| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế hợp tác: Mô hình thúc đẩy nông nghiệp ở Trung Quốc

Thứ Hai 15/03/2021 , 11:39 (GMT+7)

Nông nghiệp ở Trung Quốc giờ đây nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều khu vực khác nhau, từ công nghệ, đến du lịch hay thương mại điện tử.

Nông dân thử máy trên một cánh đồng ở huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hồi năm 2018. Ảnh: Reuters.

Nông dân thử máy trên một cánh đồng ở huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hồi năm 2018. Ảnh: Reuters.

Từ Âu sang Mỹ, cả Trung Đông, Trung Quốc hay Australia đều có những cách thức phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả chung cho cả cộng đồng. Trong những số báo này, NNVN giới thiệu đến bạn đọc một số mô hình nổi bật.

Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nỗ lực đưa gần 100 triệu người dân thoát khỏi đói nghèo. Đây là một kết quả đáng chú ý nhờ sự hỗ trợ chính sách từ chính phủ cũng như những đổi mới, cải cách trong cách làm kinh tế, theo Global Times.

Từ du lịch theo định hướng đặc trưng vùng miền đến thương mại điện tử hay những sáng tạo trong khâu cho vay, nhiều chiến lược kinh tế và thành tựu công nghệ đã góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu khó khăn.

Tại khu tự trị Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, các quan chức địa phương được cho là đã giúp người dân thoát khỏi đói nghèo nhờ dựa vào nguồn tài nguyên du lịch phong phú, ngành nông nghiệp và chăn nuôi đặc trưng của khu vực.

Sataer Maimaiti, 70 tuổi, sống ở làng Aksu, Tân Cương, đã cùng vợ điều hành một khu nghỉ dưỡng “nông nghiệp kết hợp du lịch” từ năm 2012. Ban đầu, họ không nhìn thấy bất kỳ tiềm năng nào, song hiện tại khu nghỉ dưỡng này là nơi cung cấp công ăn việc làm cho rất nhiều hộ gia đình nghèo khó ở địa phương.

“Với sự quảng bá của chính quyền thị trấn và ủy ban nông thôn, số lượng du khách đến với trang trại của chúng tôi đã tăng hơn 100% trong mùa du lịch cao điểm hồi tháng 9/2020”, Maimaiti nói và thêm rằng gần như ngày nào ông cũng nhận được yêu cầu đặt phòng.

Tại khu nghỉ dưỡng của gia đình ông, du khách có thể tự hái rau củ, trái cây rồi thưởng thức những món ăn tự làm đậm chất dân dã.

Dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, Maimati thuê nhân công từ các hộ gia đình còn nghèo khó trong vùng. Khu nghỉ dưỡng nhỏ của ông mang đến việc làm lâu dài cho 11 người, trong đó có 4 người thuộc hộ nghèo.

Việc điện thoại di động trở nên phổ biến ở Trung Quốc và sự phủ sóng của các mạng lưới thông tin liên lạc đã tạo ra cơ hội giúp những vùng nông thôn nghèo khó của nước này được thế giới bên ngoài biết tới.

Mạng cáp quang và 4G đã chạm đến hơn 98% số làng mạc trên khắp Trung Quốc và mạng 5G đang được giới thiệu rộng rãi hơn tới các khu vực nông thôn, khiến hoạt động “giảm nghèo qua livestream” nở rộ, Hong Tao, giám đốc Viện Kinh doanh Kinh tế thuộc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Bắc Kinh, cho hay.

Với tốc độ đô thị hóa trên 50%, một số lượng lớn thanh niên Trung Quốc đã trở về quê hương lập nghiệp, biến nông thôn trở thành động lực của nền kinh tế trong tương lai, giới chuyên gia nhận định.

Là một nền tảng chia sẻ video ngắn, Kuaishou đóng góp vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo toàn quốc thông qua các dịch vụ phát trực tiếp. Họ đã khởi động hàng loạt dự án ươm mầm doanh nhân nông thôn nhằm khuyến khích người tham gia học cách thành lập và điều hành doanh nghiệp, cũng như cung cấp lưu lượng dữ liệu cùng tài nguyên thương hiệu để thúc đẩy họ phát triển công nghiệp nông thôn và tăng việc làm tại địa phương.

Dữ liệu từ Kuaishou hồi năm ngoái cho thấy họ đã hỗ trợ hơn 100 doanh nhân khởi nghiệp từ nông thôn cùng 57 doanh nghiệp và hợp tác xã nông thôn, cung cấp khoảng 1.200 việc làm, giúp hơn 10.000 hộ gia đình tăng thu nhập.

Wang Jiao và Gao Yulou là cặp đôi trẻ đã hướng dẫn những người dân làng khác cách kiếm tiền trên Kuaishou. Họ từ thành phố trở về quê nhà ở huyện Hoa Bình, tỉnh Vân Nam, kiếm sống bằng việc bán xoài qua livestream trên Kuaishou, đồng thời chia sẻ về những sản vật địa phương khác.

Cặp đôi này đã giúp doanh thu hàng năm của 80 hộ nuôi ong ở địa phương tăng khoảng 40.000 nhân dân tệ (hơn 6.200 USD) bằng cách bán mật ong qua livestream. Họ cũng giúp 70 hộ nông dân trồng xoài tăng thêm thu nhập.

Hai người đang tìm cách thành lập hợp tác xã xây dựng thương hiệu nông sản nhằm mở rộng trồng và thu hoạch xoài cùng các đặc sản địa phương khác.

Là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm số hóa các khu vực nông thôn, 1.400 huyện đã tham gia vào dự án quốc gia đưa thương mại điện tử tới vùng quê từ năm 2014 đến 2020, với mục tiêu giải phóng tiềm năng tiêu dùng nông thôn và đẩy mạnh bán hàng qua phát trực tiếp, theo Hong.

Ông cho biết việc phát trực tiếp còn cho phép người dân ở những khu vực hẻo lánh có thể tiếp cận giáo dục bậc cao thông qua các khóa học trực tuyến với giáo viên hướng dẫn là những giảng viên thuộc các trường đại học ở những thành phố lớn.

Tại một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, Xu Wenyong đã thành lập được một hợp tác xã chuyên canh trên núi ở độ cao 1.600 mét nhờ chính sách cho vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại nhằm giúp đỡ những vùng khó khăn.

Tháng 11/2017, hợp tác xã của Xu nhận được khoản vay 3,4 triệu nhân dân tệ với mức lãi suất 4,7% từ Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Mức lãi suất này thấp hơn khoảng 3 điểm phần trăm so với lãi suất chung cho các khoản vay tới những công đồng nông thôn.

Với số tiền, Xu mua 100 con gia súc và giúp 34 gia đình, trong đó có 17 hộ đặc biệt khó khăn, thoát nghèo.

“Ba lao động lâu năm tại hợp tác xã của chúng tôi có thu nhập tăng khoảng 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ so với số tiền họ kiếm được trước khi vào đây làm, trong khi nhiều lao động thời vụ khác cũng được tăng thu nhập”, Xu nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.