| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Thứ Năm 27/06/2024 , 08:52 (GMT+7)

Nửa đầu năm 2024, kinh tế Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng, GRDP tăng 9,02%, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giữ vững đà tăng trưởng

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh 6 tháng ước tăng 9,02%. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,68%, đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 23,05%, cao hơn 10,3% so với cùng kỳ.

Thu hút FDI đạt gần 1,6 tỷ USD, bằng 141% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 51,6% kế hoạch năm 2024 (thu hút 3 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.035 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Hạ tầng đô thị Quảng Ninh ngày càng hiện đại, văn minh.

Hạ tầng đô thị Quảng Ninh ngày càng hiện đại, văn minh.

Quảng Ninh tiếp tục là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% so với cùng kỳ.

Để tạo lập nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nổi bật là quá trình chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh"; chuyển từ mô hình tăng trưởng thâm dụng tài nguyên sang thâm dụng vốn và công nghệ; từ việc khai thác nguồn lực đất đai sang khai thác những nguồn lực có tính chất bền vững và dựa trên đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đang tích cực xây dựng, hoàn thiện đề án "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030" dựa trên những tiềm năng, lợi thế đã được nhận diện, với 6 hệ giá trị cốt lõi đã được chỉ ra "Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc".

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh tập trung thúc đẩy sự phát triển 9 lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, bao gồm: Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chuyển đổi năng lượng (liên quan đến việc chuyển dịch của lĩnh vực công nghiệp sản xuất điện); phát triển và chuyển đổi ngành công nghiệp khai khoáng; phát triển ngành dịch vụ du lịch; phát triển ngành dịch vụ thương mại; phát triển ngành dịch vụ logistics; phát triển ngành dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển kinh tế biển.

Tiếp tục triển khai các dự án, công trình trọng điểm, trọng tâm là các dự án: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều; Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+050, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng);… hoàn thành, đưa vào khai thác cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; hoàn thành và triển khai Đề án nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cao nhất là đảm bảo lợi ích của nhân dân

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh đã tăng 10% cùng kỳ. Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã về đích sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025.

Thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo năm 2023 ước đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước. Tạo việc làm tăng thêm cho trên 17,4 nghìn lượt lao động, đạt 58% kế hoạch.

Bà con dân tộc huyện Ba Chẽ trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy tại địa phương.

Bà con dân tộc huyện Ba Chẽ trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy tại địa phương.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh toàn diện, liên tục trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Tại hội nghị lần thứ 51, nghe và cho ý kiến tình hình công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tổ chức, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết các trục nhiệm vụ trong quá trình thực hiện. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường là trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện là then chốt; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh là nền tảng; bảo đảm quốc phòng - an ninh vững chắc. Tỉnh quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng trên 2 con số trong mười năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt trên 55.600 tỷ đồng. 

"Tỉnh đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể; đi sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Phát triển doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh có nhiều khởi sắc, ước 6 tháng đầu năm có 795 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,6% cùng kỳ; thành lập mới 140 hợp tác xã, bằng 629% cùng kỳ.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.