| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải

Thứ Năm 14/03/2024 , 21:51 (GMT+7)

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo sát điểm triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại tỉnh Trà Vinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khảo sát tại HTX nông nghiệp Phát Tài. Ảnh: HT.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khảo sát tại HTX nông nghiệp Phát Tài. Ảnh: HT.

Chiều ngày 14/3, tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo sát điểm triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Tham gia phía tỉnh Trà Vinh có ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Các điểm khảo sát đủ điều kiện tham gia Đề án

Tại các điểm khảo sát, đoàn công tác tìm hiểu hoạt động HTX, từ nguyên tắc, cơ chế thành lập, thuận lợi, khó khăn, tổ chức sản xuất, thu mua và lợi ích mang lại cho xã viên cùng những đóng góp của lực lượng khuyến nông cộng đồng tại địa phương.

Ông Trần Văn Chung - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Phát Tài - huyện Châu Thành, cho biết, trước đây, bà con sản xuất đơn lẻ, gặp nhiều khó khăn. Khi HTX được thành lập, lợi ích nhận thấy rõ.

Bình quân, năng suất lúa năm 2023 của xã viên HTX Phát Tài đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Ảnh: HT.

Bình quân, năng suất lúa năm 2023 của xã viên HTX Phát Tài đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Ảnh: HT.

HTX Phát Tài được thành lập vào tháng 9/2017, đến nay đã tạo được chỗ dựa vững chắc cho các thành viên. Điều này được minh chứng rõ nét là HTX đang tiếp nhận nhiều đơn xin gia nhập của nông dân xã Thanh Mỹ và các xã phụ cận.

Trong năm 2023, HTX hoạt động thuận lợi, hiệu quả, là nơi hỗ trợ các hộ dân. Cụ thể, HTX đã hỗ trợ thành viên giảm chi phí đầu vào như lúa giống chất lượng và rẻ hơn thị trường từ 25 - 30%, đồng thời ký kết hợp đồng mua lúa thương phẩm với giá cao hơn 1.000 đồng/kg. Năng suất lúa bình quân năm 2023 của xã viên đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha.

Theo ông Chung, tham gia HTX, nông dân không còn mạnh ai nấy làm, được tập huấn kỹ thuật, làm đồng loạt theo một quy trình, có kiểm soát. Trong đó cán bộ khuyến nông là người trực tiếp hướng dẫn. Do vậy, lúa ở đây không những năng suất cao mà còn đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, được các đơn vị liên kết tin tưởng.

Ông Trần Văn Chung (ngoài cùng bên phải) giới thiệu máy sấy lúa 3 trong 1 do ông tự chế tạo. Ảnh: HT.

Ông Trần Văn Chung (ngoài cùng bên phải) giới thiệu máy sấy lúa 3 trong 1 do ông tự chế tạo. Ảnh: HT.

Tại HTX nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, đoàn công tác khảo sát mô hình cánh đồng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, cơ giới hóa và giảm phát thải.

Đại diện HTX chia sẻ nguyện vọng khi tham gia vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao được tập huấn kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm có đầu ra ổn định.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam ghi nhận những ý kiến, đánh giá cao vai trò HTX và đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để HTX ngày càng phát triển hơn; đề nghị lãnh đạo tỉnh chú ý phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng tại địa phương.

“Các điểm khảo sát tại Trà Vinh đều đủ điều kiện tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Tỉnh cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân về áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa giảm phát thải. Đồng thời, đào tạo và chuyển giao công nghệ, xây dựng lực lượng khuyến nông cộng đồng thành lực lượng nòng cốt trong phát triển sản xuất lúa phát thải thấp tại Trà Vinh”, Thứ trưởng nói.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ, Trà Vinh có những đặc thù riêng, khác biệt so với một số tỉnh khác do nằm ở cuối nguồn, điều này đòi hỏi sự sắp xếp sản xuất thời vụ một cách linh hoạt và phù hợp.

Trà Vinh có 3 khu vực khác nhau, chúng tôi đưa ra 3 lịch sản xuất tương thích để đảm bảo nước tưới, tránh được hạn mặn. Cùng với các công trình điều tiết mặn ngọt do Bộ NN-PTNT đầu tư, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng trạm bơm, đảm bảo đủ nước sản xuất dù trong thời điểm hạn mặn đang diễn ra gay gắt. Đồng thời vai trò của HTX và khuyến nông cộng đồng là rất quan trọng, đây là các lực lượng giúp nông dân hiểu rõ hơn và tham gia tích cực vào chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.

Nhiệm vụ lực lượng khuyến nông

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha.

Cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ và giảm phát thải tại HTX NN Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Ảnh: HT.

Cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ và giảm phát thải tại HTX NN Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Ảnh: HT.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030) xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới. Trong giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu là đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Đây là đề án rất lớn, với nhiều nội dung và hoạt động mang tính liên ngành, liên vùng. Vì vậy Chính phủ đã xác định, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN-PTNT với các Bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là sự chủ động vào cuộc của các tỉnh vùng ĐBSCL.

Các tỉnh ĐBSCL cần huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó nội lực là chiến lược quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Theo yêu cầu của Đề án, hệ thống Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt sẽ thực hiện một số nội dung, giải pháp trọng tâm như truyền thông nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa giảm phát thải. Xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, HTX, THT và các tổ chức của nông dân.

Tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và HTX biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 2 từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn (thứ 2 từ trái sang) khảo sát tại HTX Phước Hảo. Ảnh: HT.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 2 từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn (thứ 2 từ trái sang) khảo sát tại HTX Phước Hảo. Ảnh: HT.

Xây dựng hợp phần khuyến nông đào tạo, chuyển giao công nghệ cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng. Hình thành và phát triển lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ các bon.

"Để triển khai Đề án, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng được xác định đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Tại vùng ĐBSCL, trong 2 năm (2022 - 2023), 5 tỉnh tham gia Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An đã thành lập được 376 tổ khuyến nông cộng đồng.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.