Chủ động điều tiết, xả lũ bảo đảm an toàn
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhiều trận mưa lớn kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất ở một số địa phương. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đập, hồ chứa của các công trình thủy lợi, thủy điện đang được các cấp ngành của tỉnh đặc biệt chú trọng, hạn chế thấp nhất những rủi ro thiên tai thiên tai gây ra.
Những ngày này, các cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần thủy điện Văn Chấn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đang tích cực theo dõi tình hình thời tiết, mực nước tại Ngòi Thia để đưa ra phương án vận hành, xả lũ bảo đảm an toàn cho hoạt động của nhà máy cũng như người dân vùng hạ du.
Ông Đào Bảo Tàng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Văn Chấn cho biết: Nhà máy thủy điện Văn Chấn có công suất 57MW nằm trên địa bàn 2 xã là Suối Quyền và An Lương; bình quân mỗi năm chịu ảnh hưởng của 3 - 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, lượng mưa nhiều tập trung từ tháng 7 đến hết tháng 9. Do vậy, để bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động cũng như vùng hạ du, công ty đã xây dựng kế hoạch, chủ động các phương án, vật tư phòng chống khi có thiên tai xảy ra. Phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện điều tiết, xả lũ bảo đảm an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn có 4 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động gồm: Thủy điện Ngòi Hút, Vực Tuần, Nậm Tộc 1 và Thủy điện Thác Cá 1. Các thủy điện này đều được xây dựng, hoạt động trên 3 hệ thống sông suối lớn gồm: Ngòi Thia, Ngòi Lao, Ngòi Hút với diện tích lưu vực hàng trăm km2.
Các sông suối này đều bắt nguồn từ núi cao, độ dốc lớn, do vậy để bảo đảm an toàn trong phòng chống thiên tai, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa và chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Ông Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Văn Chấn cho biết: Huyện đã yêu cầu các thủy điện cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng. Các đơn vị xây dựng các phương án phòng chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thực hiện tốt công tác vận hành an toàn đập, hồ chứa phù hợp với diễn biến mưa lũ với nguyên tắc không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Kịp thời khắc phục hư hỏng, khiếm khuyết
Thời gian qua, thời tiết cực đoan đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, mưa lớn kéo dài gây tình trạng lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực trên cả nước... Một số công trình thủy điện ở các địa phương đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải dừng hoạt động để khắc phục sự cố.
Trước tình trạng trên, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp với các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai những nội dung cấp thiết và phù hợp để tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Với 27 nhà máy thủy điện đã hoàn thành phát điện, trong năm 2022 cung cấp cho lưới điện Quốc gia hơn 2,2 tỷ kWh/năm, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững an ninh năng lượng cho Quốc gia. Tuy nhiên, với số lượng thủy điện nhiều, nằm trên các dòng sông, suối có độ dốc lớn nếu để xảy ra sơ xuất dẫn đến những thiệt hại không thể lường trước.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái cho biết: Trước mùa mưa bão, Sở đã ra văn bản chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp có công trình thủy điện nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và quy trình vận hành liên hồ chứa thuỷ điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước, các bờ vai đập,… các thiết bị cơ khí, thiết bị điện và thiết bị quan trắc chuyên dùng, khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Chấp hành nghiêm các quy định về quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn. Cơ quan quản lý nhà nước và chủ sở hữu các đập trong cùng bậc thang phải phối hợp để thực hiện tốt công tác vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện, phù hợp với diễn biến mưa lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo...) đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Đối với các công trình thủy điện đang thi công, tỉnh Yên Bái chỉ đạo rà soát, bổ sung và triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai trong quá trình thi công, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và công trình, thiết bị.
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 71 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp máy gần 1.200 MW, điện lượng trung bình năm khoảng hơn 3 tỷ kWh, trong đó có 27 dự án đã hoàn thành phát điện; 10 dự án đang triển khai thi công; 22 dự án đã được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch...