Ngày 21/3, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NN-PTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo các Sở NN-PTNT, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, nông hộ, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chăn nuôi. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên các nền tảng của Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) và ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi chủ trì và điều hành diễn đàn.
Tại diễn đàn, các đại biểu đại diện Cục Chăn nuôi, Viện Chính sách... sẽ cung cấp thông tin về những quy định và yêu cầu đặt ra đối với chuỗi chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm và thực tiễn tại Việt Nam.
Đại diện Sở NN-PTNT phía Nam và các Hiệp hội, doanh nghiệp sẽ chia sẻ về cơ hội và thách thức đặt ra đối với kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
12 giờ 00 phút
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là gốc rễ của tăng trưởng xanh
Kết thúc diễn đàn, ông Dương Tất Thắng (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, Cục Chăn nuôi cam kết tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp tại diễn đàn để xây dựng các chính sách phát triển ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.
Theo ông Thắng, nhìn lại quá trình phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian qua có thể khẳng định rằng ngành chăn nuôi đã có những bước tiến mạnh mẽ với sự vào cuộc Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương.
“Với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu, chúng ta có một hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và sinh kế cho chục triệu hộ nông dân”, ông Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Đây là lợi thế khi ngành chăn nuôi tham gia những sân chơi lớn.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra những hạn chế nhất định của ngành như vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi. Chính vì vậy, qua diễn đàn có thể thấy rằng kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sẩm phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt...).
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhấn mạnh rằng đối với KTTH trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. KTTH cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
“Nguyên tắc cốt lõi của KTTH trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhay như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến”, ông Thắng cho biết.
Nếu như từ xưa, vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC, VACR, lúa-cá-vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh... Tuy nhiên, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực.
Tại diễn đàn, đại diện Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh rằng cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực, và sáng kiến từ doanh nghiệp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường. Theo ông Thắng, đây cũng là một điểm nghẽn khi xây dựng chính sách cho ngành chăn nuôi.
“Phía Cục Chăn nuôi trân trọng các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Phía Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ như Cục Trồng trọt, Cục HTX, Cục BVTV, Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng chính sách phù hợp cho chăn nuôi trong giai đoạn tới”, ông Thắng nói.
11 giờ 30 phút
Sử dụng chất thải chăn nuôi hợp lý để đảm bảo 3 yếu tố
Ông Lê Thanh Tùng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục trồng trọt phía Nam, Thành viên Tổ 970 ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý, tham luận tại Diễn đàn tổ chức sáng nay.
Theo ông Tùng, Diễn đàn đặt ra vấn đề nông nghiệp tuần hoàn trong chăn nuôi, đánh giá được những thách thức, hiện trạng về các phụ phế phẩm của ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi với khối lượng chất thải hàng vài trăm triệu tấn/năm (cả chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải không khí), mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để sử dụng cho hợp lý để đảm bảo 3 yếu tố: không gây ô nhiễm môi trường; không để hiệu ứng khí nhà kính; tái sử dụng tham gia vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.
Các tham luận cũng đánh giá những rào cản hiện nay, trước tiên là rào cản từ nhận thức: những người sử dụng phế phẩm để tham gia vào vòng tuần hoàn tiếp theo; nhận thức của những người quản lý; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng. Ngoài ra, thể chế chưa đồng đều để vận hành những vấn đề này. Khung hành lang pháp lý; quy hoạch của các địa phương về các khu giết mổ, khu chế biến nông sản…
Có những doanh nghiệp trăn trở về các chương trình quốc gia mà chúng ta đã từng làm, vấn đề bây giờ sản xuất ra sản phẩm phân bón từ phụ phẩm ngành chăn nuôi có tiêu thụ được không, trong khi đó giá nhập phân bón từ phế phẩm nhập khẩu rẻ hơn so với chi phí sản xuất; các phụ phẩm làm phân ủ thủ công, công nghệ… có đạt các tiêu chí theo quy định về môi trường, chỉ số an toàn đối với sức khỏe hay không.
“Có nhiều ý kiến quan tâm việc xử lý phân, nước thải… chăn nuôi mà chưa bàn tiếp những vấn đề phế phẩm khác như xương của động vật, sừng của động vật sau khi chế biến sẽ bỏ đi đâu, xử lý như thế nào; các vấn đề ô nhiễm không khí… Đó cũng là những phế phẩm của ngành chăn nuôi cần có giải pháp giải quyết”, ông Tùng nói.
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt phía Nam cho biết, các kiến nghị, đóng góp của các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ được tập hợp để gửi lên các cơ quan quản lý để tham mưu, từ đó có sự điều chỉnh về chủ trương, chính sách quản lý… phù hợp với thực trạng của vấn đề đang được xã hội quan tâm.
11 giờ 00 phút
Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, TS. Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam bộ, đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật.
TS. Nguyễn Văn Bắc tập trung nhấn mạnh hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. TS. Nguyễn Văn Bắc cho rằng ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế.
Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang manh nha phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. TS. Nguyễn Văn Bắc dẫn ví dụ về trùn quế, “1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng một tháng. Chất thải từ trùn quế rất thích hợp để sử dụng trong trồng trọt, đem lại giá trị kinh tế cao”.
Cục Chăn nuôi mới công bố thêm ruồi lính đen - một loài vật nuôi khác được phép sử dụng trong chăn nuôi. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy 1 kg ấu trùng ruồi lính đen có khả năng xử lý 10 kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Phân và ấu trùng ruồi lính đen được nhận định là nguồn nguyên liệu đầu vào hiệu quả. Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về yến sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trong quá trình nuôi yến, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển ruồi lính đen trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Về quản lý chính sách, TS. Nguyễn Văn Bắc đưa ra một số đề xuất: cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn; cần công bố kịp thời, rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật nhằm phục vụ chăn nuôi tuần hoàn; để đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT cần có những buổi đối thoại doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để có thể nắm bắt thông tin và điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn; các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp cùng hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
10 giờ 50 phút
Nông nghiệp tuần hoàn không chỉ bó hẹp ở các nông hộ nhỏ
Ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin cho biết, Mavin là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2004 đến nay.
Tham luận tại Diễn đàn, ông David nói: "Thời gian gần đây, chúng ta đã nghe nhiều về nông nghiệp tuyến tính, nông nghiệp tuần hoàn hay các mô hình nông nghiệp tương tự như vậy. Trong các mô hình nông nghiệp này hướng tới việc giảm thiểu tốt nhất chất thải từ các các hoạt động chăn nuôi, sản xuất và làm sao để tận dụng tốt nhất các loại chất thải này. Ví dụ như sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm từ các hoạt động này để tái chế trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt hoặc các hoạt động khác, hướng tới việc sử dụng ít nhất các nguồn tài nguyên để có thể thu được kết quả lớn. Nông nghiệp tuần hoàn giúp chúng ta có thể sử dụng ít nguyên liệu đầu vào từ đó cải thiện chất lượng đất và cải thiện môi trường, giảm bớt các nguồn tài nguyên".
Ông David khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn là một khái niệm không mới và được sử dụng từ thời kỳ tiền công nghiệp với các mô hình canh tác kết hợp sử dụng các loại phân bón, phế phẩm từ các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt để làm phân bón hoặc nguồn đầu vào cho các hoạt động khác.
Tuy nhiên, ông nhận định, trong giai đoạn gần đây, các phương pháp trên đang bị ảnh hưởng nhiều bởi các phương pháp canh tác hiện đại, các phương pháp canh tác trên quy mô lớn, các phương pháp độc canh, các phương pháp thâm canh chỉ chủ yếu vào tăng lợi nhuận mà không hướng tới bảo vệ môi trường.
Các mô hình canh tác trên quy mô lớn thường được áp dụng bởi các công ty lớn. Điều này sẽ khó phù hợp với nông nghiệp tuần hoàn. Nông nghiệp tuần hoàn hướng nhiều hơn tới các nông hộ nhỏ, hoặc các cơ sở sản xuất sử dụng hữu cơ trong các hoạt động sản xuất của mình. Hiện nay, Tập đoàn Mavin đã xây dựng được một mô hình tuần hoàn được triển khai tại 3 tỉnh hướng tới các hoạt động chăn nuôi lợn và hướng tới được triển khai tại Gia Lai, Nghệ An và Đồng Tháp.
Mô hình của Tập đoàn Mavin tập trung vào cả lợn nái cũng như lợn thịt và áp dụng công nghệ cao và các công nghệ về chuyển đổi số. Cùng với đó, hướng đến quản lý nước, kiểm soát chất thải và sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường như điện mặt trời áp mái hay các công nghệ biogas và nguồn thức ăn đầu vào được quản lý chặt chẽ, khoa học. Đồng thời, Tập đoàn Mavin cũng có nhà máy để sản xuất các loại thức ăn để phục vụ cho hoạt động chăn nuôi. Ngoài ra, cũng có nhà máy để thu gom các loại chất thải, phế phẩm của hoạt động chăn nuôi để sản xuất phân bón cho cây trồng.
“Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống quản lý và quy trình kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, khép kín. Mục tiêu mà Tập đoàn Mavin đang hướng tới là phát triển ngành chăn nuôi phát thải các-bon thấp và thân thiện với môi trường. Dự kiến đến năm 2025, Tập đoàn Mavin sẽ sản xuất ra 1 triệu con lợn sạch mỗi năm”, ông David cho biết.
Từ cách làm của Tập đoàn Mavin có thể thấy được, nông nghiệp tuần hoàn có thể được áp dụng cả với những tập đoàn công ty lớn chứ không chỉ bó hẹp ở các nông hộ nhỏ. Để có thể đạt được một nền nông nghiệp tuần hoàn, ông David cho rằng phải nắm được 3 yếu tố chính: Giảm thiểu, Tái chế và Tái sử dụng.
10 giờ 40 phút
Ứng dụng công nghệ để xử lý chất thải chăn nuôi
Ông Nguyễn Việt Hoài, nhà khoa học có nhiều sáng chế về xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về xử lý thu gom khí thải. Ông đánh giá, Diễn đàn rất bổ ích cho các đơn vị trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Cá nhân ông Hoài hiện đã Sở hữu 4 phát minh về vấn đề công nghệ sinh học, vi sinh.
"Điều cần cho người nông dân, đó là tuần hoàn. Những yêu cầu đặt ra trong suốt chương trình, đó là giải pháp để xử lý chất thải của sinh học tuần hoàn. Đất nước ta là đất nước nông nghiệp, do đó chủ trương này là rất phù hợp và mang tính tất yếu", ông Hoài nhấn mạnh.
Chất thải chăn nuôi gây ra khí CO2 gây ô nhiễm môi trường và làm giảm giá trị sản phẩm nông sản của Việt Nam nếu căn cứ với các tiêu chuẩn Quốc tế. Giải pháp để xử lý chất thải chăn nuôi, ông Hoài cho biết đã sáng chế quy trình sản xuất phân vi sinh từ chất thải hữu cơ; quy trình sản xuất đệm lót sinh học dùng cho chăn nuôi; quy trình sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh.
“Tôi gửi tới diễn đàn những sản phẩm, phát minh này để hỗ trợ, cung cấp giải pháp cho các đơn vị, tổ chức sản xuất nông nghiệp” – ông Hoài cho biết.
10 giờ 30 phút
3 phương pháp đánh giá chất lượng sản phẩm vi sinh trong chăn nuôi
Bà Lê Vân Hải Yến, Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, giới thiệu về tổng quan đánh giá chất lượng sản phẩm vi sinh trong chuỗi thức ăn chăn nuôi.
Theo bà Yến, từ những vi sinh vật có lợi hỗ trợ đường ruột cho vật nuôi có thể cho ra sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học EM.
Đại diện Công ty NHONHO giới thiệu đơn vị có thể cung cấp 3 phương pháp xét nghiệm chế phẩm sinh học gồm nuôi cấy, xét nghiệm miễn dịch Elisa, xét nghiệm PCR, trong đó hai phương pháp sau có thời gian nhanh, độ chính xác cao, song chi phí cũng đắt hơn.
10 giờ 20 phút
Chú trọng liên doanh liên kết để doanh nghiệp Việt không bị thua trên sân nhà
Ông Vũ Mạnh Hùng (ảnh) (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn) cho biết, ông rất tâm đắc về vấn đề chính sách tuần hoàn trong chăn nuôi, trồng trọt, phân bón hữu cơ…
Trong 20 năm qua, Tập đoàn Hùng Nhơn đã rút ra nhiều bài học từ liên doanh với các Tập đoàn của Hà Lan, Bỉ… Họ tập trung vào vấn đề đầu tư chính sách vĩ mô một cách bài bản. Năm 2023, chúng ta đang đối mặt với các vấn đề tài chính, lãi suất ngân hàng tăng cao…, tuy nhiên, càng khó họ càng đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam có tâm lý rụt rè, e dè đầu tư.
Hiện tại, kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong các dự án đang triển khai tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tập đoàn Hùng Nhơn rất chú trọng đến các vấn đề xử lý rác thải rắn, đốt khí thải, tiêu huỷ gà, heo…
Tháng 6 tới đây, Hùng Nhơn dự kiến phối hợp với Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo để chia sẻ, giúp các doanh nghiệp, địa phương cùng thảo luận để định hướng đầu tư cái gì tốt nhất cho ngành, thay đổi tư duy, nhìn nhận những tồn tại để có các giải pháp tốt hơn.
Theo ông Hùng, những tồn tại trong quy hoạch sử dụng đất đai ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ còn đang vướng rất nhiều; các quy định về ĐTM, các lỗ hổng về quản lý đất đai cần sửa đổi để tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
“Góc nhìn của các nhà đầu tư, chúng ta đang bị chậm rất nhiều so với kinh tế hội nhập. Các nhà đầu tư nước ngoài đang sang đầu tư tại Việt Nam, chúng ta đang thua rất nhiều trên sân nhà. Các HTX, các cơ sở sản xuất trong nước cần liên doanh liên kết, ngồi lại với nhau để có những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng tuần hoàn” – ông Hùng nhận định.
10 giờ 10 phút
Tập đoàn TH áp dụng công nghệ cao hoàn thiện quy trình xử lý chất thải chăn nuôi
Tại diễn đàn, ông Phạm Vinh Sơn (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Phân bón xanh (Tập đoàn TH) đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học và công nghệ mới trong quá trình phát triển chuỗi trang trại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Đầu tư và phát triển công nghệ chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp vẫn là một lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn TH đang áp dụng một số công nghệ, bao gồm công nghệ xối, xả trong hệ thống ống kín; hệ thống máy tách phân nhập khẩu từ CHLB Đức; hệ thống tái tạo nền chuồng nhanh với đệm lót sinh học được sản xuất và xử lý tại nhiệt độ >65 độ C, giúp tiêu diệt các vi khuẩn và vi sinh vật có hại cho đàn gia súc.
Đặc biệt, mặc dù chứa nhiều hàm lượng chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, chất thải lỏng là một dạng tài nguyên khó xử lý do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, thức ăn đầu vào, vi sinh vật… Giai đoạn 2016 - 2017, Tập đoàn TH bắt đầu đầu tư các nhà máy xử lý chất thải sử dụng công nghệ kị khí hoàn chỉnh và mương oxy hóa, tận dụng chế phẩm vi sinh và sản phẩm sinh học, qua đó đẩy mạnh quá trình xử lý kị khí và nitơ trong nước thải.
Về quá trình sản xuất phân bón hữu cơ, ông Phạm Vinh Sơn cho biết sau khi thu gom và phân loại, nước phân được phối trộn và tạo luống. Tập đoàn TH sử dụng công nghệ đảo trộn cùng men hoặc các chế phẩm sinh học để thúc đẩy quá trình phân hủy. Đồng thời, các trang trại tối ưu hóa giai đoạn ủ phân, thổi khí vào để đẩy nhanh quá trình tiêu diệt mầm bệnh hoặc hạt cỏ dại. Sau khi các luống được ủ 2 tuần ở nhiệt độ >65 độ C, gần 99,8% mầm bệnh và hạt cỏ dại bị tiêu diệt.
Phân hữu cơ thành phẩm được sử dụng theo hai phương thức khác nhau. Thứ nhất là sử dụng nội bộ. Phân được sản xuất tại nhà máy sẽ đem ra bón trực tiếp ra các cánh đồng của TH. Nếu phân hữu cơ đạt yêu cầu về chất lượng, TH sẽ đóng gói thành sản phẩm và lưu thông trên thị trường.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể nói rằng TH đã khép kín thành công mô hình chăn nuôi 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer). Sau khi QCVN 01 ra đời, TH sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ, xây dựng quy trình để có thể sử dụng nước thải trên các cánh đồng ruộng của tập đoàn”, đại diện Tập đoàn TH chia sẻ.
10 giờ 00 phút
Mô hình Liên kết gà - rau Thái Bình giúp tận dụng phế phẩm chăn nuôi cho trồng trọt
ThS Bùi Thị Hồng Hà (ảnh), Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về mô hình Liên kết gà – rau tại Thái Bình.
Theo đó, bà Hà chia sẻ, giá gà ảnh hưởng các tiêu chí môi trường, chăm sóc thú y và hiệu quả kinh tế. Trong đó, hiệu quả kinh tế sẽ tăng khi chi phí môi trường chăn nuôi tăng và chi phí chăm sóc thú y giảm.
Như vậy, ở mô hình trang trại chăn nuôi hữu cơ với chi phí môi trường cao giúp giá gà cũng cao lên hơn so với giá gà tại các trang trại vi sinh và nông hộ. Để hướng tới chăn nuôi gà theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ áp dụng các giải pháp như công nghệ vi sinh EM được đưa ra phục vụ từ năm 2000 đến nay, bổ vi sinh theo trấu và công nghệ vi sinh xử lý hoai mục phân. Nông nghiệp tuần hoàn có phân chuồng, tàn dư đồng ruộng, phế phụ phẩm sản xuất, phân bón... dùng cho hoạt động trồng trọt của nông dân nói chung. Phân gà được xử lý bằng công nghệ vi sinh ngay tại trại, ủ hoai và đưa ra dùng tại ruộng rau.
Cách làm này được áp dụng tại Trại gà đẻ của anh Hưng tại thôn Tam Bình, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình với quy mô 18.000 đến 50.000 con. Trung tâm đã thông qua đơn vị gần gũi với người nông dân như Hiệp hội trang trại Thái Bình để giới thiệu và ứng dụng các công nghệ vi sinh này trong xử lý chất thải chăn nuôi.
Theo bà Hà, nhờ ứng dụng mô hình trộn phân từ Trại gà đẻ của anh Hưng, HTX rau sạch Trung An đã tăng năng suất 40%. Một HTX rau sạch khác dùng phân gà rắc trên ruộng và tận dụng dùng tàn dư trên ruộng, không cần dùng tới thuốc BVTV nào giúp sản xuất rau với chi phí rẻ tạo ra chất lượng cao phục vụ khách hàng.
Nhiều độc giả gửi câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm tới Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”. Khi có phần trả lời của các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ đăng tải.
Câu hỏi:
1. Trong hệ thống các trang trại chăn nuôi lợn/gà tập trung đều có các hệ thống quạt thông gió ở cuối nhà gà (hệ thống quạt công suất rất lớn) vậy trong báo cáo đề xuất giấy phép môi trường/Báo cáo ĐTM các cơ quan yêu cầu lắp hệ thống xử lý khí thải ở cuối nhà gà, thu toàn bộ lượng khí này để xử lý bằng than hoạt tính, dập bụi… Liệu có khả thi về mặt chi phí đầu tư, vận hành, mà lưu lượng khí thải này cực kỳ lớn 582.400m3/h/nhà thì có phải lắp quan trắc tự động cho nguồn khí thải này không?
2. Phân gà/phân lợn có thể chuyển giao trực tiếp cho các hộ dân dùng bón cho cây trồng tuy nhiên trong báo cáo ĐTM của các cơ quan phê duyệt đều yêu cầu chuyển giao cho đơn vị chức năng đưa đi xử lý? Tôi xin hỏi có đơn vị nào là đơn vị được cấp phép xử lý phân? Mà chuyển giao cho đơn vị này, thì chi phí xử lý có phù hợp với lĩnh vực chăn nuôi không? (Mr. Hao-Cty Japfa)
Câu hỏi:
Việc xử lý rác thành phân bón khó khăn nhất trong khâu phân loại rác từ người dân, chúng tôi mong muốn nhận được sự tư vấn về kinh nghiệm thực hiện vấn đề này? (Minh Công)
Câu hỏi:
Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08 và Thông tư 02 đã quy định rất chặt chẽ về chất thải chăn nuôi. Trên góc độ của luật thì CTR chăn nuôi (phân lợn) nếu vận chuyển ra khỏi trang trại, nếu chưa xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón sẽ vi phạm vì vận chuyển chất thải rắn thông thường. Tôi muốn hỏi Bộ NN-PTNT đã có quy định pháp lý nào giúp cho các trang trại chăn nuôi về vấn đề này chưa? (Acer)
Kết nối:
Tôi tên là Thạch Lời, hiện đang khởi nghiệp về nông nghiệp với đề tài "Hữu cơ hóa đất Đồng bằng sông Cửu Long bằng nguồn chất thải sẵn có tại địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững". Rất mong được các bạn và các cơ quan tổ chức có quan tâm và hỗ trợ. SĐT liên hệ: 0333 769 819, email: vnrs009@gmail.com
Kết nối:
Hiện tại đất sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đang bị thoái hóa dẫn đến tình trạng giảm năng suất và chất lượng nông sản, sâu và bệnh bùng phát gây thiệt hại nặng cho sản xuất trồng trọt. Tuy nhiên, các loại phế phụ phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long lại có khá nhiều. Rơm rạ, rác thực phẩm ở các chợ, nhà máy chế biến, chất thải chăn nuôi, chất thải ngành thủy sản, tàn dư trên đồng màu, bùn ao hồ kênh mương... chỉ cần chọn lựa và có biện pháp kỹ thuật kèm theo công nghệ phù hợp sẽ tái sử dụng được rất hữu ích, cải thiện được chất lượng đất sản xuất nông nghiệp với chi phí thấp.
Nếu có thể, nên xây dựng từng mô hình cải tạo tăng tỉ lệ chất mùn hữu cơ OM trong đất với từng nguồn chất thải sẵn có để kiểm tra đánh giá kỹ các chỉ tiêu kỹ thuật cần thiết và hiệu quả cải tạo đất trước khi khuyến cáo áp dụng đại trà. Hiện nay công nghệ vi sinh của Việt Nam với kết quả đề tài EM/KHCN có thể hỗ trợ rất tốt cho vấn đề này. Địa phương có thể liên hệ Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam để có thêm thông tin về kỹ thuật, kinh nghiệm và mô hình thực tế.
Chia sẻ:
Làm biogas và nước thải biogas khó tận dụng cho trồng trọt bởi không vận chuyển được đi xa. Ngày xưa các cụ nuôi trâu bò lợn lấy phân hữu cơ cho trồng trọt. Phân hữu cơ chỉ tốt khi ta tận dụng xử lý được cả nước tiểu của chúng làm phân bón mới là phân chất lượng, còn để nước tiểu chảy ra chỉ tách lấy phân cái thì nguồn phân đó nghèo dinh dưỡng và khi không xử lý ủ triệt để đưa ra đất trồng sẽ gây ngộ độc hữu cơ trong đất gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cây trồng và suy yếu cây.
Bởi vậy nông nghiệp tuần hoàn là nuôi - trồng khép kín. Tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nên nguồn dinh dưỡng chất lượng cao của trồng trọt. Nguồn thải của trồng trọt là các phế phụ phẩm thì chuyển sang đầu vào thức ăn chăn nuôi. Chỉ cần công nghệ vi sinh làm chìa khóa ta sẽ xử lý được toàn bộ vấn đề nhức nhối về môi trường hiện nay. Vừa giảm chi phí sản xuất vừa tạo ra nguồn thực phẩm sach chất lượng cao vừa tăng thu nhập cho nông dân để họ tự làm giàu trên quê hương họ. Đặc biệt họ tự tin minh bạch quy trình sản xuất để người tiêu dùng đón nhận ủng hộ sản phẩm nông nghiệp từ nông trại tới bàn ăn.
Hiện tôi đang làm mô hình nuôi gà sạch lợn sạch và rau quả sạch, nguồn chất thải của trang trại hoàn toàn làm đệm lót vi sinh tạo ra nguồn phân hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho trồng trọt, chuỗi nuôi trồng khép kín không xả thải ra môi trường. Hiện tại vào trang trại 3.000 gà và 100 lợn thịt hoàn toàn không mùi hôi ô nhiễm. Tôi đã làm thành công, có sản phẩm ra thị trường như thịt gà thịt lợn rau quả. Nếu các bác muốn ghé thăm mô hình tôi xin mời check về địa chỉ: Trang trại Thu Thoan trên bản đồ là tới. Tôi sẵn sàng hỗ trợ các mô hình chăn nuôi bảo vệ môi trường sạch sẽ bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Xin cảm ơn! (Thu Thoan HTX Gà Vinh Sinh Thu Thoan (Sóc Sơn, Hà Nội).
Chia sẻ:
Trong bài của TS. Nguyễn Thế Hinh - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, có nói về mô hình "đầu tư máy tách chất thải rắn", tức là sử dụng cho mô hình chăn nuôi lợn (dùng nước rửa chuồng) => sinh ra chất thải lỏng. Rắn trộn với lỏng rồi lại tách ra => đây là sự vòng vèo. Vì có câu chuyện biogas.
Tuy vậy, chất ô nhiễm cần được cố định lại (tránh ô nhiễm phân tán). Ô nhiễm phân tán rất mạnh trong môi trường khí và nước. Do đó mô hình chăn nuôi lỏng đã thất bại (trong đó có biogas) và thay thế bằng mô hình chăn nuôi rắn tức là dung đệm sinh học (rắn hoàn toàn). Thực tế trong các hộ chăn nuôi nhỏ ngày xưa không ai lại dùng nước rửa chuồng cả. Họ đưa rơm rạ vào chuồng và ủ làm phân bón hữu cơ. Cho nên phải có tư duy hệ thống và logic. (Hong Ngoc Nguyen)
Câu hỏi:
Tôi có tham gia cùng doanh nghiệp Musapacta liên quan đến sản xuất chuối và là mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín: Sau thu quả, doanh nghiệp tận dụng thân giả thu tơ chuối (sản xuất vải bằng xơ tốt, làm sản phẩm mỹ nghệ bằng xơ chất lượng thấp hơn), toàn bộ bã được dùng nuôi trồng nấm hoặc trùn quế, sau đó ủ vi sinh làm phân bón khô. Phần nước tách giàu kali cũng được ủ làm phân nước. Doanh nghiệp rất cần sự ủng hộ và giúp đỡ của Nhà nước nhưng lúng túng không biết liên hệ với ai ở Bộ NN-PTNT. Nếu ai biết xin cung cấp với ạ! (Biếu NV HSHHN)
9 giờ 30 phút
'Điểm nghẽn' về chính sách trong nông nghiệp tuần hoàn
Ông Nguyễn Trí Công (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đề xuất tháo gỡ về rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ Luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, trong khi Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi đó là “rác thải”.
Theo ông Công, “điểm nghẽn” hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường.
Lấy ví dụ, ông cho biết: chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… nhưng vận chuyển thì lại vướng bởi nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường.
Luật Chăn nuôi quy định động vật, gia súc gia cầm khi bị dịch bệnh phải đưa đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Hình thức này sẽ rất mất nhiều thời gian để tiêu hủy, phân hủy hết, trang trại nào muốn hồi phục lại sản xuất phải mất nhiều thời gian lên tới cả chục năm. Ông kiến nghị có thể dùng phương pháp xử lý bằng nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể tái sử dụng vật nuôi đó làm thức ăn cho vật nuôi khác.
Về chăn nuôi bền vững, an toàn, ông Công cho rằng các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để đảm bảo sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất. Tiếp đó, các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này.
“Xu thế trên thế giới, đó là sử dụng thịt mát thay thế cho thịt nóng bởi sẽ bảo quản tốt hơn, hạn chế được những vi sinh vật có hại trong miếng thịt. Có cách nào để quản lý thực phẩm an toàn, các công ty đưa ra thị trường phải đảm bảo, giám sát chất lượng, họ cần chủ động liên kết với các trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch”.
Ông Công cũng đề xuất, Nhà nước cũng nên tính tới giải pháp “đặt hàng” các cơ sở chăn nuôi dự trữ vật nuôi, từ vài vạn tới vài chục vạn con lợn để chủ động trước các tình huống như giá thịt hơi giảm, người chăn nuôi bỏ chuồng, không chăn nuôi làm giảm nguồn cung ra thị trường, từ đó gây biến động chỉ số CPI quốc gia.
“Nếu làm được điều này, Nhà nước sẽ không phải lo kho bãi dự trữ, trong khi Việt Nam chưa xây dựng hệ thống kho bãi dự trữ nguồn thực phẩm”, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khẳng định.
9 giờ 20 phút
Quy định cứng nhắc có thể hạn chế tính lan tỏa của kinh tế tuần hoàn
Chia sẻ góc nhìn về kinh tế tuần hoàn (KTTH) từ những kinh nghiệm thực tiễn, ông Hà Văn Thắng (ảnh) - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng KTTH không phải một mô hình lựa chọn mà là tất yếu.
“KTTH là nền tảng của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá. KTTH là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn, các mô hình này không bị trói buộc bởi 1 khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc cho mô hình KTTH là rào cản khiến cho tính lan tỏa hạn chế”, ông Thắng nhận định.
Theo đại diện Hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tuần hoàn không bị trói buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tổ chức, nông hộ, ở đây tư duy thiết kế là quan trọng nhất.
Tại diễn đàn, ông Thắng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu quy định hàng lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) để ĐMST thực sự đi vào đời sống xã hội, có cơ chế cho câu chuyện thí điểm, thử nghiệm, đánh giá và tổng kết các mô hình ĐMST.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cần có những chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình. Ông cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình cho các trung tâm vùng lõi do các doanh nghiệp dẫn dắt.
9 giờ 10 phút
Khó khăn trong việc triển khai các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi
Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thế Hinh (ảnh), Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, đã chia sẻ khái quát một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam.
Về mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện nay có ba công nghệ chính: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).
Trong thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh dự án với kết quả ban đầu khá khả quan, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2000 đầu lợn/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas. Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại lợn quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.
Các công nghệ xử lý môi trường được dự án giới thiệu đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho cộng đồng và người dân.
Thứ nhất, đối với mô hình máy tách phân, đa số các trang trại áp dụng sản xuất phân bón từ chất thải chăn nuôi theo hướng tự phát quy mô nhỏ và vừa, không nắm rõ các thủ tục đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ. Theo đó, TS. Nguyễn Thế Hinh đề xuất tạo điều kiện đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ cho người dân quy mô nhỏ; hình thành, phát triển hệ thống thu gom, tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi cho các trang trại quy mô nhỏ và vừa.
Thứ hai, đối với mô hình hệ thống tưới nước thải sau biogas, trong nhiều năm, người chăn nuôi phải tuân thủ Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) số 62 nên không thể sử dụng nước thải sau biogas trong tưới tiêu. Tuy nhiên, ngày 30/12/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành QCVN 01 về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Nhận thấy đây là cơ sở để nhân rộng các mô hình, TS. Nguyễn Thế Hinh đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, hướng dẫn, thông tin tuyên truyền để QCVN 01 đem lại giá trị thực tiễn cho người dân.
Thứ ba, đối với mô hình máy phát điện, hiện nay Chính phủ chưa cho phép nối điện biogas với lưới điện quốc gia nên điện khí sinh hoạt sản xuất ra không được tiêu thụ. Đa số các trang trại chăn nuôi chỉ có nhu cầu sử dụng khoảng 20-30% sản lượng điện biogas sinh ra nên hiệu quả kinh tế khá thấp. TS. Nguyễn Thế Hinh đề nghị Chính phủ cho phép nối lưới điện khí sinh học để tạo thị trường đầu ra cho điện biogas, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển, sản xuất và thương mại hóa máy phát điện biogas nội địa.
9 giờ 00 phút
Người làm nông nghiệp tuần hoàn phải đi cùng nhau
Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Lâm – người hơn 30 năm theo đuổi xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm kêu gọi tất cả các thành phần trong xã hội làm nông nghiệp chịu khó, chịu khổ, thậm chí phải chịu nhục; muốn đi xa phải đi nhiều người, ông kêu gọi mọi người làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ phải đi cùng nhau.
Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam đánh giá cao những thành tựu của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Ông cho rằng, Bộ NN-PTNT trải qua hai nhiệm kỳ Bộ trưởng (từ thời kỳ Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tiếp đó là Bộ trưởng đương nhiệm Lê Minh Hoan) đã rất thành công trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai để phát triển nông nghiệp; ổn định đàn gia súc, đảm bảo đời sống dân sinh cho người chăn nuôi. Điều quan trọng khác, đó là đã thay đổi được nhận thức cho hầu hết cán bộ trong ngành nông nghiệp, lan tỏa tinh thần “an toàn dịch bệnh, an toàn sản xuất từ thực tế”.
Ông Lam cũng cho rằng, trong sản xuất kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, công tác truyền thông là công tác cực kỳ quan trọng. Nếu không có truyền thông sẽ không ai hiểu được cách thức, đường đi…
“Bây giờ cần thực chất hơn, nói đi đôi với làm để tạo được niềm tin" - ông Lam đánh giá cao những giá trị mà Báo Nông nghiệp Việt Nam mang tới cho bạn đọc, tuyên truyền cho ngành, là gạch nối của bốn nhà: nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân; kịp thời tuyên truyền, nhân rộng các câu chuyện, mô hình, giá trị… trong sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Chia sẻ về sứ mệnh của Tập đoàn Quế Lâm, ông Lam cho biết, Quế Lâm hiện theo đuổi công nghệ vi sinh. Hiện nay, Tập đoàn của ông giúp được hàng triệu bà con nông dân. Vấn đề từ xưa tới nay, cuối cùng vẫn là nông nghiệp quyết định thể trạng của con người. Vai trò của nông nghiệp rất quan trọng, là giá trị bền vững cuối cùng mà các nền kinh tế đều tìm về.
8 giờ 50 phút
Đồng Nai sử dụng 2 triệu tấn phân hữu cơ/năm từ phụ phẩm chăn nuôi
Với số lượng đàn heo lên tới 2,6 triệu con, tỉnh Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ heo” của cả nước, ông Trần Lâm Sinh - PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp xu hướng chuyển đổi, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được gần như triệt để.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt trên 330 ngàn mét vuông.
Tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với Quế Lâm triển khai mô hình nuôi heo hữu cơ, ngoài ra các mô hình dùng phụ phẩm chăn nuôi, mô hình sản xuất phân hữu cơ được triển khai khá nhiều. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm.
Đánh giá về kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ông Sinh cho biết khó khăn, thách thức trong nông nghiệp tuần hoàn là khá lớn, trong đó có các vấn đề liên quan đến nhận thức, hành lang pháp lý, phát triển mô hình khai thác, tài chính khó khăn, công nghệ tái chế, quản lý môi trường và nguồn nhân lực, tốc độ thương mại hóa trên thế giới.
Về phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức người dân, nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, chính sách ưu tiên, liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị,...
8 giờ 40 phút
Nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ còn sơ khai
TS Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT (IPSARD) dẫn một số kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp của các nước Hà Lan, Úc, Trung Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi.
Đối với phát triển và nhân rộng KTTH trong nông nghiệp, ông Phong cho biết Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về KTTH tại quy mô doanh nghiệp nhỏ-vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, HTX còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.
Trên cơ sở phân tích những hạn chế trên, đại diện IPSARD đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, HTX sản xuất áp dụng công nghệ về KTTH. Thứ ba, cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.
Thứ ba, cần xây dựng chiến lược truyền thông ở các cấp, gắn với các hoạt động khuyến nông.
Thứ tư là Thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về KTTH.
8 giờ 30 phút
Tận dụng phế, phụ phẩm sinh hoạt - Xu hướng của tương lai
Bà Nguyễn Giang Thu (ảnh) - Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường - giới thiệu mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn (mô hình cánh bướm) trong hệ thống thu hồi chủ động để thu hồi các nguyên liệu, phụ phẩm của ngành chăn nuôi.
Bà cũng nêu 9 vai trò trọng tâm của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành.
Theo bà Thu, từ năm 2013 – 2023 đã công nhận 529 giống mới góp phần tăng năng suất, chất lượng; các giống cây trồng cho năng suất vượt từ 10 – 15%.Thực trạng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện đã có 3 mô hình chủ yếu: (1) Mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; (2) Mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; (3) mô hình tiết chế hoá.
Cụ thể, theo thời gian và sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp, chúng ta đã sử dụng các mô hình: Mô hình vườn ao chuồng (VAC); mô hình luân canh “lúa – tôm”, “lúa – cá”; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò – trùn quế - cỏ/ngô – gia súc, gia cầm – cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F; Vòng tuần hoàn xanh trong các trang trại bò sữa; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước.
Bà Thu nhận định, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã tuyên truyền các ứng dụng trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình để vừa bảo vệ môi trường, vừa sử dụng hiệu quả các phụ phẩm, phế phẩm sinh hoạt có thể tái sản xuất cho các lĩnh vực khác. Đây sẽ là xu hướng, mô hình được nhân rộng trong tương lai.
Bà Thu đánh giá cao mô hình của doanh nghiệp Quế Lâm tương đối khép kín, mang lại hiệu quả thực chất nhưng chưa được áp dụng rộng rãi do đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật, đòi hỏi diện tích đất quy mô lớn cũng như các chi phí để đầu tư sản xuất. Đánh giá các tồn tại trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, bà Thu cho rằng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của Việt Nam; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Tư duy trước đây vẫn còn coi phụ phẩm đó là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần phải xử lý để tiếp tục tuần hoàn.
“Những đầu vào này cần được sử dụng để bắt đầu chu kỳ khác, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng. Ngay như rơm rạ, bao nhiêu năm chúng ta vẫn nói những chưa được giải quyết; chặt tỉa cành thanh long, bã quả chanh leo…, tất cả những phụ phẩm đó cần được sử dụng.
Năng lực sử dụng, ứng dụng khoa học công nghệ của chúng ta còn hạn chế, mới chỉ ở các Viện, trường; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, ứng dụng công nghệ chưa rộng rãi và chưa thực sự quan tâm” – bà Thu phát biểu.
Trong thời gian tới, bà Thu cho biết các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần nâng cao nhận thức, vài trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế và hình thành các cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn; tổ chức triển khai các mô hình…
“Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của Quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu” – bà Thu dẫn lời của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
8 giờ 20 phút
Quy định và yêu cầu đặt ra đối với chuỗi chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn
Theo TS. Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.
Hiện nay chúng ta đã có rất nhiều quy định, pháp luật, chính sách liên quan, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Trồng trọt 2018,… Theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi ghi nhận bước tăng trưởng mạnh về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đàn lợn đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.
TS. Võ Trọng Thành cho biết, “Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác dộng nhất định đối với môi trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta xử lý vấn đề môi trường”.
Theo đó, một số yêu cầu đối với ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn bao gồm: Hoạt động chăn nuôi cần tạo ra hiệu quả kinh tế, giảm phát thải; Phải có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư; Kết nối được các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông sản; Phải có công cụ đánh giá việc sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp...
Tại diễn đàn, TS. Võ Trọng Thành đã chia sẻ một số giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.
Thứ nhất, hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi.
Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi.
Thứ tư, triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.
8 giờ 10 phút
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là câu trả lời cho phát triển nông nghiệp nói chung
Bà Nguyễn Thị Thanh An (ảnh) – Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam cho biết, năm nay, ACIAR kỷ niệm 30 năm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp. ACIAR đã đầu tư trên 157 triệu đô la Úc thông qua gần 250 dự án ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp, biến đổi khí hậu, kinh doanh nông nghiệp.
Chương trình Kinh doanh Nông nghiệp đã khởi xướng nhóm tham vấn Kinh doanh nông nghiệp từ năm 2020 nhằm kết nối nhà nghiên cứu đặc biệt của Úc trong các dự án ACIAR tài trợ với các công ty trong nhiều lĩnh vực để xây dựng các ý tưởng nghiên cứu, đưa ra khuyến nghị trong việc xây dựng chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
ACIAR đang thực hiện trong khuôn khổ “Chiến lược hợp tác nghiên cứu nông nghiệp kết nối” ký kết giữa ACIAR và Bộ NN-PTNT cho giai đoạn 2017-2027. Các vấn đề kết nối doanh nghiệp, sản xuất lương thực thực phẩm an toàn, tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường là câu hỏi lớn được đưa vào ưu tiên hàng đầu.
"Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang là chủ đề được quan tâm và đối với chúng tôi, đây có thể là hướng đi trả lời cho những câu hỏi đã đặt ra trong việc phát triển chung. Đồng hành cùng Bộ NN-PTNT, nhóm tham vấn ACIAR, Báo Nông nghiệp Việc Nam, Cục Chăn nuôi, ACIAR mong muốn góp phần sôi nổi nhằm phát triển ngành chăn nuôi phát triển bền vững, thân thiện với môi trường", bà An cho biết.
8 giờ 00 phút
Sản xuất theo chuỗi để tích hợp đa giá trị - hướng đi bền vững góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Khai mạc Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu: những năm qua ngành chăn nuôi phát triển quy mô tổng đoàn, tạo nên những giá trị lớn về kinh tế. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng kéo theo các hệ lụy về ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính… cùng với việc các phụ phẩm trong chăn nuôi chưa được tái sản xuất trong các lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh ấy, việc sản xuất theo chuỗi để tích hợp đa giá trị là hướng đi bền vững góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Sản xuất theo chuỗi tuần hoàn góp phần tạo nên nền nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sẽ là cơ hội để các đơn vị, tổ chức trao đổi, nhận diện thách thức và tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch mong muốn Diễn đàn với sự tham gia của các nông hộ, các đơn vị sản xuất, chăn nuôi, các mô hình điển hình tiên tiến, các chuyên gia, các nhà quản lý… sẽ đóng góp kinh nghiệm, thực tế để lan tỏa những vấn đề này tới đông đảo người chăn nuôi.