, các lớp TOT dành cho các tỉnh phía Nam cũng sẽ được tổ chức tại Gia Lai.

Bên cạnh việc nắm vững đặc điểm sinh học, sinh thái, gây hại của sâu keo mùa thu với từng giai đoạn sinh trưởng của cây ngô, các học viên cần nắm vững việc xây dựng phương án phòng chống sâu keo mùa thu ở địa phương. Việc tổ chức các lớp học hiện trường ở địa phương cần phải triển khai sao cho nông dân dễ hiểu, dễ làm theo, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong khuôn khổ chương trình khai giảng khóa đào tạo giảng viên TOT về phòng chống sâu keo mùa thu tại Sơn La, lãnh đạo Cục BVTV và các chuyên gia cũng đã kiểm tra thực địa trên ruộng ngô thuộc địa bàn huyện Mộc Châu để xem xét thực tế tình hình gây hại của sâu keo mùa thu.

Theo nông dân tại Mộc Châu, hiện nay, sâu keo mùa thu vẫn còn phát sinh, gây hại trên một số diện tích ngô, trong khi đó việc phòng trừ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết diện tích ngô tại Mộc Châu là ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt, vì vậy khi sâu keo mùa thu phát sinh, nông dân không được sử dụng thuốc BVTV. Điều này đã tạo điều kiện cho loài sâu này có cơ hội phát triển, tàn phá ruộng ngô.

Hiện nay, sâu keo mùa thu vẫn gây hại ở Mộc Châu, Ảnh: Nguyễn Hùng.

Hiện nay, sâu keo mùa thu vẫn gây hại ở Mộc Châu, Ảnh: Nguyễn Hùng.

Kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại tại Mộc Châu, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết trong thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu, kịp thời đưa ra các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp nhằm khống chế các sâu bệnh hại nói chung, sâu keo mùa thu nói riêng trên cây ngô nhằm đảm bảo không có tồn dư hóa chất gây ảnh hưởng tới chăn nuôi.

Sâu keo mùa thu có nguồn gốc ở Trung Mỹ, lần đầu tiên phát hiện chúng di cư, gây hại ở Châu Phi và tháng 1/2016. Trong vòng 2 năm, từ 2016 - 2017, chúng đã nhanh chóng xâm nhập, lây lan ra khắp Châu Phi và gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là trên ngô.

Tại Châu Á, loài sâu này được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 5/2018 và tiếp tục xâm nhập, lây lan sang các nước khác như: Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc...

Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện và gây hại của sâu keo mùa thu vào đầu năm 2019 ở các tỉnh miền Bắc (Nghệ An), sau đó phát hiện ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Tính đến nay, gần như các tỉnh đều bị sâu keo mùa thu gây hại trên ngô. Ngoài gây hại trên ngô, sâu keo mùa thu còn gây hại trên một số cây trồng khác như lúa, cỏ chăn nuôi, hành, rau… nhưng chỉ ở diện hẹp.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 2] Lời khuyên của chuyên gia Nhật

HẢI PHÒNG Từ hồi có rừng ngập mặn chắn sóng, Đại Hợp không bị vỡ đê, bão lụt như trước, lại có thêm nguồn thủy sản vô tận cho hàng ngàn người dân vào rừng đánh bắt.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.