Không để chậm nhịp đà tăng trưởng toàn ngành
Theo Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng hơn 3%. Về hoạt động xuất khẩu, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%.
Chia sẻ thông tin với báo chí sáng 4/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mặc dù cơn bão số 3 gây ra ít nhiều thiệt hại cho toàn ngành nông nghiệp nhưng quy mô ảnh hưởng chỉ ở phạm vi các tỉnh phía Bắc nên các vùng xuất khẩu trọng tâm tại khu vực miền Trung và miền Nam vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng.
Đối với công tác khắc phục thiệt hại, theo tình hình thực tế, Bộ NN-PTNT đã có các văn bản chỉ đạo về xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh và tổ chức các hội nghị về phục hồi sản xuất với từng lĩnh vực lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức về nguồn vốn phục hồi sản xuất.
“Bộ NN-PTNT đã chọn được các đối tượng giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có thể phát huy ngay giá trị. Những đối tượng này thị trường ổn định và thời vụ thích hợp để tập trung phát triển, khắc phục thiệt hại”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Khi các chỉ thị, giải pháp được thực hiện nghiêm túc, ngành nông nghiệp sẽ sớm khắc phục được thiệt hại, ổn định cuộc sống bà con. 3 tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi để toàn ngành tiếp tục duy trì đà tăng trưởng về sản xuất, xuất khẩu nông sản.
9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi của cả nước đạt hơn 6 triệu tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong 9 tháng qua, con số nhập khẩu thịt của nước ta cũng đạt hơn 1 tỷ USD.
Về nội dung này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường quốc tế để từ đó thúc đẩy sự phát triển, cập nhật những công nghệ mới.
“Với quy mô hơn 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Tuy nhiên, nếu không duy trì được đà tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp sẽ khó đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng”, Thứ trưởng lưu ý.
Do đó, trong thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã tập trung 3 giải pháp mũi nhọn để duy trì tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi. Đầu tiên, tập trung xuất khẩu sang các phân khúc thị trường chất lượng cao. Đặc biệt tới đây là sản phẩm thịt gà được xuất khẩu sang thị trường Halal đầy tiềm năng với sức tiêu thụ lớn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu gia cầm ở phía Bắc và buôn lậu lợn ở phía Nam để duy trì được quy mô và tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Cuối cùng, rà soát hoạt động nhập khẩu, thực hiện theo các tiêu chí gắn với Luật Thú y và các quy định của Tổ chức Thú y Thế giới. “Việc mở cửa nhập khẩu phải đảm bảo được kiểm soát chặt chẽ, không để ngành chăn nuôi trở thành ‘bãi rác thải’ của khu vực, của thế giới. Đó là nguyên tắc xuyên suốt đối với ngành chăn nuôi và tới đây chúng ta sẽ rà soát thêm trong lĩnh vực thủy sản”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tập trung và các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao
Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 3,7 - 4%, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9 triệu tấn. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn ngành vừa bị thiệt hại nghiêm trọng sau bão số 3 và mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu như trên đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Theo đó, để phục hồi nuôi trồng thủy sản sau bão lũ, Bộ NN-PTNT đã tổ chức các hội nghị để tìm ra các giải pháp khôi phục, tái thiết sản xuất; kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, chế phẩm xử lý môi trường…
Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị như Cục Thủy sản, Cục Thú y sớm có các văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn người dân tại các vùng nuôi thủy sản xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, cung ứng con giống như tôm thẻ, cá nước ngọt, rong biển giúp người nuôi yên tâm tái sản xuất.
Gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với ngành thủy sản để đảm bảo mục tiêu về đích từ nay đến cuối năm, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trước mắt, các địa phương cần nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau bão số 3 về nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Trong đó, cần tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và nuôi biển theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
“Tăng cường kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Các cơ quan chuyên môn và địa phương cũng cần theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình khai thác hải sản trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả”, Thứ trưởng nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện đó là tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá, đặc biệt các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.
Triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Trong đó, nhóm nông sản đạt 24,85 tỷ USD (tăng 27,7%); lâm sản 12,46 tỷ USD (tăng 20,3%); thủy sản 7,23 tỷ USD (tăng 9,5%); chăn nuôi 376 triệu USD (tăng 3,8%). Riêng đầu vào sản xuất 1,36 tỷ USD, giảm 7,6%.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: gỗ và sản phẩm gỗ 11,66 tỷ USD (tăng 21,3%); cà phê 4,37 tỷ USD (tăng 39,6% với lượng 1,12 triệu tấn, giảm 10,5%); gạo 4,37 tỷ USD (tăng 23,5% với lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%); hạt điều 3,17 tỷ USD (tăng 22,5% với lượng 546 nghìn tấn, tăng 20,8%); rau quả 5,87 tỷ USD (tăng 39,4%); tôm 2,79 tỷ USD (tăng 10,5%); cá tra 1,36 tỷ USD (tăng 7,8%); hạt tiêu 1 tỷ USD (tăng 46,9%).
Riêng với hoạt động xuất khẩu gạo, trước bối cảnh Ấn Độ vừa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Hiện nay, gạo Việt Nam đã có thị phần, giá trị, chất lượng tương đối ổn định. 9 tháng vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu 7 triệu tấn gạo với giá trị 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Hệ sinh thái trong chuỗi giá trị gắn với thị trường của ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn được vận hành tương đối chặt chẽ, bài bản nên việc biến động do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ không ảnh lớn tới ngành hàng này của nước ta”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.