Chiều 22/12, tại Đà Lạt, dưới sự chủ trì của hai ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp nhằm rút kinh nghiệm công các cứu nạn, cứu hộ tại công trình sập hầm thủy điện Đạ Dâng.
Đại diện Ban Chỉ huy cứu hộ cho biết: Công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo thuộc địa bàn xã Lát (huyện Lạc Dương) và xã Phi Tô (huyện Lâm Hà) có tổng công suất 22MW, sản lượng điện trung bình hằng năm gần 110 triệu kWh, có tổng vốn đầu tư 475 tỷ đồng, và hiện do Cty Long Hội làm chủ đầu tư.
Theo mô tả của Ban Chỉ huy cứu nạn, vị trí đoạn hầm bị sập cách cửa nhận nước khoảng 500m, đoạn bị sập dài khoảng 35m (tổng chiều dài đường hầm theo thiết kế hơn 710m, đã thi công đoạn từ cửa vào được hơn 600m và đồng thời cũng đã thi công từ phía hạ lưu lên được hơn 30m).
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo và huy động các lực lượng và phương tiện cần thiết để giải cứu công nhân đang bị mắc kẹt trong hầm; đồng thời, báo cáo và đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan khác có kinh nghiệm trong công tác cứu nạn của Trung ương hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh trong việc giải cứu 12 công nhân.
Trong các ngày từ 16 - 19/12, các lực lượng của tỉnh và của Trung ương đã khẩn trương làm việc xuyên ngày đêm - 24/24 giờ; cuối cùng, chiều ngày 19/12, lúc khoảng 16 giờ 30 phút, toàn bộ 12 công nhân mắc kẹt trong hầm 4 ngày 3 đêm đã được giải cứu an toàn (trước 2 ngày so với thời gian dự kiến).
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến: “Mặc dầu việc tổ chức cứu hộ cứu nạn 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm đã thành công, thành công ngoài mong đợi, nhưng phải thẳn thắn thừa nhận, do còn thiếu kinh nghiệm, nhất là thiếu phương tiện hiện đại, nên việc giải cứu vẫn còn lúng túng”. |
Tại cuộc họp, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm: “Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo quyết liệt, dứt khoát ngay từ đầu của lãnh đạo tỉnh với mục tiêu bằng mọi cách cứu người bị nạn trong thời gian sớm nhất theo nguyên tắc đảm bảo an toàn cho người bị nạn cũng như cho người cứu nạn.
Trong quá trình ứng cứu, các lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh đã thống nhất ý chí, phối hợp một cách nhịp nhàng, phân công rõ ràng thực hiện các biện pháp thi công một cách đảm bảo kỹ thuật và an toàn.
Các lực lượng cứu nạn đã đề xuất và được các cấp lãnh đạo quyết định phương án cứu nạn phù hợp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mặt bằng chật hẹp, địa chất phức tạp và tai nạn luôn rình rập; trong một hoàn cảnh đặc biệt là chạy đua với thời gian để giành sự sống và phương án phải khả thi và thực sự an toàn.
Thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ - “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ”; các đơn vị tham gia ứng cứu chuẩn bị chu đáo công tác đảm bảo hậu cần của đơn vị mình trong quá trình tham gia cứu nạn”.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các đầu mối tham gia ứng cứu tại cuộc họp rút kinh nghiệm này thì qua vụ việc trên, rõ ràng công tác tổ chức ứng cứu của tỉnh vẫn còn nhiều lúng túng do thiếu kinh nghiệm và thiếu phương tiện.
Để kịp thời động viên các tổ chức và cá nhân, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị khen thưởng 614 người của 32 đơn vị đã tham gia cứu nạn trong vụ giải cứu 12 công nhân mắc nạn nói trên.