Ngày 27/11, tại TP. Cần Thơ, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tổ chức Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan: Giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long".
Sự kiện nhằm lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, trao đổi và đề xuất các giải pháp thực tế cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ĐBSCL - vựa lúa, trái cây và vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước. Với tỷ trọng 28% toàn ngành, thủy sản đang phục hồi sau giai đoạn khó khăn, duy trì tăng trưởng 3,5% trong năm 2024.
ĐBSCL tập trung phát triển các sản phẩm thủy sản chủ lực như cá tra, tôm... Ngành thủy sản cần tìm ra giải pháp thực tế để khắc phục ô nhiễm môi trường nuôi, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh.
“Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, khí hậu và thách thức trong quản lý nguồn nước. Diễn đàn là cơ hội để 2 bên trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các kế hoạch hợp tác cụ thể, đồng thời góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài của hai nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận về việc kiểm soát "tam giác gây bệnh" trong nuôi trồng thủy sản, bao gồm 3 yếu tố chính: vật chủ, mầm bệnh và môi trường, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại ngành thủy sản. Khi 3 yếu tố này kết hợp trong một môi trường thuận lợi, dịch bệnh sẽ bùng phát.
Tiến sĩ Đặng Thị Hoàng Oanh, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất cải thiện môi trường sống, duy trì mật độ thả nuôi hợp lý và nâng cao chất lượng thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho vật chủ.
Bà lưu ý những thay đổi nhỏ trong môi trường như độ pH hoặc nhiệt độ nước có thể gây stress cho vật chủ, làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến chúng dễ nhiễm bệnh.
“Đối với tôm, người nuôi cần chọn giống sạch bệnh, có sức đề kháng cao và từ các nhà cung cấp uy tín, đồng thời cần ươm giống trong ao từ 3-4 tuần trước khi thả nuôi để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đối với con cá tra, chủ ao cần cải tạo ao nước trước khi thả. Đồng thời tiêm vacxin phòng bệnh và áp dụng phương pháp chẩn đoán bệnh sớm”, bà Hoàng Oanh nói.
Trong khi đó, các chuyên gia đều cho rằng việc kiểm soát đồng thời cả 3 yếu tố trong "tam giác gây bệnh" là điều bất khả thi. Dù nông dân có thể trang bị thiết bị hiện đại để quản lý các chỉ số môi trường nhưng việc kiểm soát chất lượng con giống là không thể, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng bởi phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
“Cần tổ chức các khóa huấn luyện để nâng cao năng lực cho nông dân trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tăng cường liên kết từ cơ quan, nông dân với các trung tâm đào tạo, để nghiên cứu những đề tài sát với thực tế sản xuất. Xây dựng một hệ thống liên kết giữa người nuôi, nhà cung cấp giống tạo thành một vòng tuần hoàn trong kiểm soát các yếu tố gây bệnh”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản, Đại học Cần Thơ chia sẻ.
Tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm
Đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thông tin, Bộ đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới.
Trước hết, triển khai Luật Thủy sản và các quy định hiện hành để đảm bảo các cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạt động đúng pháp luật. Đồng thời hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027. Đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, đảm bảo phù hợp với biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo các vùng sinh thái, xây dựng các khu nuôi tập trung và nhân rộng các mô hình nuôi bền vững đảm bảo truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả.
Cục Thủy sản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, nhằm tận dụng hiệu quả phụ phẩm trong nuôi trồng và chế biến thủy sản. Tăng cường sự liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu để tối ưu hóa giá trị sản phẩm và đảm bảo ngành thủy sản phát triển bền vững.
Cục Thủy sản cho biết, mục tiêu đến năm 2030, giá trị nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL sẽ tăng trưởng 4% mỗi năm. Giá trị xuất khẩu dự kiến chiếm 80%, đạt hơn 9 tỷ USD. Diện tích nuôi trồng đạt 9,9 triệu hecta, với sản lượng trên 4,8 triệu tấn/năm.