Đại đa số ý kiến bà con đều cho rằng nên dừng dự án.
Nguồn nước tại khu vực mỏ sắt lọc ra một lớp váng đóng cục ô nhiễm |
Trưa nắng bỏng rát mặt người ngày cuối tháng 7, PV trở lại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Thanh Long là thôn duy nhất của xã có 23 hộ dân có diện tích đất xâm cư xã Thạch Đỉnh, thuộc đối tượng di dời đến khu vực tái định cư (TĐC) mỏ sắt. Hiện các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, tuy nhiên vấn đề đặt ra là nhiều hộ đang sống dở chết dở theo kiểu “đi không nỡ, ở không xong” vì khu TĐC gần như đang nằm “trên giấy”, còn khu vực nhà ở cũ nằm ngay sát bãi thải, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, bão cát, sụt lún luôn rình rập.
Theo phản ánh của bà con trong thôn, nguồn nước sinh hoạt ở đây đã biến đổi hoàn toàn, khi múc nước lên ở cách xa hàng chục mét cũng nghe mùi tanh; bể nước để 3 ngày không chùi sẽ đóng váng màu vàng khè. Một số người đã phát hiện nhiễm kim loại nặng sau khi đi khám.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, lý do Bộ KH-ĐT đưa ra để kiến nghị Chính phủ xem xét dừng dự án này là vì năng lực tài chính của Cty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tới 2 lần điều chỉnh giảm. Cụ thể, tháng 12/2014, dự án điều chỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỷ, đến tháng 4/2016 giảm còn hơn 13.000 tỷ (trong đó giai đoạn 1 hơn 6.600 tỷ). Tháng 3/2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Cty sắt Thạch Khê tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn gần 12.200 tỷ đồng.
Dù điều chỉnh như vậy nhưng Bộ KH-ĐT cho rằng sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỷ), Cty vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài các lý do trên, Bộ cũng quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng...
Khu vực moong mỏ gây tụt nước ngầm, sa mạc hóa |