| Hotline: 0983.970.780

Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975

[Kỳ 3] Chuyện anh hùng và bảo vật quốc gia của đại đội 4 xe tăng

Thứ Bảy 01/05/2021 , 06:18 (GMT+7)

Tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận 2 xe tăng 843 và 390 của Đại đội 4 - Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp là Bảo vật quốc gia.

Thế nhưng, trước đó, chuyện sau hòa bình từng khiến cho Đại đội 4 lâm vào một tình huống khá bi hài.

Đích đã đến

Những chuyện này được Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt viết rõ trong cuốn sách bút ký lính tăng mang tên “Hành trình đến dinh Độc Lập” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Chúng tôi xin tóm lược lại như sau:

Trưa ngày 30/4/1975, khi hai chiếc xe 843 và 390 đã tiến sát tiền sảnh, đội hình xe tăng tản ra thành hình vòng cung trên thảm cỏ hình thành thế bao vây ôm chặt lấy dinh Đọc Lập. Hàng chục chiếc xe tăng như đàn voi chiến đang còn say mùi khói súng, nòng pháo vẫn chĩa thẳng vào dinh sẵn sàng nhả đạn. Vài giây sau, không thấy động tĩnh gì, tiếng động cơ nhỏ dần rồi tắt hẳn.

Hai bảo vật Quốc gia xe tăng 843 và 390. Ảnh: Tư liệu.

Hai bảo vật Quốc gia xe tăng 843 và 390. Ảnh: Tư liệu.

Ngại ngùng trước ống kính nhà báo cả Tây cả ta, lái xe tăng 380 Nguyễn Khắc Nguyệt đang ở bên ngoài nhảy vội vào trong xe. Chính lúc ngồi trong ghế lái xe nhìn ra xung quanh, ông mới cảm nhận thật đầy đủ sự kiện vĩ đại này: Từ đây, chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt, không còn đổ máu, không còn chết chóc... Nhìn đồng hồ hành trình, ông Nguyễn Khắc Nguyệt thấy con số 3.100 hiện trên công tơ mét. Theo dọc chiều dài đất nước, con đường mà bao thế hệ đã đi qua, hôm nay ông đã đến đích. Ông vội vàng móc cuốn sổ tay "bất ly thân" đã rách te tua ra ghi vội mấy vần cảm xúc:

"Khi chiếc xe tăng dừng trước dinh Độc Lập

Ta ngỡ ngàng - đây thật hay mơ?

Cây số cuối cùng - cuộc trường chinh dằng dặc

Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa".

Sài Gòn - trưa 30 tháng 4 năm 1975

“Hòa Bình khó nhọc”

Chúng tôi xin mượn nhan đề hồi ký của một nhà văn để thấy rằng sau hòa bình bao nỗi khó nhọc đến với người lính khi giải ngũ, về với đời thường.

Lái xe 843 Lữ Văn Hỏa là người đầu tiên của Đại đội 4 ra quân vì lý do sức khỏe. Tiếp đó một số cán bộ, chiến sĩ trong đại đội được cử đi học tại Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp như Trung đội phó Phạm Xuân Tráng, lái xe Nguyễn Khắc Nguyệt, pháo hai Nguyễn Duy Hòa.

Về cán bộ cũng có sự thay đổi, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên cán bộ tiểu đoàn. Rồi hai pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên xe 390 và Thái Bá Minh xe 843 cũng được điều ra học sĩ quan ngắn hạn ở Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp. Số chiến sĩ cũ trong đại đội cũng lần lượt ra quân hoặc chuyển ngành, có người quay về trường tiếp tục giấc mơ đại học nhưng hầu hết lại về với ruộng đồng.

Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, Chính trị viên Vũ Đăng Toàn trong dinh Độc Lập 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.

Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, Chính trị viên Vũ Đăng Toàn trong dinh Độc Lập 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt thống kê: Cho đến cuối năm 1977 thì Đại đội 4 đã gồm hầu hết là người mới. Những người lính xe tăng có mặt tại dinh Độc Lập trong giờ phút lịch sử năm 1975 dần dần bị rơi vào quên lãng và chỉ được nhắc đến mỗi năm một lần vào dịp 30 tháng 4 với tư cách "ăn theo" Đại đội trưởng Bùi Quang Thận.

Số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 thuở ấy ở lại phục vụ quân đội cũng không được lâu dài. Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, Đại đội phó kỹ thuật Lê Văn Phượng, pháo hai Đỗ Cao Trường sau khi phát triển lên cán bộ cấp tiểu đoàn thì nghỉ hưu vì có một số tiêu chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới. Pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ Thái Bá Minh, lái xe Võ Đăng Khoa, pháo hai Nguyễn Duy Hòa... người chuyển vùng, người chuyển ngành ra khỏi quân đội theo nguyện vọng cá nhân.

Đại đội trưởng Bùi Quang Thận sau khi được đi đào tạo tại Học viện xe tăng Malinovsky (Liên Xô cũ) thì quay về Lữ đoàn 203 công tác. Ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá khi giữ chức vụ Chủ nhiệm Tăng Thiết giáp Quân đoàn 2 vào năm 1999. Ông Nguyễn Khắc Nguyệt công tác tại Binh chủng Tăng Thiết giáp đến năm 2008 mới nghỉ hưu với quân hàm đại tá.

Năm 1995, Đại đội 4 xe tăng được nhắc đến một cách vô cùng sôi nổi song cũng lắm bi hài. Đó là sự kiện nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder xuất hiện với tấm ảnh chứng minh xe tăng nào đến trước, xe tăng nào húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Báo chí ca ngợi xe 390 đã húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập như “húc đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân kiểu mới".

Nối tiếp là bộ phim truyền hình Những người lính kíp xe 390 của đạo diễn Phạm Việt Tùng ra đời đã làm xã hội phát sốt với câu hỏi: “Tại sao những người làm nên chiến công này lại bị đối xử tàn tệ như vậy. Tại sao không ca ngợi họ mà chỉ ca ngợi kíp xe 843...?".

Bình tâm lại và phân tích mọi vấn đề - Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt viết tiếp - dễ dàng nhận ra rằng sở dĩ có tình trạng trên hoàn toàn là do cách tuyên truyền của chúng ta. Thực ra, diễn biến chiến đấu của trận hành tiến tiến công dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 thì nói chung các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203 ngày ấy chẳng ai còn lạ gì. Xe nào đến trước, xe nào đến sau, anh Thận xuống xe như thế nào, chuyện vào dinh Độc Lập ra sao v.v... hầu hết mọi người tường tận cả.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (bên phải). Ảnh: Tư liệu.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (bên phải). Ảnh: Tư liệu.

Sự kiện đó đã được ghi lại một cách cụ thể trong cuốn “Một số trận chiến đấu của bộ đội Tăng Thiết giáp - Tập 2" do Bộ Tư lệnh Thiết giáp xuất bản năm 1978 nguyên văn như sau:

11:30 ngày 30-4-1975 phân đội đi đầu Lữ đoàn 203 tiến đến trước “dinh Độc Lập", quân địch không còn tinh thần chống cự. Tăng 390 húc đổ cổng sắt, đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông vào dinh nhanh chóng hạ cờ nguỵ, treo lá cờ giải phóng lên vị trí cao nhất" (tr. 135).

Tuy nhiên, chi tiết này không được khai thác và công bố rộng rãi đã dẫn đến những hệ luỵ vô cùng đáng tiếc về sau.

Cũng may, các anh em hai kíp xe cũng hiểu thực chất vấn đề và quan hệ giữa đại đội trưởng Bùi Quang Thận với Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, giữa kíp xe 843 với 390 vẫn bình thường như xưa, như cái thời chung lưng đấu cật ở chiến trường.

Khi đã đoàn kết với nhau, các anh bàn với một số anh em còn đang công tác làm thế nào để Đại đội 4 được tuyên dương xứng đáng với thành tích và công trạng của nó. Vừa để lấy lại sự công bằng, vừa là vinh danh các liệt sĩ của đại đội đã anh dũng hy sinh, đồng thời là một cơ hội để kéo mọi người lại với nhau.

Ngày 26/4/2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 804/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 4 xe tăng thuộc Lữ đoàn 203. Tiếp đó, ngày 30/10/2013, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tiếc một điều là ông đã không được tận hưởng niềm vinh dự đó vì đã ra đi quá sớm.

“Ngày đón danh hiệu Anh hùng của đại đội 4, gần 30 anh em có dịp được đoàn tụ bên nhau. Có những người gần 40 năm nay mới được gặp nhau. Mừng mừng, tủi tủi. Tất cả đã già đi cùng năm tháng, có người trở nên nổi tiếng và rất nhiều người dường như đã chìm vào quên lãng. Nhưng những câu chuyện về một quá vãng vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất mực lãng mạn, hào hùng vẫn nổ như ngô rang” (Nguyễn Khắc Nguyệt: Hành trình đến dinh Độc Lập).

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.