Sáng 17/4, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) TP. HCM tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024” với chủ đề “Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM, tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của người dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP).
Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm để giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Công tác kiểm tra ATTP sẽ được 10 đội quản lý ATTP trên địa bàn 21 quận/huyện và TP. Thủ Đức triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP. HCM.
"Trong tháng hành động, chúng tôi sẽ tập trung vào thanh kiểm tra đột xuất. Đặc biệt, sẽ chú ý nhiều ở trường học vì đây là thời điểm TP. HCM bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ tiềm ẩn trong các bếp ăn tập thể, căn tin trường học cũng như bên ngoài trường học rất cao. Nếu lơ là mất cảnh giác, nguy cơ mất ATTP có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt đối với học sinh", bà Lan nói.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long đánh giá, TP. HCM là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa lớn của nước ta, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chiếm tỉ lệ lớn trong cả nước. TP. HCM cũng là địa điểm được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế, thu hút lượng lớn khách du lịch. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm càng quan trọng hơn.
Để tháng hành động về an toàn thực phẩm đi vào thực tiễn và hiệu quả, lãnh đạo Cục ATTP đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành ATTP TP. HCM lưu ý về việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt hình thức kinh doanh online.
“Hình thức kinh doanh này ngày càng phổ biến, lượng hàng kinh doanh qua online, trong đó có thực phẩm, ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn và thực phẩm giả, thực phẩm nhái, thực phẩm kém chất lượng. Các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới”, ông Nguyễn Hùng Long nói.
Ông Long đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành ATTP TP. HCM kiểm soát tốt an toàn thực phẩm trong và xung quanh các trường học. Thậm chí nghi ngờ có thực phẩm chứa ma túy được bán xung quanh các trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm TP. HCM cần có những chỉ đạo sát sao về nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm vai trò của những người sản xuất kinh doanh thực phẩm và của cả người tiêu dùng, một đối tượng rất quan trọng bảo đảm thực phẩm an toàn đến với mọi người.
Nâng cao việc phối hợp liên ngành trong việc giám sát, phát hiện những hành vi trái pháp luật, những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm để xử lý kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm lưu ý.
Theo thống kê hiện mỗi ngày TP. HCM tiêu thụ hơn 4.200 tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1,5-2 triệu quả trứng. Tuy nhiên, hiện TP. HCM mới chỉ cung cấp được 10% thịt các loại và 5% trứng, còn lại được nhập từ các tỉnh thành.
"Khi có thông tin hay chứng kiến những hành vi mất an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, xin đừng ngại hãy báo về cho các cơ quan quản lý chức năng để chúng tôi xử lý, bởi để qua ngày hôm sau có thể không còn mẫu lưu để kiểm nghiệm", Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM khuyến nghị.