| Hotline: 0983.970.780

Mật độ lồng nuôi thủy sản nhiều nơi quá sức chịu tải của môi trường

Thứ Tư 27/11/2024 , 18:05 (GMT+7)

Số lượng lồng bè nuôi thủy sản ở nhiều khu vực biển vùng Nam Trung bộ đã vượt quá khả năng chịu tải của môi trường.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở khu vực Nam Trung bộ phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: PC.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở khu vực Nam Trung bộ phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: PC.

Nghề nuôi trồng thủy sản đã gắn chặt với người dân các tỉnh Nam Trung bộ từ rất lâu đời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khu vực Nam Trung bộ phát triển mạnh các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, tôm nước lợ, cá biển, các loài nhuyễn thể…

Tuy nhiên, những năm qua, việc người dân nuôi tự phát một cách ồ ạt không tuân thủ quy hoạch và mật độ nuôi đã ảnh hưởng đến đối tượng nuôi, gây thiệt hại. Bên cạnh đó, thức ăn tươi sống cho các đối tượng nuôi dư thừa nếu không được thu gom đúng cách cũng gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Cùng với đó, rác thải nhựa do người dân thải ra nếu không thu gom sẽ ảnh hưởng tới môi trường, rác thải sinh hoạt từ các cửa sông, trên bờ thải xuống biển cũng gây ô nhiễm nguồn nước…

Điều này dẫn đến một số bệnh nguy hiểm xảy ra trên tôm hùm, cá biển gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong đó, ở tôm hùm thường xảy ra các bệnh như bệnh sữa, đỏ thân, đen mang; ở cá biển thường gặp các bệnh như xuất huyết, lở loét, mắt lồi do các tác nhân vi khuẩn gây ra.

Theo Thạc sỹ Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III - Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như nuôi tôm hùm lồng, cá biển… có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.   

Thời gian qua đã xảy ra một số vấn đề về môi trường, dịch bệnh. Do vậy, khi nuôi với mật độ quá dày kết hợp với các điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi sẽ dễ tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển vượt ngưỡng và gây bệnh ở các đối tượng nuôi.

Nuôi trồng thủy sản diễn ra một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát dẫn đến những hệ lụy về môi trường. Ảnh: PC.

Nuôi trồng thủy sản diễn ra một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát dẫn đến những hệ lụy về môi trường. Ảnh: PC.

Do vậy, khi các tác nhân này xuất hiện, người nuôi không có các giải pháp kiểm soát kịp thời sẽ gây ra sự hao hụt lớn số lượng tôm, cá ở lồng bè nuôi và có thể lây lan trên diện rộng.

Minh chứng rõ nhất tại Phú Yên, địa phương này đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát. Theo Sở NN–PTNT Phú Yên, tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 186.000 lồng nuôi thủy sản, gấp 3,8 lần so với quy hoạch theo Nghị quyết số 99 ngày 08/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và tăng 87% so với năm 2019. Trong đó, thị xã Sông Cầu có 134.612 lồng, gấp 4,4 lần so với quy hoạch và tăng 66% so với năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã xảy ra hai đợt tôm hùm, cá biển nuôi bị chết đột ngột do môi trường, thiệt hại 45,7 tỷ đồng. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân thủy sản nuôi bị chết là do mật độ lồng nuôi quá dày, nhiều bè nuôi nhuyễn thể để làm thức ăn cho tôm hùm gây cản trở nước lưu thông.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian xảy ra hiện tượng tôm, cá chết, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa dông vào chiều tối đã gây hiện tượng phân tầng nhiệt, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan, phát sinh khí độc… khiến thủy sản nuôi bị chết.

Tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát tại tỉnh Khánh Hòa cũng diễn ra phổ biến, đặc biệt ở vịnh Vân Phong - nơi số lượng lồng bè nuôi tôm hùm và cá biển đã vượt quá khả năng chịu tải của môi trường.

Tính đến tháng 6/2024, diện tích nuôi tôm hùm và cá biển tại vịnh Vân Phong vượt quy hoạch gấp đôi với hơn 12.000 lồng bè hoạt động. Mật độ lồng bè ngày càng gia tăng dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Điều này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người nuôi mà còn làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, gây khó khăn cho việc phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Do đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng.

Xem thêm
Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.