| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn: Hành trình đi cùng đất nước

Thứ Ba 09/04/2024 , 07:00 (GMT+7)

Dù cái tên Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn mới ra đời những năm 2000, nhưng lịch sử của ngành thì đã có từ những ngày lập nước.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn là đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, có quá trình phát triển lâu dài, gắn liền với các thời kỳ phát triển của Bộ NN-PTNT.

Trong suốt chặng đường phát triển, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều dấu ấn, thành tựu rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và của ngành.

"Trong 20 năm qua, Cục đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hay các cơ chế, chính sách, đào tạo nghề...", Cục trưởng Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Người đứng đầu Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng khẳng định thêm: "Tiếp nối truyền thống gần 80 năm và phát huy những thành tựu của thế hệ đi trước, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động sẽ tiếp tục đồng lòng vượt qua khó khăn để đạt thêm nhiều thành tựu, đóng góp vào quá trình phát triển của ngành nông nghiệp".

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Song hành cùng đất nước

Lịch sử hình thành và phát triển của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn gắn liền với lịch sử phát triển của Bộ NN-PTNT. Ngay từ thời kỳ kháng chiến kiến quốc (1945 - 1954) đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1975), nhiệm vụ chính sách NN-PTNT được Đảng và Nhà nước rất coi trọng.

Khi đó nhiệm vụ này được giao cho các đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành như: Bộ Canh nông, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông Trường, Bộ Thủy Lợi, Ban Định canh định cư Trung ương, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương...

Đây là giai đoạn đẩy mạnh sản xuất, những bước đi đầu tiên về chính sách nông nghiệp trong bối cảnh đất nước mới giành được chính quyền, đang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) đến thời kỳ đổi mới (1986 - 1995), nhiệm vụ về chính sách NN-PTNT ngày càng được quan tâm hơn, hình thành các tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Đây là lúc xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể là nòng cốt sau khi đất nước hoàn toàn độc lập.

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế tập thể, hợp tác xã là một mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng.

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế tập thể, hợp tác xã là một mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng.

Sau đó, Chính phủ đã có định hướng thu gọn các Bộ quản lý ngành hiện có theo hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau.

Điều này nhằm giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ, ngành để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi và Phát triển nông thôn.

Khi đó, Bộ NN-PTNT có 2 đơn vị làm nhiệm vụ về chính sách NN-PTNT là Vụ Chính sách và Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới.

Từ năm 2003, theo yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước, Bộ NN-PTNT thành lập Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới với Vụ Chính sách NN-PTNT.

Đến năm 2008, Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn đổi tên thành Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ngày nay, đồng thời sáp nhập Vụ Kinh tế tập thể thuộc Bộ Thủy sản.

Nhiều thành tích nổi bật

Sau hàng chục năm hình thành và phát triển, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và các tập thể, cá nhân thuộc Cục qua các thời kỳ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Có thể kể đến như Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng các thời kỳ và nhiều phần thưởng cao quý khác của các Bộ, ngành, địa phương...

Đây là kết quả thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, quy hoạch và bố trí dân cư, giảm nghèo, đào tạo nghề, ngành nghề nông thôn, cơ điện, nghề muối và các nhiệm vụ khác về phát triển nông thôn của Cục.

Đến hết năm 2023, cả nước có 100 Liên hiệp HTX và 20.789 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và gần 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Đặc biệt có trên 4.339 HTX tham gia đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên và 2.169 HTX là chủ thể OCOP.

Các HTX hiện nay không chỉ phát triển về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, hiệu quả.

Các HTX hiện nay không chỉ phát triển về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, hiệu quả.

Không chỉ tăng nhanh về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng đã được cải thiện. Năm 2023, doanh thu bình quân mỗi HTX đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, đạt bình quân 400 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 52 triệu đồng/người/năm.

Về công tác quy hoạch, bố trí dân cư, sau 10 năm (2013 - 2023) thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo QĐ 1776, cả nước bố trí, sắp xếp định được gần 120.000 hộ, góp phần ổn định, nâng cao đời sống, sản xuất cho người dân.

Trong khi đó, nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn được giao cho Cục nhằm tập trung cho hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho hộ nghèo và thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội. Tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam tính theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới năm 2002 đang ở mức là 28,9%, đến năm 2020 đã giảm xuống còn 2,7%.

Được giao nhiệm vụ đào tạo nghề từ năm 2014, đến nay, cả nước đã đào tạo được 2,84/3,0 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp (đạt 94,67% kế hoạch đề ra); số lao động có việc làm sau khi được đào tạo được khoảng 2,79 triệu người (đạt 98,24% so với tổng số lao động được đào tạo).

Về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, hiện cả nước có 216 nghề truyền thống, 2.039 làng nghề và làng nghề truyền thống (tăng 526 làng so với năm 2013). Với khoảng 880.000 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nghề thu hút gần 3,7 triệu lao động với doanh thu khoảng 210.000 tỷ đồng mỗi năm.

Xác định tầm quan trọng của việc áp dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp, kể từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc thiết bị. Đến nay nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, một số khâu đạt 100% như sản xuất lúa ở ĐBSCL, ĐBSH.

Riêng nghề muối, tháng 8/2020, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu đưa ngành muối phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân làm muối.

5 phương châm cho thời gian tới

1. Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực theo hướng hỗ trợ thúc đẩy thay vì nặng về kiểm tra, kiểm soát.

2. Coi trọng thực tiễn và thường xuyên liên hệ với người dân, các địa phương trong thực hiện công tác tham mưu về chuyên môn, chính sách.

3. Tăng cường hợp tác về chuyên môn trong đơn vị để hỗ trợ nhau trong công tác và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành liên quan trong và ngoài ngành Nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn các cấp ở địa phương.

4. Ngoài nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là phát triển Kinh tế tập thể, HTX, cần coi trọng việc phát triển các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị giá trị nông sản, các cộng đồng nông thôn.

5. Tăng cường đoàn kết, mọi công việc quản lý cần thực hiện minh bạch, dân chủ, thực hiện đúng quy định pháp luật nhà nước và quy chế của đơn vị. Mỗi cán bộ đều không ngừng trau dồi kiến thức, thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất của mình.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.