Dẫn chúng tôi đi thăm khắp trang trại trồng nấm của gia đình, anh Tống cho biết cách đây hơn 10 năm, khu vực rộng 3.600m2 này còn là ao tù nước đọng, sâu tới 2 - 3m, liền kề với khu dân cư đông đúc, vừa nguy hiểm cho lũ trẻ trong làng mải chơi, hiếu động, vừa không thể khai thác được nguồn lợi gì từ nước ao bị ô nhiễm nặng.
Nhà nuôi trồng nấm sò |
Nhưng dưới con mắt của người làm kinh tế như anh Tống, phần diện tích ao tù ô nhiễm nói trên, nếu đầu tư san lấp làm trang trại, sẽ tạo ra rất nhiều của cải vật chất cho gia đình và xã hội. Ý tưởng của anh Tống đã nhanh chóng được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ. Trang trại trồng nấm ăn, nấm dược liệu của anh Tống đã hình thành và ra đời từ đó.
Tuy nhiên sau khi xây dựng xong hạ tầng cơ sở, bắt tay vào sản xuất, anh Tống đã mắc sai lầm, thay lò áp suất thanh trùng nguyên liệu bằng nồi hấp cách thuỷ để tiết kiệm chi phí đầu tư, đã làm cho các bịch nguyên liệu sau hấp không thanh trùng được triệt để. Do vậy sau cấy giống có nhiều bịch sợi nấm không hình thành, một số bịch thì sợi nấm phát triển lưa thưa, không phát triển thành quả thể... Kết quả, trong vụ sản xuất đầu tiên đó, gia đình anh đã bị thất thu ngót 100 triệu đồng.
Là người lính xông pha trên khắp các chiến trường phía Nam và phía Bắc, thất bại trong vụ trồng nấm đầu tiên, cũng không làm anh Tống nao núng buông nghề.
Sau khi rà soát lại toàn bộ quá trình nuôi trồng nấm, vẫn không tìm ra nguyên nhân nấm chết, nấm không mọc, anh Tống đã quyết định tìm đến Viện Di truyền Nông nghiệp, xin học nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu 3 tháng, vì trước đó anh chỉ học “lỏm” nghề qua các trại nấm thân quen.
Các bịch nguyên liệu đã thanh trùng chờ cấy giống |
Nhờ vậy, dần dần anh Tống đã ngộ ra, trồng nấm là một ngành sản xuất công nghệ cao, yêu cầu phải đầu tư thiết bị máy móc đồng bộ, mọi thao tác kỹ thuật phải thuần thục, chính xác, môi trường, vật dụng, người lao động phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, phòng cấy giống phải tuyệt đối vô trùng, nguyên liệu trồng nấm cần xử lý tiệt trùng đúng kỹ thuật, nước tưới cũng phải qua bể lọc, để không còn dư lượng các kim loại nặng và vi sinh vật có hại...
Mang những kiến thức đã học trở về, áp dụng ngay vào sản xuất ở trang trại của gia đình, anh Tống đã liên tục gặt hái được thành công trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Hiện tại, sản phẩm của gia đình anh đã có được chỗ đững vững chắc trên thị trường. Trung bình mỗi năm sản xuất được hơn 10 tấn nấm sò tươi, 3 tạ nấm linh chi và 5 - 6 tạ mộc nhĩ khô, doanh thu hơn 500 triệu đồng, lợi nhuận trên 200 triệu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 - 6 lao động nông nhãn tại chỗ, với mức thu lao 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, tuỳ theo tay nghề. Các loại nấm ăn của gia đình anh đã có thể đáp ứng cho người tiêu dùng trong suốt năm.
Từ kinh nghiệm trồng nấm ăn, nấm dược liệu của mình, anh Tống khuyến cáo: Để tránh thua lỗ khi mới lập trang trại trồng nấm, các nhà nông cần học nghề bài bản từ các cơ sở dạy nghề trồng nấm có uy tín trong nước. Không nên làm ngang, làm tắt, tiết giảm chi phí vật tư máy móc thiết bị. Nên trồng đúng thời vụ (tuỳ loại) để dễ đạt năng suất cao. Chọn mua giống ở các cơ sở chuyên nghiệp, uy tín cao.
Nhà nuôi trồng nấm |
"Nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu là một loại hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, rất cần được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển của nhà nước như: Hỗ trợ rủi ro khi bị thiên tai mưa bão. Tiếp cận với các dự án sản xuất rau quả an toàn. Miễn giảm giá thuê đất trong 3 năm đầu cải tạo lại mặt bằng sản xuất. Ưu đãi vốn vay từ ngân hàng...", anh Ngô Văn Tống kiến nghị.
Năm 2016 trại nấm của gia đình anh Tống bị mưa bão gây tốc mái hư hỏng nặng, nhưng không được địa phương đưa vào diện hỗ trợ khôi phục sản xuất như các cây trồng nhãn, chuối, cam, bưởi... trên địa bàn.
"Trước khi bắt tay vào sản xuất lớn, nhà nông nên mua bịch nguyên liệu đã cấy giống, về chăm sóc nuôi trồng và thu hoạch, nhằm tích luỹ kinh nghiệm rồi mới nâng dần quy mô sản xuất. Để có sản phẩm nấm ăn cung ứng ra thị trường trong suốt năm, trại nấm phải có nhà nuôi trồng hậu bị, để sau khai thác hết công suất bịch nguyên liệu, đã có nhà nuôi trồng lứa kế tiếp, tránh mất thời gian nghỉ chờ làm vệ sinh nhà trồng nấm liền kề lứa trước (khoảng 2 tháng), anh Tống chia sẻ. |