Khuyến nông cộng đồng là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp
Để làm rõ vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông nói chung và khuyến nông cộng đồng nói riêng trong triển khai, thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tại Trà Vinh, ngày 15/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” (sau đây gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa).
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh; các cục, vụ, viện, trường, trung tâm thuộc Bộ NN-PTNT và lãnh đạo sở NN-PTNT 12 tỉnh ĐBSCL; các đơn vị đối tác trong nước và quốc tế, đơn vị thành viên HTX tham gia Đề án 1 triệu ha lúa.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Hiện nay, hơn 20 tỉnh đã có khuyến nông cộng đồng và hoạt động rất hiệu quả, lực lượng khuyến nông cộng đồng rất sâu sát ở cơ sở. Khuyến nông cộng đồng sắp tới còn tham gia vào tư vấn xây dựng HTX nông nghiệp, thông tin thị trường và các nhiệm vụ địa phương giao. Đây là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp ở cơ sở.
Đối với Đề án 1 triệu ha lúa, nòng cốt tham gia là các hộ nông dân trong các HTX. Đề án nhằm nâng cao thu nhập bằng cách giảm chi phí đầu vào, gia tăng thu nhập, tăng giá trị của thương hiệu gạo giảm phát thải. Theo dự tính ban đầu, việc canh tác lúa giảm phát thải sẽ có khả năng giúp nông dân thu được khoảng 100 USD/ha. Ngay vụ hè thu trong tháng 5 tới sẽ triển khai thí điểm mô hình canh tác lúa giảm phát thải ở Trà Vinh và thực hiện liền 3 vụ để tính toán lượng giảm phát thải.
Việc triển khai canh tác lúa giảm phát thải cần phải được thực hiện tại các HTX để thuận lợi trong việc đo, tính toán lượng giảm phát thải, bởi việc đo, tính toán này không thể thực hiện ở các hộ sản xuất riêng lẻ mà phải thực hiện trên diện tích lớn.
Để triển khai Đề án, các doanh nghiệp tham gia Đề án sẽ được vay vốn của các tổ chức quốc tế. Doanh nghiệp tham gia Đề án cũng phải đạt các điều kiện, tiêu chí, trong đó cần phải ký hợp đồng hợp tác với khuyến nông và phải xây dựng chuỗi liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: Trà Vinh dù trước đây không tham gia Dự án VnSAT nhưng hiện nay đã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa. Hiện nay, Trà Vinh có 57 tổ khuyến nông cộng đồng, tỉnh cố gắng mỗi xã có 1 tổ khuyến nông cộng đồng. Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã phối hợp với các địa phương lựa chọn, vận động các thành viên tham gia các tổ khuyến nông cộng đồng, UBND các xã ra quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của tổ.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền: Từ năm 2016, hạn mặn xảy ra gây thiệt hại lớn nên Bình Điền đã triển khai chương trình “Canh tác lúa thông minh”. Theo đó, gần 500 mô hình canh tác lúa thông minh đã được thực hiện với sự phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sau đó có nhiều doanh nghiệp khác cũng cùng tham gia.
Cụ thể từ khi quy trình canh tác lúa thông minh được Cục Trồng trọt công nhận, đến nay đã có nhiều công ty cùng tham gia xây dựng mô hình như: Bình Điền, Công ty Bayer, Công ty Vinarice, Công ty Sài Gòn Kim Hồng. Các mô hình không chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý, khoa học, tiết kiệm, giúp giảm chi phí sản xuất mà còn trang bị các phương tiện cho nông dân để phục vụ giám sát, kiểm tra đồng ruộng...
Khuyến nông cộng đồng sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, Bộ NN-PTNT đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát và tính toán dựa trên các chỉ số quốc tế và đã xác định việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa có thể giảm được 12,5 triệu tấn CO2 phát thải ra môi trường.
Bằng cách áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, có thể giảm được 45% lượng khí thải, tương đương 5,4 triệu tấn CO2 và có khả năng thu về khoảng trên 100 triệu USD mỗi năm nhờ việc giảm phát thải trong canh tác lúa, số tiền này sẽ được tái đầu tư vào sản xuất.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các tỉnh rà soát và kiện toàn lực lượng khuyến nông, đảm bảo sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đặc biệt tại các địa bàn triển khai Đề án 1 triệu ha lúa vì không có lực lượng này sẽ rất khó khăn trong thực hiện đo lường chỉ số carbon.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN-PTNT cũng như đề nghị 12 tỉnh ĐBSCL (trừ Bến Tre) tham gia triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, cụ thể:
Ngày 10/4, sẽ tổ chức lớp tập huấn cho lực lượng khuyến nông chủ chốt tại 12 tỉnh thuộc ĐBSCL. Các địa phương xác định chính xác số liệu và địa điểm cụ thể các HTX triển khai Đề án. Củng cố, nâng cao năng năng lực các tổ khuyến nông cộng đồng. Xây dựng báo cáo hàng tháng về tiến độ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa và chọn 5 điểm làm mô hình chuẩn tại các tỉnh như TP Cần Thơ, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp để áp dụng quy trình canh tác bền vững.
Ngoài ra, cần sớm đưa ra tiêu chí để huy động sự tham gia của doanh nghiệp và HTX vào Đề án, làm việc với ngân hàng thương mại để thống nhất cơ chế hỗ trợ tín dụng; triển khai ứng dụng công nghệ số trong 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Đề án; rà soát kế hoạch huy động vốn từ các tổ chức quốc tế cũng như ngân sách nhà nước. Cuối cùng là cần sớm ban hành quy trình canh tác lúa bền vững và triển khai tới các tỉnh vào đầu tháng 4/2024.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ mục đích của Đề án, không chỉ về môi trường mà còn về tổ chức sản xuất và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo yêu cầu của Đề án, hệ thống khuyến nông sẽ thực hiện một số nội dung, giải pháp trọng tâm như: Truyền thông nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thật trong canh tác lúa giảm phát thải. Xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức của nông dân. Tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số.
Xây dựng hợp phần khuyến nông đào tạo, chuyển giao công nghệ cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng. Hình thành và phát triển lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ carbon.