| Hotline: 0983.970.780

Móng Cái nhìn thẳng thực trạng để xây dựng NTM nâng cao

Thứ Năm 26/12/2019 , 09:22 (GMT+7)

TP Móng Cái (Quảng Ninh) đang từng bước thực hiện có hiệu quả các giải pháp và cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần phát huy lợi thế trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Dựa vào tiềm năng sẵn có, Móng Cái đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Với gần 6.000ha đất ven biển, 29.000ha đất rừng và trên 4.000ha đất nông nghiệp, Móng Cái hoàn toàn đủ tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) lợ mặn ven biển, chăn nuôi đại gia súc ở vùng núi và phát triển nông nghiệp công nghệ cao và gắn với du lịch sinh thái tại vùng trung du.

Để các ngành sản xuất phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế trên, địa phương đã xác định thực hiện nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện đầu tư vào sản xuất và bước đầu xây dựng mối liên kết trong sản xuất nhằm hình thành chuỗi giá trị góp phần phát triển sản xuất bền vững.

Định hướng quan trọng phát triển thủy sản trong xây dựng NTM

Móng Cái tiếp tục được Quảng Ninh xác định là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm lớn của tỉnh. Thành phố đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Móng Cái phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản trong xây dựng NTM

Công tác bảo vệ, nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản phát triển ổn định, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật (nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và nuôi kết hợp) vào sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chất lượng nguồn nhân lực thủy sản ngày càng được nâng lên. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, đời sống ngư dân tiếp tục được cải thiện, nhiều tổ chức, cá nhân giàu lên từ nghề thủy sản.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Móng Cái: Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố tăng từ 1.656ha năm 2013 lên 1.972,9ha năm 2017 (tăng 316,9ha so năm 2013). Tổng sản lượng thủy sản từ 9.754,9 tấn năm 2013 lên 19. 565 tấn năm 2018 (tăng 9.810,1 tấn so năm 2013); trong đó: khai thác đạt 8 630.5 tấn, nuôi trồng đạt 10.935 tấn; giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2018 (tính theo giá thực tế) đạt khoảng 705,6 tỷ đồng, tăng 74,6% so năm 2013.

Riêng về NTTS tập trung, năm 2018 diện tích đạt 1.790ha, với 1.142 hộ nuôi trồng, trong đó có 109 hộ nuôi thâm canh chiếm 9,5%; 922 hộ nuôi bán thâm canh chiếm 80,7%, các hình thức nuôi khác là 111 hộ chiếm 9,7%; năng suất bình quân 4,5 tấn/ha/năm, cá biệt có hộ nuôi tôm theo hình thức thâm canh năng suất đạt 15 - 20 tấn tôm/ha/vụ


Đáng chú ý trong năm 2018, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phấn đấu đến năm 2020 diện tích NTTS trên địa bàn thành phố đạt 2.278,7ha (bao gồm: nuôi nước lợ, mặn là 1.877,7ha; nhuyễn thể là 260ha, bãi triều 141ha) với 28 vùng nuôi (trong đó 23 vùng nuôi tôm, 01 vùng nuôi nhuyễn thể và 04 vùng nuôi lồng bè) với tổng giá trị ngành thủy sản phấn đấu đạt 1.200 tỷ đồng. Hiện thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa giống mới... để thực hiện có hiệu quả quy hoạch trên. 

Ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Địa phương luôn xác định đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Đặc biệt trong Giai đoạn 2011-2018 số lượng HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại trên địa bàn thành phố tăng khá, 100% các xã đều các HTX, trang trại hoạt động hiệu quả. Sự phát triển các tổ chức kinh tế trên địa bàn thành phố đã giúp cho kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Mô hình vườn mẫu ở TP Móng Cái

Đến nay trên địa bàn thành phố có 27 tổ hợp tác (gồm tổ hợp tác chăn nuôi lợn Móng Cái, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản...) với 160 thành viên. Tài sản bình quân của tổ hợp tác lên tới 150 triệu đồng, doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 550 triệu đồng/tổ/năm, trong đó lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/tổ/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động tổ hợp tác đạt ngưỡng 40 triệu đồng/người/năm.

“Kết quả khuyến khích đầu tư tư nhân, FDI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm, song việc thu hút được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của thành phố bước đầu hoạt động có hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đến nay, có 9/9 xã (đạt 100%) số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới”, ông Kinh cho biết thêm.

Thẳng thắn nhìn nhận đưa ra phương án thay đổi

Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, TP Móng Cái vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong kết cấu hạ tầng, một số đường giao thông còn xuống cấp, chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung đầu tư chưa tương xứng nhu cầu để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn còn thấp so với trung tâm thành phố. Công tác vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn đã được quan tâm thực hiện có chuyển biến tích cực nhưng có nơi chưa thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Danh Đức, Trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái: Xuất phát điểm khi bắt đầu thực hiện chương trình NTM của các xã trên địa bàn thành phố còn thấp (bình quân các tiêu chí đạt theo quy định chỉ là 6,4  tiêu chí) nhu cầu đầu tư cho các xã lớn, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện chương trình còn hạn hẹp. Do vậy việc huy động nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, kết quả huy động nguồn lực từ người dân và các tổ chức trên địa bàn chưa như mong muốn.

Địa hình 5 xã (Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung) khá xa với trung tâm thành phố, địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích rộng, mật độ phân bố dân cư không tập trung, khoảng cách giữa các khu dân cư lớn nên việc lập quy hoạch chi tiết và thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện,  nước...) đòi hỏi quy mô đầu tư và nguồn kinh phí lớn.

Gian hàng OCOP tại chợ cửa khẩu Ka Long

Đặc thù khu vực nông thôn của thành phố nằm trong vùng kinh tế của khẩu đặc thù, đa dạng ngành nghề, thu nhập từ nông nghiệp thấp, không bền vững nên người dân chưa thực sự tâm huyết với sản xuất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất đảm bảo an ninh lương thực; việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn thụ động, lúng túng; tập quán canh tác, cách thức sản xuất của số nông dân còn nhỏ lẻ, phân tán, ông Đức chia sẻ thêm.

Những thực tế trong công tác xây dựng NTM ở Móng Cái đưa là những nhìn nhận thẳng thắn, cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của các tổ chức chính trị. Đặc biệt, trong bối cảnh địa phương đã về đích hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, việc có những đánh giá chi tiết, khách quan sẽ là tiền đề để thành phố giữ vững tiêu chí phấn đấu đến giai đoạn tiếp theo triển khai xây dựng NTM đạt chuẩn NTM nâng cao.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.