| Hotline: 0983.970.780

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Kiến tạo không gian phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện

Thứ Sáu 04/02/2022 , 17:13 (GMT+7)

Cà Mau Kiến tạo không gian phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ tập trung vào cơ cấu lại ngành mà còn phải quan tâm những lĩnh vực quan trọng, đa dạng.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Thưa ông, chúng ta có thể nghĩ đến việc “kiến tạo không gian phát triển kinh tế” thay vì truớc giờ chỉ hay nói tới liên kết vùng ĐBSCL theo mảnh ghép 13 tỉnh thành lại gân nhau và cứ lúng túng đi tìm nhạc trưởng. Ý kiến của ông về không gian phát triển kinh tế và liên kết vùng?

Trong những năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã nhận thấy được sự quan trọng trong việc thực hiện liên kết vùng, tiểu vùng. Việc này sẽ khắc phục được tình trạng hạn chế về không gian phát triển kinh tế nông nghiệp giữa các địa phương và sự rời rạc, cục bộ giữa 13 mảnh ghép địa giới hành chính của vùng.

Kiến tạo không gian phát triển kinh tế vùng ĐBSCL hay là sự chuyển tiếp sang hướng liên kết liên vùng, liên địa phương, phát triển một không gian kinh tế mở trong đó bỏ qua các giới hạn về không gian, địa lý hành chính nhằm tạo nên sự gắn kết chặt chẽ các tác nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Với không gian kinh tế rộng mở sẽ tạo được động lực, môi trường phát triển hài hòa, gắn kết, thống nhất. Đặc biệt, trên lĩnh vực nông nghiệp của vùng nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng trong thời gian qua trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 thật sự đã phát sinh nhiều vấn đề nội tại.

Theo tôi, để giải quyết bài toán trên cần phải mở rộng không gian phát triển kinh tế cho ngành nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL. Kiến tạo không gian phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ tập trung vào cơ cấu lại ngành mà còn phải quan tâm những lĩnh vực quan trọng, mặt hàng, sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế của địa phương, khu vực để biến đó thành những dư địa mới, cơ hội mới cho vùng. Từ đó, đóng góp giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế nông nghiệp. Cần tính đến các yếu tố lợi thế đặc thù, mở rộng không gian phát triển kinh tế theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá.

Các địa phương thống nhất tạo ra cơ chế trong lưu thông, hỗ trợ trao đổi tiêu thụ nông sản liên vùng, khắc phục tình trạng nơi thì tồn đọng nông sản nơi lại giá cả tăng cao đột biến do thiếu nguồn cung và hạn chế tình trạng được mùa mất giá do thiếu thông tin thị trường dẫn đến cung cầu khó gặp nhau, người dân và doanh nghiệp không thể tối đa hóa lợi nhuận. Sợi dây liên kết sẽ được nối dài hơn, xa hơn nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để đẩy nhanh quá trình liên kết vùng, đề xuất Chính phủ cần xây dựng các chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau. Trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông cho những vùng, địa phương có lợi thế, tiềm năng để tạo tiền đề cho các địa phương phối hợp trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tạo liên kết vùng, tránh đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả nguồn lực.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm Hội quán tôm rừng tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm Hội quán tôm rừng tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói nếu chúng ta chỉ thống kê trong từng tỉnh một, tỉnh tôi có mấy trăm ngàn hecta lúa, mấy chục nghìn hecta thuỷ sản, bao nhiêu hecta trồng cây ăn trái thì bản chất nó không phải là kinh tế. Bởi khi nào con cá đang nằm duới ao, trái còn treo trên cành cây thì nó mới chỉ là sản lượng. Chỉ khi nào con cá, hạt lúa, trái cây đến được với thị trường, đó mới là giá trị gia tăng. Muốn đến được thị trường thì phải thông qua hệ thống thương lái, doanh nghiệp, qua các xưởng, nhà máy sơ chế, tinh chế, chế biến. Như vậy nó mới là một không gian kinh tế, chứ không phải là mảnh ghép thuần tuý (nghĩa là thị trường là không gian mở không có giới hạn tỉnh hay vị trí địa lý cụ thế). Ông suy nghĩ về điều này như thế nào?

Thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản là một hệ thống từ người mua đến người bán, trong đó bao gồm nhiều khâu, nhiều mắt xích có liên quan. Riêng về thị trường đầu ra nông sản đã bao gồm các thành phần như nông dân, thương lái thu mua, doanh nghiệp sơ chế, chế biến, người tiêu dùng. Thị trường cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp bao gồm nhà máy doanh nghiệp sản xuất, chế biến các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc, phân bón, thức ăn, đại lí cung ứng, người dân sản xuất.

Vì vây, thị trường sản xuất và tiêu thụ nông sản bản thân đã là một bức tranh toàn diện phản ánh được không gian kinh tế rộng lớn, sống động đa chiều, đa sắc màu. Chúng ta không thể giới hạn sự phát triển của bất kì thành phần nào ở một khuôn khổ địa giới hành chính nhất định, bởi đó là đi ngược lại quy luật cạnh tranh của thị trường, tất yếu sẽ phá vỡ sự cân bằng, ảnh hưởng đến lợi ích của các tác nhân tham gia vào thị trường, gây tổn hại nền kinh tế.

Những năm qua, nông nghiệp nước ta thường chú trọng đến trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với đất đai, khí hậu để cho năng suất, sản lượng cao chứ chưa tính đến việc trồng cây gì, nuôi con gì để bán mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân. Đó là làm nông nghiệp nhưng chưa tính đến bài toán kinh tế cho nông nghiệp. Nói đến làm kinh tế là phải đem lại giá trị gia tăng hay lợi nhuận thì trong nông nghiệp cũng vậy.

Nếu con cá vẫn còn nằm dưới ao, trái vẫn trên cây thì chỉ đếm và tính được sản lượng, ngành nông nghiệp vẫn chưa đạt được mục tiêu xa hơn là đảm bảo kinh tế cho nông dân. Cần phải giải đến cùng bài toán tăng thêm giá trị và đem lại lợi nhuận thuần túy cho người sản xuất. Nếu chúng ta làm được điều này, nền nông nghiệp đảm bảo tính bền vững, khắc phục tình trạng mất mùa được giá, được mùa mất giá, tăng lợi nhuận kinh tế cho người nông dân.

Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định việc cần phải chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp mới mong tăng nhanh giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Định hướng ngành nông nghiệp Cà Mau trong thời gian tới sẽ từng bước cơ bản chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Những mô hình cũ sẽ được đầu tư phát triển hoàn thiện hơn, lan toả hơn và quan tâm kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số,…

Mô hình tôm lúa tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tôm lúa tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay dư địa phát triển của các chuỗi giá trị nông sản còn rất lớn. Hãy bắt đầu từ không gian nhỏ là khôi phục hoạt động từng nhà máy, rồi đến không gian lớn hơn là khôi phục chuỗi ngành hàng và một không gian lớn hơn nữa là phát triển toàn vùng. Thực tế ở địa phương theo ông lãnh đạo tỉnh, thành phố có thể sớm cùng nhau ngồi lại với doanh nghiệp đối thoại để kiến tạo không gian phát triển không? Có trở ngại gì không?

Cà Mau từ nhiều năm qua đã rất quan tâm đến việc xây dựng, củng cố và phát triển các chuỗi giá trị nông sản của tỉnh, đặc biệt là chuỗi giá trị tôm và chuỗi giá trị lúa. Đây là 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực trong việc hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho các tác nhân tham gia vào chuỗi.

Trong 3 năm qua, Cà Mau đã thực hiện thí điểm mô hình liên kết chuỗi giá trị tôm mang tầm liên tỉnh, liên vùng. Liên minh Tôm sạch và Bền vững ra đời như một tín hiệu đáng mừng khi đây là một tổ chức tập hợp các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất tôm với quy mô rộng lớn trong cả nước. Đây có thể xem là mô hình thí điểm về một chuỗi tôm lớn mạnh của cả nước, không giới hạn về không gian địa lý hành chính.

Hiện nay, tổ chức Liên minh Tôm sạch và Bền vững vẫn đang hoạt động với 73 thành viên. Đây là sự kì vọng lớn của tỉnh về một hướng đi đúng đắn, giúp phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng về chuỗi giá trị ngành hàng tôm chủ lực của tỉnh.

Trong năm qua, vùng ĐBSCL đối mặt với diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid -19, tỉnh vẫn thường xuyên họp mặt, đối thoại, trao đổi với cách doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản cũng như hướng dẫn xây dựng những phương án sản xuất thích ứng kịp thời với tình hình mới.

Cho nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua bị tác động bởi bệnh dịch không đáng kể, các chuỗi liên kết ngành hàng vẫn được duy trì về cơ bản đảm bảo nhu cầu hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tới cần phải tính đến việc củng cố các liên kết đảm bảo sự bền chặt nhất là ở mắt xích doanh nghiệp nhập khẩu nông sản và người tiêu dùng nhằm hạn chế thấp nhất sự tác động bởi các yếu tố khách quan, chủ quan làm đứt gãy chuỗi liên kết.

Ngành nông nghiệp Cà Mau trong giai đoạn tới hướng tới mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị mặt hàng trong cả chuỗi giá trị. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp Cà Mau trong giai đoạn tới hướng tới mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị mặt hàng trong cả chuỗi giá trị. Ảnh: Trọng Linh.

Bộ NN-PTNT đang xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Và, “tăng trưởng xanh”, “kinh tế xanh”, “tiêu dùng xanh”. Khi chúng ta vận hành theo nền kinh tế thị trường toàn cầu, thì chữ “xanh” đó phải chăng là sự điều chỉnh lại cho toàn bộ định hướng phát triển nông nghiệp, chứ không phải tăng trưởng dựa trên sản lượng. Chắc chắn Cà Mau sẽ đi trên con đường này?

Như đã trao đổi ở trên, chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp gia tăng lượng giá trị tăng thêm cho nền nông nghiệp khác hẳn với tăng trưởng về sản lượng, đảm bảo bài toán lợi nhuận cho người sản xuất lâu dài sẽ tạo nên sự tăng trưởng bền vững.

Những năm gần đây, GDP đóng góp cho ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành. Đây là định hướng phát triển nông nghiệp hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.  

Ngành nông nghiệp Cà Mau trong giai đoạn tới hướng tới mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị mặt hàng trong cả chuỗi giá trị. Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, kết hợp các yếu tố sinh thái đặc trưng và biến các giá trị này thành giá trị kinh tế trong nông nghiệp. Với mục tiêu trên tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và dựa trên những lợi thế so sánh của tỉnh để kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản của cả nước hướng đến xuất khẩu. Tiếp tục theo đuổi thực hiện các mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp xanh, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững

Để đảm bảo thực hiện đúng hướng và đạt hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh Cà Mau đề ra một số giải pháp, tập trung vào các nội dung: Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được ban hành; đồng thời rà soát, bổ sung một số quy định, cơ chế, chính sách.

Đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Phát triển các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Hoàn thành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương…

Sản phẩm OCOP được trưng bày tại UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Sản phẩm OCOP được trưng bày tại UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Bộ NN-PTNT đang đặt trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn. Bởi kinh tế nông thôn tạo nhiều công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở các vùng quê. Đó có thể là những chuỗi ngành hàng nho nhỏ ở nông thôn từ chế biến, sơ chế, hoặc tạo ra sản phẩm từ chương trình OCOP cấp xã, huyện, liên huyện... Những hệ thống như vậy sẽ kích hoạt được mô hình kinh tế nông thôn. Ông có thể cho biết những định hướng này của Cà Mau?

Trong những giai đoạn trước, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là xây dựng những cơ sở hạ tầng nông thôn, trong giai đoạn 2021- 2025, trọng điểm của Chương trình là phát triển kinh tế nông thôn. Kinh tế nông thôn mới có thể tạo ra được nhiều việc làm cho người nông dân. Kinh tế nông thôn không chỉ là làm nông mà còn phải hướng đến những hợp tác xã, những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều phân khúc cho sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, song song với việc định hình kinh tế nông thôn cũng cần tạo ra được không gian để kinh tế nông thôn phát triển. Không gian đó là những quỹ đất để phát triển hạ tầng, logictics trong lĩnh vực nông nghiệp, để đưa hợp tác xã phát triển thành những chuỗi ngành hàng, thông qua đó tạo ra nhiều việc làm, dịch vụ thương mại ở nông thôn. Thời gian tới, Cà Mau có những định hướng trong phát triển kinh tế nông thôn, tổ chức sản xuất có hiệu quả, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa.

Thứ nhất, thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết. Kích hoạt các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Sẽ có nhiều hơn các chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn.

Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, tiếp tục xây dựng hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, với mô hình liên kết theo hợp đồng.

Thứ hai, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ, phát triển thương mại điện tử, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng.

Nâng cao vai trò của các hợp tác xã trong việc cung cấp thông tin, liên kết trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng. Với những định hướng nêu trên, kinh tế nông thôn sẽ từng bước phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.