Làng quê nghèo trở thành nơi đáng sống
"Ngôi làng bích họa đặc biệt" là nơi sinh sống của đồng bào Dao Thanh Y ở xã Hải Sơn, TP Móng Cái. Những ngôi nhà bình yên bên được khoác lên mình những bức tranh nhiều màu sắc, mô tả kể về cuộc sống thay đổi từng ngày, ấm no, hạnh phúc hơn nơi đây.
Xã Hải Sơn thay đổi nhờ Chương trình xây dựng NTM |
Em Đặng Thị Bích, học sinh trường Trung học cơ sở xã Hải Sơn chia sẻ: Những bức tranh ở đây do ý tưởng của Đoàn thanh niên TP Móng Cái đến trường tuyên truyền sau đó chúng em cùng các anh chị và chính quyền cùng nhau vẽ lên những bức tranh này, những bức tranh đơn giản nhưng chứa đựng nhiều điều kì diệu. Từ ý tưởng đơn giản ban đầu, những bức họa đầy màu sắc đã tạo nên diện mạo mới cho cuộc sống sinh hoạt của chúng em, đồng thời cũng góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan.
Được biết Xóm Họ Đặng, thôn Pò Hèn được xã Hải Sơn lựa chọn xây dựng điểm về thôn NTM kiểu mẫu, với chủ trương là đưa xã trở thành điểm du lịch cộng đồng. Xã đã tập trung chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, nếp sinh hoạt; đầu tư hơn 700 triệu đồng để di dời chuồng trâu, bò ra xa nhà, làm nhà vệ sinh, trồng hoa toàn bộ thôn, xóm; vận động, hỗ trợ người dân vẽ tranh tường, làm du lịch...
Từ một khu dân cư hẻo lánh, đến nay, xóm Họ Đặng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong tuyến du lịch trải nghiệm của thành phố. 9 tháng năm 2019, xã đón gần 7.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tăng 300% so cùng kỳ năm trước. Cùng với Pò Hèn, thôn Lục Chắn được xã lựa chọn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu nâng cao, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, ông Mễ Quang Vinh cho biết: Là địa phương có xuất phát điểm rất thấp khi xây dựng NTM, trong đó nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đi từ con số không. Xã đã phát huy vai trò nòng cốt của đảng viên, huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của mặt trận, các đoàn thể tham gia vận động nhân dân, xây dựng từng mô hình điểm để nhân rộng. Nhờ đó chương trình được triển khai sâu rộng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nhận thức được vai trò của mình, người dân hào hứng tham gia xây dựng NTM, hiến đất, cây cối để mở đường, tham gia các mô hình kinh tế. Hải Sơn đạt chuẩn NTM năm 2018, trước 1 năm so với lộ trình của tỉnh và thành phố đề ra.
Từ một xã đặc biệt khó khăn (31,2% hộ nghèo, 28% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/năm 2011), đến nay Hải Sơn đã vươn mình mạnh mẽ, thoát nghèo: 3/3 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,62% (3 hộ), cận nghèo còn 2,5% (9 hộ), thu nhập bình quân đạt 36,7 triệu đồng/người/năm.
Xã nghèo vùng biên vươn lên đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh
Được biết, TP Móng Cái tổ chức thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu trước 1 năm so với kế hoạch chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh. Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2016, địa phương vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng địa bàn, việc chuyển bản chất của Chương trình xây dựng NTM từ “lượng” sang “chất”, phát huy tối đa hiệu quả, tức là đi sâu thực hiện tiêu chí về phát triển sản xuất, xây dựng vùng nông thôn sáng - xanh - sạch đẹp và tập trung xây dựng những tuyến đường đạt chuẩn, vườn đạt chuẩn, hộ NTM kiểu mẫu.
Với chủ trương đúng đắn của Trung ương đến địa phương khi về phê duyệt đề án xây dựng NTM, chính quyền TP đã xác định chương trình xây dựng NTM là chương trình quan trọng nhất nhằm phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng nông thôn. Đặc biệt đối với các xã miền núi Hải Sơn, xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, TP ngay lập tức thực hiện phong trào “Tất cả vì vùng biên, đồng bào dân tộc thiểu số để bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc”.
Làng bích họa tại xã Sơn Hải |
Theo ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP Móng Cái: “Ngay sau khi chương trình NTM được phê duyệt, cùng với nhận thức đúng đắn trong việc hệ thống hóa công việc cụ thể. Chúng tôi đã bàn bạc và quyết định đưa các đồng chí trong BTV Thành ủy, Thường trực UBND TP và một số đồng chí trong BCH đảng bộ TP tiếp phụ trách các xã khó khăn, chỉ đạo Đảng ủy các xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn và ban ban hành quyết định thành lập ban quản lý, ban phát triển các thôn”.
Việc đưa các cán bộ chủ chốt về xã vùng biên góp phần thúc đẩy nội lực, phát huy vai trò làm chủ của cán bộ trong công tác dân vận, cùng bà con nhân dân xây dựng trong sạch, vững mạnh các tiêu chí trong xây dựng NTM, đồng thời đưa ra kế hoạch, yêu cầu nêu rõ mục tiêu cần đạt các chỉ tiêu, tiêu chí theo lộ trình cụ thể.
“Vì đối tượng là bà con dân tộc thiểu số, nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, các cán bộ phụ trách phải tìm tòi, lắng nghe để tìm ra phương pháp tuyên truyền hiệu quả bằng nhiều hình thức đơn giản, dễ hiểu, mưa dầm thấm lâu. Cách thức triển khai phải hiệu quả, không ngại cầm tay chỉ việc, cán bộ và gia đình cán bộ xã, thôn bản gương mẫu làm trước để làm gương cho nhân dân theo, giao trách nhiệm phát triển tiêu chí theo cấp từ xã đến thôn”, ông Kinh chia sẻ thêm.
Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM các xã biên giới, TP Móng Cái đã thực hiện thành công cuộc cách mạng về việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là tiền đề bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và biên giới của Tổ quốc.