| Hotline: 0983.970.780

Kiện đến cùng DN chây ỳ tiền bảo hiểm

Thứ Sáu 21/09/2012 , 10:30 (GMT+7)

“BHXH Việt Nam sẽ kiện đến cùng các DN trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tước nhiều quyền lợi của người lao động mà đáng lẽ họ được hưởng”, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, BHXH VN khẳng định với NNVN.

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam

“Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) sẽ kiện đến cùng các DN trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tước nhiều quyền lợi của người lao động mà đáng lẽ họ được hưởng”, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, BHXH VN khẳng định với NNVN chiều ngày 20/9.

Ông Liệu cho hay, tính đến hết tháng 8/2012 các đơn vị nợ đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là gần 8.200 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH gần 6.000 tỷ, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 415 tỷ đồng; nợ BHYT là 1.730 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp “lì lợm”

Dường như tình trạng nợ BHXH, BHYT ngày càng gia tăng, thưa ông?

Bạn nói đúng, thậm chí có thể tóm gọn bằng chữ "ngày càng phức tạp". Đặc biệt có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Có trường hợp chủ DN trích trừ tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp. Hoặc khi cơ quan thanh tra, xử lý thì DN nộp một ít mang tính đối phó rồi hứa sẽ trả dần.

Có trường hợp thanh tra lao động ra quyết định xử phạt hành chính về nợ tiền đóng BHXH, BHYT nhưng DN không chấp hành nộp phạt. Thậm chí, có một số DN khi bị kiện ra tòa nhưng vẫn không chấp hành các phán quyết của tòa án… Dẫn đầu hiện nay là các tập đoàn lớn làm trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, may mặc.

Kiện DN nợ đóng BHXH ra tòa có gây khó khăn cho ngành bảo hiểm không?

Từ đầu năm đến nay, BHXH VN đã khởi kiện 408 đơn vị với tổng số tiền thu được qua thi hành án là 55 tỷ đồng (chưa kể các đơn vị hòa giải và đã nộp tiền nợ BHXH trong quá trình thụ án). Riêng quý II, chúng tôi đã khởi kiện được trên 200 DN. Tuy nhiên, việc xử kiện không hề đơn giản bởi bị đơn là các DN thường đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho hành vi trốn đóng bảo hiểm của mình. Thậm chí, đến ngày xử kiện, DN đó không đến tham dự nên tòa cũng phải hoãn xử.

Vướng nhất hiện nay là BHXH chỉ có chức năng kiểm tra nhưng lại không được quyền cưỡng chế, xử lý vi phạm, xử phạt các DN trốn đóng BHXH. Vì vậy, mặc dù phát hiện ra nhiều DN có sai phạm nhưng lại xử lý được rất ít, thậm chí phải “làm ngơ” mà nhìn. Thêm vào đó, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH bắt buộc hoặc cố tình đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng còn hạn chế nhiều nên các DN này thường tìm mọi cách né tránh.


Quyền lợi của nhiều công nhân ngành dệt may ảnh hưởng vì chủ trốn đóng BHXH

Với những DN cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH, chẳng nhẽ ngành bảo hiểm bó tay, thưa ông?

Có thể nói, việc trốn đóng, chậm đóng BHXH của các đơn vị, DN là sự vi phạm Bộ luật Lao động, Luật BHXH… làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động. Những DN đó cần hiểu rằng, trốn đóng BHXH có nghĩa là cạnh tranh không lành mạnh, DN làm ăn không đàng hoàng.

Để hạn chế tình trạng trên, BHXH VN đã yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương phải coi chuyện giám sát chế độ BHXH, BHYT cho người lao động là trách nhiệm chung của các ngành, đoàn thể chứ không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH. Cần hoàn thiện bổ sung hệ thống văn bản pháp lý phù hợp để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý thu BHXH, BHYT đầy đủ kịp thời.

Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, việc DN không đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Số liệu thống kê của BHXH TPHCM cho thấy, rất nhiều DN trên địa bàn nợ BHXH, BHYT, BHTN dây dưa với tổng số tiền là hơn 1.500 tỉ đồng, chưa kể nhiều DN trốn đóng hoặc chủ DN đóng cửa ngừng hoạt động mà không khai trình, khiến cả cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh, thuế, lao động... lẫn cơ quan BHXH đều bó tay.

Nhiều DN nợ BHXH kéo dài, khiến quyền lợi người lao động bị mất trắng như Cty TNHH Ilshin Womo (nợ hơn 4,3 tỉ đồng từ tháng 3/2009), Cty TNHH May mặc S.M (nợ hơn 1 tỉ đồng từ tháng 12/2008), Trung tâm Điện thoại di động CDMA (Cty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn) nợ hơn 12 tỉ đồng từ tháng 12/2010… Các DN nợ BHXH không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất, trợ cấp thất nghiệp... của người lao động mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi hưu trí sau này.

Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ nâng mức xử phạt hành chính để người sử dụng lao động có ý thức trách nhiệm hơn trong việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động (mức lãi chậm đóng BHXH hàng tháng phải cao hơn mức lãi tiền vay ngân hàng). Có như vậy người sử dụng mới không lạm dụng tiền đóng BHXH để sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, cần thực hiện các biện pháp mạnh như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động hoặc truy tố hình sự đối với DN cố tình chây ỳ. Nói thật, nhìn thấy nhiều bất cập lắm nhưng quyền hạn lớn nhất của chúng tôi chỉ là “nhắc nhở”.

Sẽ báo cáo Thủ tướng

BHXH sẽ làm gì đối với những DN cố tình sai phạm đó, nếu không có trong tay “cây gậy” để xử phạt?

Từ nay đến cuối năm, BHXH sẽ tích cực đôn đốc các tổ thu hồi nợ liên ngành như Lao động thương binh - xã hội, Thanh tra, Liên đoàn Lao động. Trực tiếp cử cán bộ xuống các địa phương hướng dẫn việc thu nợ. Với DN nhiều lao động, nợ từ 3 tháng trở lên sẽ kiên quyết khởi kiện ra tòa. Thậm chí sẽ đánh giá trực tiếp vào điểm thi đua của tỉnh mà có DN trốn nợ bảo hiểm đó. Song song, BHXH sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý và có cách hỗ trợ cho DN trả nợ nhanh.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, nếu công cụ giao cho ngành bảo hiểm như thế này thì tình trạng trốn nợ BHXH càng gia tăng. Các DN sẵn sàng chiếm dụng vốn của người lao động để sản xuất. Chúng tôi cũng kiến nghị nên dành ra 1 chương về quản lý thu nợ tiền BHXH giống như thu thuế hiện nay.

Trước đây chúng ta thường cảnh báo doanh nghiệp FDI trốn nợ đóng BHXH nhiều. Bây giờ thì sao, thưa ông?

Xu thế đã thay đổi, phần lớn DN FDI đã trả nợ gần hết. Nợ nhiều nhất hiện nay là nhóm DN nhà nước, DN ngoài quốc doanh. Ngoài ra, tỉnh nợ cao nhất vẫn là TPHCM: 1.700 tỷ đồng, Hà Nội: 992 tỷ đồng, Bình Dương: 430 tỷ đồng, Đồng Nai: 370 tỷ đồng, Quảng Ninh: 143 tỷ đồng... Nguyên nhân cũng xuất phát từ chính những văn bản quy định của pháp luật, chủ yếu chỉ bảo vệ quyền lợi cho ông chủ mà coi nhẹ quyền lợi của người lao động.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm